Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên tiếng Anh tiểu học: Thiếu lượng, yếu chuyên môn

Tạp Chí Giáo Dục

Việc học tiếng Anh ở bậc TH là vô cùng quan trọng, học sinh cần được tiếp cận nguồn kiến thức chuẩn và hứng thú học từ người thầy

Theo khảo sát của Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng tại các tỉnh, thành và các trường ĐH thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong hai năm 2011 và 2012, trong tổng số 1.996 giáo viên tiếng Anh (GVTA) hiện đang giảng dạy ở khu vực này thì chỉ có 22 GV có trình độ tiếng Anh đạt mức C1 và 322 GV đạt mức B2 (khung tham chiếu chung của châu Âu).
Không chỉ vậy, số lượng GVTA tiểu học (TH) thiếu trầm trọng, nhiều địa phương phải đưa GV THCS về “lấp chỗ trống”…
Thiếu và yếu
Năm 2003, Bộ GD-ĐT ban hành chương trình môn tiếng Anh TH được giảng dạy cho HS từ lớp 3 trở lên, với thời lượng 2 tiết/tuần cho các trường có lớp 2 buổi/ngày. Bắt đầu từ năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm dạy tiếng Anh TH lớp 3 theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tại 92 trường TH trên toàn quốc. Việc học tiếng Anh ở bậc TH là vô cùng quan trọng, trẻ em cần được tiếp cận nguồn kiến thức chuẩn. Trong đó người GV đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng dạy học, đồng thời tạo cảm hứng cho HS trong giai đoạn đầu của quá trình học tập. Thế nhưng trên thực tế, hiện nay số lượng GV tiếng Anh TH vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Theo kết quả khảo sát của Vụ TH Bộ GD-ĐT, sau khi kiểm tra trình độ của 148 GV tham gia dạy thí điểm tiếng Anh lớp 3, chỉ có 28 GV đạt chuẩn (đạt 550 điểm TOEFL hay 6.0 IELTS). Có 88 GV đạt mức 400 điểm TOEFL hoặc IELTS tương đương – có nghĩa là năng lực ngoại ngữ của GV chỉ mới đạt chuẩn A2 theo khung tham chiếu châu Âu.
Đó là chưa kể, số lượng GVTA TH còn thiếu so với số lượng yêu cầu. Để đảm bảo từ năm học 2011 triển khai đại trà ở 20% số trường TH trên cả nước, đồng thời tiếp tục thí điểm ở các lớp cao hơn, cần đào tạo thêm 1.700 đến 2.000 GV/năm. Ngoài ra, tại một số địa phương, một phần không nhỏ GVTA TH không được đào tạo bài bản. Để giải quyết bài toán này, một số nơi phải chấp nhận tình trạng đưa GV từ THCS dạy cho HS TH nhằm “lấp chỗ trống”. Đội ngũ này chưa hề được trang bị phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em, và cả kiến thức về đối tượng người học là trẻ em. Vấn đề này, hầu hết các đại biểu tham gia biên soạn khung chương trình đào tạo GVTA TH đều bày tỏ quan điểm nhất quán trong việc dạy tiếng Anh cho bậc TH đòi hỏi người GV ngoài thông thạo tiếng Anh còn phải có kiến thức sâu rộng về phát triển trẻ em, có khả năng như một chuyên gia tư vấn trong việc tạo động cơ học tập cho trẻ.
Trong khi đó, theo dự thảo chương trình tiếng Anh TH của Viện Khoa học và Giáo dục, Bộ GD-ĐT thì GV phải có trình độ CĐ hoặc ĐH chuyên ngành sư phạm tiếng Anh với trình độ năng lực tiếng Anh tương đương cấp độ B2 trở lên của khung tham chiếu châu Âu về ngôn ngữ.
Theo khảo sát của Trường ĐH Ngoại ngữ  Đà Nẵng trong hai năm 2011 và 2012 tại các tỉnh thành và các trường ĐH gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Đà Lạt; Trường ĐH Tây Nguyên đóng tại hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk thì trong tổng số 1.996 GV hiện có chỉ có 22 GV đạt mức C1 và 322 GV đạt mức B2.
Cần lộ trình dài hơi, liên tục
Cần phải chuẩn bị tốt khâu GV ở giai đoạn này để tạo điều kiện cho trẻ có động cơ cũng như niềm đam mê học ngoại ngữ. Theo đó, khung chương trình được sử dụng là khung quy chiếu chung châu Âu (CEFR). Trong quá trình xây dựng khung chương trình này, Ban biên soạn cũng như các chuyên gia có kinh nghiệm chú trọng vào những điểm chủ yếu như: Trình độ đầu vào của người học, thống nhất tiêu chí đánh giá trình độ người học; vai trò của kiểm tra đánh giá trong quá trình đào tạo và vai trò của người học trong quá trình đào tạo…
Thực tiễn cho thấy, dù ngành giáo dục đã có những nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh nhưng có thể thấy so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, trình độ sử dụng tiếng Anh của người Việt còn rất hạn chế. Riêng đối với bậc TH, chất lượng của việc dạy tiếng Anh hiện nay còn chưa đạt hiệu quả như toàn xã hội kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do số lượng GV đạt chuẩn còn quá thấp lại thiếu trầm trọng về số lượng.
Tại thời điểm 2008, cả nước chỉ có 6.400 GV trong khi để đảm bảo được dạy học 2 tiết/tuần cả nước cần đến 12.000 GV. Mặt khác các GV không được đào tạo đúng chuyên ngành giảng dạy; cơ chế đãi ngộ hạn chế; nguồn lực vật chất đảm bảo việc dạy – học còn yếu… Từ thực tế này cho thấy, việc xây dựng một khung chương trình đạt chuẩn cần có một lộ trình dài hơi, liên tục. Bắt đầu từ việc đào tạo nguồn lực con người đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng và phẩm chất cá nhân, xã hội lẫn nghề nghiệp cho đến nguồn lực vật chất, chế độ đãi ngộ…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)