Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Yêu cầu này được ông Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ra tại Hội nghị Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường do Ủy ban Văn hóa Giáo dục phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 22-8.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, thời gian qua ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên; nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Điển hình như phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực…

Để tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa học đường, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án triển khai Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Ủy ban Văn hóa Giáo dục sẽ đồng hành, giám sát việc xây dựng văn hóa học đường.

Ông Vinh chỉ rõ, có hai trụ cột lớn để xây dựng văn hóa học đường: môi trường trường học lành mạnh; con người chuẩn mực bao gồm nhà quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên, người lao động trong cơ sở giáo dục.

Trong đó môi trường văn hóa phải được hiểu gồm có môi trường "cứng" là cảnh quan trường học xanh, sạch, đẹp, kiến trúc phù hợp với văn hóa truyền thống và môi trường "mềm" gồm có các hoạt động, hành vi, văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Vai trò của các chủ thể trong nhà trường khi xây dựng văn hóa học đường được thể hiện cụ thể: Nhà quản lý cần chỉ đạo xây dựng các quy định, quy chế, quy tắc ứng xử thành giá trị văn hóa trong trường học. Chỉ đạo xây dựng trường học chuẩn mực từ nền nếp, ứng xử, giao tiếp, hình ảnh cá nhân, trang phục đến cảnh quan môi trường. Đặc biệt, nhà quản lý phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện.

Với giáo viên, do ảnh hưởng của người thầy đối với học trò là vô cùng lớn, nên cần phải yêu cầu quy định sự chuẩn mực, gương mẫu, đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề và giỏi công tác sư phạm. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm.

Đối với học sinh, sinh viên, phải được rèn luyện, bồi dưỡng trong các giờ học, các hoạt động nhà trường để hình thành phẩm chất đạo đức. Bắt đầu từ những việc nhỏ hàng ngày như ứng xử lễ phép, đúng mực, đúng giờ, học tập nghiêm túc.

Với người hoạt động trong cơ sở giáo dục như nhân viên, lao công, bảo vệ cũng cần phải chuẩn hóa theo các chuẩn mực quy tắc ứng xử trong nhà trường.

"Việc xây dựng và ban hành các hệ giá trị văn hóa trong trường học cần thực hiện khoa học, biện chứng, không chủ quan duy ý chí, áp đặt, tôn trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chúng ta không nên quá cầu toàn… Giá trị văn hóa trong trường học được hình thành qua quá trình tham gia các hoạt động trong nhà trường. Do đó, xây dựng các hệ giá trị cần gắn với tổ chức thường xuyên các hoạt động phong trào thi đua để từng thành viên trong nhà trường đều cảm nhận, thẩm thấu, hình thành, giữ gìn, phát huy các giá trị đó. Ví dụ, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp cần thiết kế để chính thầy cô, học sinh thực hiện", ông Vinh đề nghị.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, xây dựng văn hóa trong trường học cần bám sát chủ trương của Đảng, giữ gìn phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, kế thừa các giá trị đang được ngành giáo dục tập trung xây dựng, tiếp thu tinh hoa trong quá trình hội nhập. Các giá trị quan trọng như lòng yêu nước, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, khiêm tốn, trung thực, chuyên cần trong dạy và học cần lưu tâm.

Xây dựng văn hóa học đường phải gắn với chất lượng dạy và học trong nhà trường. Xây phải đi kèm với "chống", chống lại các biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa trong nhà trường, ngoài xã hội.

Chủ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, xây dựng văn hóa học đường đòi hỏi quá trình lâu dài, cần sự kiên trì. Để thực hiện thành công thì công tác xây dựng đóng vai trò quan trọng nhất, nêu bắt đầu từ những việc cụ thể, hàng ngày… Khuyến khích mô hình điểm; nhân rộng, tuyên dương khen thưởng kịp thời các mô hình hay, nhất là mô hình do chính thầy cô, học sinh trực tiếp thực hiện.

Thiết chế văn hóa học đường gắn với xây dựng văn hóa đọc, tự học thông qua thư viện. Chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống trong các môn học và hoạt động nhà trường, xây dựng tài liệu tuyên truyền, tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức các hoạt động ngoại khóa.

"Khi thực hiện cần xây dựng tiêu chí, bộ quy tắc dễ hiểu dễ nhớ thuận lợi cho triển khai thực hiện. Rà soát ban hành các bộ quy tắc ứng xử: quy tắc ứng xử của nhà giáo, của cơ sở giáo dục, của học sinh trong trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành giáo dục", ông Nguyễn Đắc Vinh lưu ý thêm.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)