“Giáo viên tiểu học chúng tôi muốn giảm bớt các áp lực nặng nề không đáng có đến từ việc thanh tra, dự giờ đột xuất và giảm bớt áp lực thời lượng các hoạt động phong trào, hội thi, không cần thiết để giáo viên được dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động chuyên môn giảng dạy học sinh”.
Kiến nghị được cô N.T.X. – giáo viên tiểu học tại quận 7 phản ánh đến Tạp chí Giáo dục TP.HCM.
Căng thẳng, áp lực với thanh tra, dự giờ đột xuất và hàng loạt cuộc thi
Theo cô N.T.X., hiện tại, giáo viên tiểu học đến lớp hàng ngày không chỉ thực hiện công tác giảng dạy mà còn phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc, hoạt động, phong trào hội thi… từ nhà trường, liên đội, chi đoàn, công đoàn, hội thi online trực tuyến đến từ địa phương, công đoàn ngành, phòng GD-ĐT, tập huấn modul bồi dưỡng thường xuyên, hội họp… khiến cho việc giảng dạy của giáo viên ngày càng khó khăn, phải vừa dạy vừa chạy theo chương trình để kịp khung thời gian năm học.
Đó là còn chưa kể hàng loạt các hội thi chuyên môn như giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, hội diễn tiếng Anh, hội thi làm đồ dùng dạy học, hội thi thiết bị dạy học số, hội thi sản phẩm STEAM… và các hoạt động chuyên môn khác như chuyên đề, thao giảng, tiết học mở, cùng vô số các kỳ họp trong tháng như họp tổ chuyên môn, họp hội đồng, họp chi bộ, công đoàn…
“Công việc nhiều là vậy nhưng giáo viên tiểu học luôn cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đảm bảo được chất lượng giáo dục tốt nhất cho các em học sinh. Tuy nhiên, việc thường xuyên đến thanh tra, kiểm tra chuyên môn, dự giờ đột xuất từ lãnh đạo sở, phòng GD-ĐT đã khiến việc đến lớp hàng ngày của giáo viên cực kỳ áp lực, căng thẳng và nặng nề” – cô N.T.X. bày tỏ.
Cô N.T.X. cho biết, mặc dù việc dự giờ đột xuất được cho là không nhằm đánh giá giáo viên mà chỉ hướng đến giúp giáo viên nâng cao tay nghề, hỗ trợ giáo viên nâng cao kinh nghiệm chuyên môn. Thế nhưng với giáo viên thì việc đột xuất này chỉ làm tăng thêm áp lực, đôi khi phải dạy đối phó, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của giáo viên. Và học sinh có thể sẽ bị ảnh hưởng từ tâm lý của thầy cô.
“Sở GD-ĐT TP đã có chỉ đạo giáo viên không được gọi kiểm tra bài đột xuất học sinh nhằm không gây áp lực căng thẳng, nặng nề cho học sinh. Như vậy, thiết nghĩ việc thanh tra, kiểm tra dự giờ đột xuất giáo viên tạo áp lực cho giáo viên cũng cần được bỏ, thay vào đó bằng những hình thức khác phù hợp hơn” – cô N.T.X. đặt vấn đề.
Giáo viên một trường tiểu học tại quận 1 cho biết, theo quy định, việc thanh tra, dự giờ đột xuất từ phía sở, phòng sẽ được phép báo trước 15 phút. Tuy nhiên, thực tế giáo viên vẫn được báo trước có thể đến 1-2 ngày, ít khi bị “đánh úp”. Mặc dù vậy, đôi khi cũng có một số trường hợp ngoại lệ khi có đoàn kiểm tra về trường thì sẽ có thể chọn một lớp bất kỳ nào đó để dự giờ, tạo tâm lý và áp lực cho giáo viên.
“Việc dự giờ đột xuất dù không đưa vào đánh giá giáo viên nhưng ít nhiều vẫn gây áp lực cho giáo viên. Nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục, việc dự giờ diễn ra thường xuyên, liên tục” – giáo viên này chia sẻ.
Thay vì dự giờ đột xuất hãy tăng cường thị phạm, rà soát các cuộc thi
Hiệu trưởng một trường tiểu học quận 3 nhẩm tính, mỗi năm giáo viên tiểu học có chừng 8-9 cuộc thi, hội thi lớn bao gồm các cuộc thi mang tính chuyên môn, phong trào kiểu “đến hẹn lại lên”, ngoài ra còn có những cuộc thi, hội thi phát sinh từ các đơn vị liên quan, phối hợp…
Đa phần các hội thi đều trên tinh thần là khuyến khích giáo viên tự nguyện tham gia. Do vậy, về nguyên tắc là các cuộc thi, hội thi sẽ không gây áp lực cho thầy cô vì “thích thì thầy cô tham gia, không ép buộc”. Tuy nhiên, điều này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào quan điểm của người đứng đầu.
“Hiện nay cá biệt vẫn còn một số hiệu trưởng triển khai các hội thi, cuộc thi theo hướng đánh giá vào thi đua của giáo viên để tạo thi đua cho trường. Vì thế, dù muốn dù không giáo viên vẫn phải gồng gánh tham gia để được đánh giá. Điều này vô tình đã tạo thêm áp lực cho thầy cô bên cạnh khối lượng công việc chuyên môn đã nặng nề” – hiệu trưởng này thừa nhận.
Từ đó, thầy đề xuất trước mỗi đầu năm học, Sở GD-ĐT có thể ngồi lại với phòng GD-ĐT và các đơn vị liên quan trong việc phối hợp tổ chức hội thi, cuộc thi để đánh giá, rà soát hội thi nào thực sự cần thiết cho giáo viên trong nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tạo sân cho thầy cô, học sinh, để triển khai trong năm học. Và quán triệt nhà trường không đưa các thành tích trong hội thi vào đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên. Có như vậy sẽ tránh được tình trạng mạnh đơn vị nào đơn vị đó tổ chức, gây những áp lực không đáng có cho giáo viên.
Đối với việc dự giờ thanh tra đột xuất, hiệu trưởng này cho biết, một số giáo viên vẫn còn tâm lý “sợ” dự giờ, thanh tra dù kết quả của các cuộc dự giờ thanh tra đột xuất không được tính vào thi đua, đánh giá giáo viên. Vì thế thầy cho rằng nếu được cần tiết giảm tối đa các cuộc thanh tra dự giờ đột xuất từ phía sở, phòng, chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết.
Cô N.T.X. – giáo viên tiểu học quận 7 kiến nghị Sở GD-ĐT TP, phòng GD-ĐT cần chọn lọc, giảm bớt các hội thi, phong trào đoàn thể từ phía các ban ngành, địa phương để giáo viên có thời gian dành cho chuyên môn. Cần bỏ thanh tra, dự giờ đột xuất giáo viên, chỉ thực hiện thanh tra dự giờ đột xuất giáo viên trong trường hợp có dấu hiệu sai phạm hoặc có đơn thư phản ánh liên quan.
“Điều cần thiết để giúp nâng cao chuyên môn cho giáo viên đó là khi người phụ trách chuyên môn của Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT đến thăm trường thì trực tiếp thị phạm một tiết dạy cụ thể, trong đó có nêu ra cách xử lý các tình huống phát sinh trong tiết học hiện nay như học sinh bệnh, học sinh mất đồ… Điều này sẽ có ý nghĩa thiết thực giúp giáo viên nâng cao tay nghề hơn là dự giờ đột xuất rồi góp ý giáo viên” – cô N.T.X. kiến nghị.
Yến Hoa
Bình luận (0)