Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên thành phố lo… “chạy” Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Thưởng Tết chỉ mang tính tinh thần là chính nên nhiều giáo viên phải nhanh tay sắm Tết sớm vì lo giá cả leo thang. Một cái Tết no đủ – điều đơn giản đó lại là mong muốn của rất nhiều người theo nghề giáo. Thưởng Tết – sát vách đã khác cảnh

Năm nay, nhiều giáo giáo viên THPT tại TPHCM đã bớt âu lo hơn khi mà mức thưởng cuối năm lên đến con số chục triệu đồng. Các trường thưởng cao tập trung ở các quận trung tâm như quận 1, 3, Phú Nhuận… Và một số trường ở “vùng ven” như quận 9, Thủ Đức… có mức thưởng cũng kha khá đủ làm cho những giáo viên hàng chục năm theo nghề giáo chưa biết đến khái niệm thưởng Tết được an ủi phần nào.
Một lớp học thuộc huyện Cần Giờ, TPHCM.
Mức thưởng tiền triệu chỉ ở một số trường được lý giải là tiến kết dư rơi vào cuối năm, trích từ các khoản quỹ tự có của trường như tiền thu căng-tin, giữ xe, cho thuê địa điểm dạy ngoại ngữ, tin học… Đây là nỗ lực của các trường để bên cạnh giá trị tinh thần còn có món quà vật chất để giáo viên bớt lo lắng khi năm mới về, có điều kiện tập trung hơn vào chuyên môn.
Nhưng cũng chỉ một phần rất nhỏ giáo viên – tập trung ở các trường THPT – có được may mắn đó, còn lại ở các cấp dưới như mầm non, tiểu học, THCS thì thưởng Tết vẫn chỉ mang tính hình thức.
Các mức thưởng giao động vài trăm nghìn, nhiều trường “cố” lắm cũng chỉ “nhích” lên được chút ít. Như trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) ở mức khoảng 1,5 triệu đồng. Nhiều trường tiểu học, mầm non ở khắp các quận, huyện ký nhận tiền thưởng 200.000 đồng đến 500.000 đồng tương đương như các năm trước.
Thậm chí nhiều trường còn không có mức thưởng nào khác chỉ biết chờ hoàn toàn vào mức thưởng Tết cho giáo viên từ UBND TP. Năm 2010, mỗi cán bộ – giáo viên khối các trường thuộc Sở GD-ĐT TPHCM được thưởng 600.000 đồng/người.
Có phân biệt khoảng cách giữ tiền thưởng Tết giáo viên cấp THPT với các cấp dưới như mầm non, tiểu học, THCS theo hiệu trưởng các trường là do cấp THPT đã được tự chủ tài chính, trường được Sở GD – ĐT trực tiếp rót kinh phí hoạt động tính trên tổng số học sinh. Trường chi tiêu tiết kiệm thì sẽ có khoản “dôi” để dành một phần cho giáo viên. Trong khi đó các trường cấp dưới chưa thật sự được tự chủ, kinh phí hoạt động đều phải qua phòng tài chính quận, huyện.
“Chạy” Tết
Nhiều người nghĩ chỉ giáo viên ở quê, vùng sâu vùng xa mới “phải lo Tết “đói” nhưng ở ngay thành phố, tuy thu nhập của giáo viên có khấm khá hơn nhưng họ phải đối mặt với cuộc sống đắt đỏ. Lo đến ngày Tết giá cả cao, rất nhiều giáo viên đã phải mua sắm hàng Tết từ sớm.
Một giáo viên ở quận Gò Vấp, TPHCM sắm Tết sớm để “né” giá cả leo thang.
Nắm được nhu cầu sắm Tết sớm của giáo viên để “chạy đua” với giá cả, rất nhiều trường linh động thu xếp phát tiền thưởng sớm. Đó cũng là cố gắng của trường để “giúp sức” – tuy chỉ về tinh thần là chính cho thầy cô giáo. Bên cạnh đó, một số trường có kế hoạch cho giáo viên ứng trước lương để có thể đón một cái Tết đầy đủ, xôm tụ hơn.
Cô Trinh, giáo viên tiếng Anh một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, cho biết cô đã mua sắm một số hàng hóa thiết yếu chuẩn bị cho Tết như dầu ăn, mắm muối, bia… từ tuần trước. Lễ tết Tây, gia đình cô không hề mua sắm, vui chơi gì. Chưa lĩnh tiền thưởng Tết nhưng biết năm nay cũng thưởng từ 300.000 – 500.000 đồng như mọi năm nên cô phải "chạy Tết" sớm.
Chồng cô cũng là giáo viên một trường THCS nên cô thấy Tết nhà mình khổ… gấp đôi nhà khác. “Năm ngoái cầm tiền thưởng Tết của hai vợ chồng chỉ mua được mấy ký nếp, cân thịt, ít năm muối là hết. Nhờ hai bên nội ngoại nên Tết còn rôm rả một chút chứ vợ chồng lo không nổi”, cô bộc bạch.
Nhiều giáo viên khác cũng vội vã sắm sanh đồ đạc cho Tết Nguyên đán từ sớm để có thể chi tiêu tiết kiệm nhất. Vì ai cũng biết với khoản lương của mình, tiền thưởng chỉ được vài ký thịt nếu không vun vén chi li thì chuyện thiếu thịt cá, bánh kẹo cho con trong dịp tết nhất là điều có thể xảy ra.
“Nghề của mình không có thưởng như bao ngành nghề khác nên… quen rồi. Được thưởng chỉ mong bớt tủi thân hơn thôi chứ đâu chờ tiền thưởng để Tết khấm khá hơn”, giáo viên một trường mầm non ở quận 12, TPHCM chia sẻ. Và biết “hoàn cảnh éo le” của mình nên cô cũng sớm xoay xở sắm Tết, chi tiêu tiết kiệm để sao cho gia đình mình có cái Tết bớt thiếu thốn nhất.
“Giá như các siêu thị, nhà hàng có chương trình giảm giá mua sắm cho giáo viên dịp Tết thì đỡ biết mấy. Bây giờ, cầm đồng lương của mình ra chợ mà thấy sợ”, cô buồn bã nói về nỗi lo chung của nhiều đồng nghiệp khi ngày Tết đang cận kề.
Hoài Nam / Dan Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)