Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, bậc tiểu học có tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo cao nhất với 25,2%; tiếp đến là trung học cơ sở 13,9%…
Ngày mai 12.8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2021 – 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023.
Cả nước có 74,8% giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ đào tạo (ảnh minh họa). NGỌC THẮNG
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo luật Giáo dục 2019), cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%.
Như vậy, bậc tiểu học có tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn cao nhất, 25,2%; tiếp đến là trung học cơ sở 13,9%… trung học phổ thông chỉ còn 0,1%.
Sở dĩ có tình trạng này vì theo luật Giáo dục 2019 có sự thay đổi lớn về chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên. Giáo viên mầm non trước đây yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp, nay là cao đẳng; giáo viên tiểu học từ trung cấp nâng lên đại học; giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng lên đại học.
Thiếu giáo viên theo chương trình mới
Liên quan đến số lượng giáo viên hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng nêu thực tế: tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiếu giáo viên môn tiếng Anh, tin học đối với tiểu học; môn âm nhạc, mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 – 2023.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD-ĐT không nêu con số cụ thể số giáo viên thiếu ở từng môn học, cấp học ra sao, kế hoạch dạy học các môn học này thế nào khi đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu giải pháp: thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai lế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30.6.2020 của Chính phủ;
Chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn ngoại ngữ và môn tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)