Khác với mọi năm, năm nay khi làm sáng kiến cấp thành phố, ngoài việc sáng kiến đó của giáo viên được nhân rộng trong đơn vị thì còn phải đạt yêu cầu “đã được nhân rộng ra ở một số trường khác trên địa bàn thành phố”. Yêu cầu này khiến nhiều giáo viên than khó…
Với quy định mới trong việc công nhận sáng kiến cấp thành phố, nhiều giáo viên rất tâm tư (ảnh minh họa)
Trong hướng dẫn giáo viên các trường THPT làm hồ sơ sáng kiến năm học này, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, đến thời điểm hiện tại, thành phố vẫn chưa có văn bản hướng dẫn công tác làm sáng kiến. Nếu tiếp tục chờ thành phố thì ngành giáo dục sẽ không kịp công nhận sáng kiến để thực hiện khen thưởng theo đúng tiến trình. Chính vì vậy, ngành giáo dục vẫn triển khai, thực hiện trên cơ sở hướng dẫn cũ.
Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay có một số điểm mới mà các trường học cần lưu ý, đó là: Theo Luật Thi đua, khen thưởng mới thì đối với sáng kiến không còn “phạm vi ảnh hưởng” mà sẽ là “khả năng nhân rộng”. Đồng thời yêu cầu các trường học cần rà soát lại tất cả sáng kiến đã chấm, nếu tác giả viết dưới dạng kinh nghiệm thì tất cả đều chấm không đạt hoặc yêu cầu tác giả viết lại. Đặc biệt, sáng kiến phải thể hiện được tính mới. Giáo viên có thể nghiên cứu viết sáng kiến theo nhóm tác giả, để có thể chắt lọc những tính mới và hiệu quả cao nhất của sáng kiến. Đặc biệt, đối với sáng kiến công nhận cấp cơ sở thì sáng kiến đó đã được nhân rộng trong đơn vị. Đối với sáng kiến đề nghị công nhận cấp thành phố thì sáng kiến đó đã được nhân rộng trong một số trường THPT khác trên địa bàn thành phố.
Các điểm mới này nhằm hướng đến sáng kiến mang tính thực chất hơn, có thể ứng dụng sâu rộng trong ngành giáo dục. Mặc dù vậy, với điểm mới về việc sáng kiến đề nghị công nhận cấp thành phố yêu cầu phải “đã được nhân rộng trong một số trường THPT khác trên địa bàn thành phố” hiện đang khiến nhiều giáo viên và nhà trường băn khoăn.
Tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), năm nay trường có 4 giáo viên có sáng kiến đề nghị được công nhận cấp thành phố. Thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, Hội đồng sáng kiến của trường đã thẩm định, đánh giá, công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến đối với đơn vị, từ đó làm hồ sơ đề nghị được công nhận sáng kiến cấp thành phố. Riêng đối với yêu cầu đánh giá khả năng nhân rộng của sáng kiến đối với một số trường THPT khác trên địa bàn thành phố, thầy Cường cho biết, hiện Hội đồng sáng kiến của trường mới chỉ dừng ở mức tự đánh giá khả năng nhân rộng ra các trường khác.
“Năm nay là năm đầu tiên yêu cầu mới này được đưa vào sáng kiến cấp thành phố. Đây là yêu cầu rất cần thiết. Tuy nhiên, do là năm đầu tiên áp dụng điểm mới, giáo viên chưa có sự chuẩn bị cho việc đưa sáng kiến đó áp dụng đối với các trường THPT lân cận. Do vậy, các sáng kiến của giáo viên mới chỉ dừng ở mức đã được áp dụng, nhân rộng trong phạm vi nhà trường”, thầy Cường thẳng thắn nói.
Theo quy định, sáng kiến cấp thành phố phải là sáng kiến đã được nhân rộng ra một số trường THPT khác trên địa bàn (ảnh minh họa)
“Hầu hết các sáng kiến cấp thành phố sau khi được công nhận vẫn chỉ… loanh quanh ở trong chính nhà trường có sáng kiến đó, chứ chưa được nhân rộng, áp dụng rộng rãi ở các trường THPT khác như kỳ vọng. Như vậy, việc sáng kiến mới chỉ dừng ở mức đề nghị được công nhận cấp thành phố với yêu cầu đã được nhân rộng ra một số trường THPT khác là rất khó khả thi”, cô T.X. (giáo viên một trường THPT tại Q.3) nói. |
Đồng thời, thầy Cường cho rằng, với yêu cầu này thì trong thời gian tới, các cụm chuyên môn với nhiệm vụ phát triển chuyên môn của cụm mình có thể hỗ trợ công tác thẩm định, đánh giá khả năng nhân rộng của các sáng kiến đối với các trường THPT trong cụm chuyên môn, từ đó áp dụng sáng kiến đó đối với nhu cầu thực tế của từng đơn vị.
Trong khi đó, phó hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TP.Thủ Đức cho rằng, đối với yêu cầu “sáng kiến kinh nghiệm đề nghị công nhận cấp thành phố đã được nhân rộng trong một số trường THPT khác trên địa bàn thành phố”, mục đích là tốt nhưng cách thực hiện nếu không có sự chặt chẽ thì dễ xảy ra tình trạng làm cho có. “Hiện nay, để đáp ứng được yêu cầu này, giáo viên phải… nhờ sự hỗ trợ của trường bạn để đánh giá, thẩm định mức độ, khả năng nhân rộng sáng kiến tại đơn vị bạn, hoàn thiện hồ sơ. Thế nhưng, để đánh giá một sáng kiến có tính ứng dụng, nhân rộng ở trường mình hay không thì không phải là chỉ đọc qua sáng kiến đó mà còn cần đến cả một hội đồng sáng kiến đánh giá, vì mỗi trường sẽ có một đặc thù riêng biệt về đội ngũ giáo viên, đối tượng học sinh và cơ sở vật chất…”, phó hiệu trưởng này phân tích.
Cô T.X. (giáo viên một trường THPT tại Q.3) cho hay, trước đây ngay cả các sáng kiến đã được công nhận cấp thành phố thì mức độ “sống” của sáng kiến ấy ở các trường THPT lân cận là hầu như không có. Rất hiếm hiệu trưởng chủ động đặt hàng những giáo viên có sáng kiến cấp thành phố đến chia sẻ cho đội ngũ giáo viên trường mình, từ đó áp dụng trong đơn vị.
“Hầu hết các sáng kiến cấp thành phố sau khi được công nhận vẫn chỉ… loanh quanh ở trong chính nhà trường có sáng kiến đó, chứ chưa được nhân rộng, áp dụng rộng rãi ở các trường THPT khác như kỳ vọng. Như vậy, việc sáng kiến mới chỉ dừng ở mức đề nghị được công nhận cấp thành phố với yêu cầu đã được nhân rộng ra một số trường THPT khác là rất khó khả thi”, giáo viên này thẳng thắn nói.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)