Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT: Nhiều sản phẩm giàu ý nghĩa nhân văn

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hai ngày (18 và 19-2), Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức vòng  chung kết cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT)” cấp TP năm học 2016-2017 với 105 sản phẩm tranh tài. Những sản phẩm này không chỉ mang tính sáng tạo cao, giúp học sinh (HS) hứng thú tìm kiếm tri thức mà còn mang những ý nghĩa nhân văn được xã hội đồng thuận.

HS Trường THPT Lương Thế Vinh đang hoàn chỉnh dự án “Hẻm” nhờ công cụ đắc lực là CNTT

Học địa lý qua… “Hẻm”

Bài học địa lý không bắt buộc các em phải tới những nước xa xôi ở châu Âu, châu Mỹ mà dự án dạy học “Hẻm” của thầy Nguyễn Văn Tư và cô Nguyễn Thị Thúy Hằng (giáo viên môn địa lý, Trường THPT Lương Thế Vinh) đã đưa HS lớp 11 A5 và 11 A6 đến hàng chục con hẻm của TP. Dự án này không chỉ giúp các em có kiến thức địa lý TP mà còn để HS hiểu thêm về văn hóa của người Sài Gòn qua những con hẻm nhỏ.

HS Trường THPT Tenlơman thi công, lắp đặt đèn để mang đến ánh sáng hạnh phúc cho một nhà dân

Nói về lý do chọn dự án này, thầy Tư cho biết: “Tôi muốn cho HS của mình biết đến những nét đẹp đời thường nhưng rất ý nghĩa của Sài Gòn. Hẻm rất quen thuộc với người Sài Gòn nhưng khi nhắc đến hẻm, nhiều người chỉ liên tưởng đến những ngôi nhà xập xệ, nhỏ bé, những tệ nạn xã hội, ma túy… mà ít khi nhắc đến những vẻ đẹp rất đời thường của nó”.

Từ suy nghĩ này, thầy đã kết hợp với cô Hằng thực hiện dự án dạy học “Hẻm”, đưa các em đến các hang cùng ngõ hẻm của TP để tự tìm tòi, thu thập tài liệu, xây dựng các video… nhằm nhân rộng nét đẹp văn hóa, đời sống của người dân ở từng con hẻm đến mọi người.

Nói là làm, sau nhiều tháng chuẩn bị, đầu năm học này dự án đã khởi động và cho đến nay có hơn 90 HS tham gia. Dự án chia mỗi lớp thành 4 nhóm, đến từng con hẻm để thực hiện ba chủ đề gồm: mỹ quan đô thị, văn hóa ứng xử và ẩm thực. Sau khi thu thập tài liệu, các em hóa thân thành những biên tập viên để tạo ra những sản phẩm cụ thể như phim tài liệu, trang web, phóng sự, ký sự… theo chủ đề đã chọn.

“Ánh sáng hạnh phúc” đến với người nghèo

Là một trong những dự án được đánh giá rất cao ngay từ vòng đầu cuộc thi, dự án “Ánh sáng hạnh phúc” đã dùng những chiếc bóng đèn làm từ nguyên liệu là ve chai sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng hàng chục hộ dân nghèo ở dưới chân cầu Tám Nó, Q.8.

Dự án này xuất phát từ ý tưởng của thầy Phạm Thư Tùng (giáo viên môn vật lý) kết hợp cùng với thầy Mai Xuân Long (giáo viên môn toán) Trường THPT Tenlơman hướng dẫn gần 50 HS. Dự án được khởi động từ đầu năm học 2016 với mong muốn đưa ánh sáng sạch và rẻ đến từng gia đình khó khăn trên địa bàn TP. “Một lần tôi tham gia tổ chức Trung thu cho những trẻ em khó khăn ở Q.8, thấy còn nhiều gia đình nghèo, sống chật vật trong những phòng trọ lụp xụp. Họ phải chắt chiu mọi thứ, kể cả ánh sáng để duy trì cuộc sống vì một ký điện giá đến 5 ngàn đồng. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng này” (thầy Tùng chia sẻ).

Theo đó, các em HS dùng những vật dụng rất đơn giản nhưng tốn khá nhiều công sức thu thập từng chai nhựa bỏ, sau đó đựng gần 1,5 lít nước và miếng tôn gắn ngang thân để khuếch tán ánh sáng dựa trên hiện tượng khúc xạ. Phần trong chai lắp đèn led, bộ nạp ắc quy, còn miếng tôn được lắp pin mặt trời. Ban ngày, điện được nạp vào ắc quy thông qua tấm pin mặt trời để tối đến đèn sẽ phát sáng.

Gần 50 HS của 7 lớp được chia thành 5 nhóm đã được các giáo viên này phân công thực hiện những việc làm như nhóm thi công, mô hình, nhóm điện tử… tới nhà từng người dân này để mang ánh sáng hạnh phúc đến với họ. Trước khi đến thi công, các em được giáo viên tập huấn rất kỹ để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Dự án đã giúp xóm nghèo tối tăm ở mảnh đất vùng ven TP sáng đẹp hơn.

Học văn từ… chuyện đời quanh em

Sau 4 tháng phát động và triển khai, 105 sản phẩm dạy học xuất sắc đã lọt vào vòng chung kết, trong đó có 64 dự án dạy và học, 30 bài giảng trên bảng tương tác và 11 phần mềm, trang web giáo dục do chính các giáo viên từ mầm non đến THPT và GDTX trên địa bàn TP thực hiện.

9 câu chuyện mà 9 nhóm HS Trường THCS Văn Lang, Q.1 (với gần 160 HS khối 8 và khối 9) thực hiện trong dự án “Chuyện đời quanh em” là những câu chuyện xúc động về cuộc đời của các nhân vật có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên trong cuộc sống.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em đã phân vai người chụp ảnh, người quay video, người viết truyện, người chụp hình để tạo nên những… bài báo, kể cả báo giấy và báo hình về những mảnh đời bất hạnh. Nói về việc lên ý tưởng cho dự án này, thầy Hoàng Long Trọng (giáo viên môn ngữ văn) cho hay: “Học văn không chỉ là học từ sách vở, học từ trang giấy mà các em còn phải biết vận dụng kiến thức của mình để áp dụng thực tế, giúp ích cho đời. Vì vậy, để các em có trải nghiệm thực tế, yêu thích môn văn, chúng tôi đã lên kế hoạch thực hiện dự án này”.

Trải nghiệm thực tế không chỉ giúp HS làm mới ngôn từ, giàu cảm xúc văn chương hơn mà các em còn nhận được kiến thức liên môn như tin học, giáo dục công dân… Thầy Trọng chia sẻ thêm: “Khi thực hiện dự án, ngoài những kiến thức liên môn, các em còn được trang bị thêm nhiều kỹ năng như giao tiếp, hoạt động nhóm, đặc biệt là biết quan tâm, chia sẻ nhiều hơn…”.

Hà Xuyên

Bình luận (0)