Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên TP.HCM đánh giá đề thi ngữ văn vừa sức, gần gũi với thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Các giáo viên đánh giá đề thi ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024 khá gần gũi, vừa sức, quen thuộc với thí sinh. Dù vậy, đề vẫn có tính phân hóa học sinh ở phần nghị luận xã hội…


Học sinh sau khi hoàn thành bài thi môn ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương

Cô Nguyễn Thị Hòa – giáo viên ngữ văn, Trường THCS Minh Đức (quận 1) đánh giá đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn ngữ văn năm nay quen thuộc và vừa sức với học sinh. Ngữ liệu trong đề giàu tính nhân văn, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Ở Phần Đọc hiểu, câu a, b cụ thể, rõ ràng. Học sinh chỉ cần nhìn vào văn bản là trả lời được. Câu c,d đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ để trả lời. Riêng câu d học sinh phải biết cách nêu vấn đề và lập luận vì sao em chọn tổ chức hoạt động này.

Ở phần Nghị luận xã hội dù vấn đề gần gũi song để làm được thì lại không dễ với học sinh có học lực trung bình. Nếu học sinh không giải thích được vấn đề thì sẽ không biết cách lập luận và sẽ không làm rõ được yêu cầu đề.

Cuối cùng, ở phần Nghị luận văn học, cả 2 đề đều là trọng tâm kiến thức học kì 1 lớp 12 học sinh đã học. Trong đó, ở đề 1, học sinh  có thể lựa chọn một trong hai dạng là liên hệ thực tế hoặc liên hệ tác phẩm cùng chủ đề. Còn ở đề 2, liên hệ là dạng những tác động đến bản thân, những tình cảm mà bài thơ  hoặc đoạn thơ gợi lên trong em.

“Nhìn chung, đề năm nay rất vừa sức với học sinh. Tuy nhiên, do tính phân hoá ở câu nghị luận xã hội nên phổ điểm sẽ dao động từ 6-7 điểm” – cô Hòa nói thêm.

Tương tự, nêu nhận định chung về đề thi tuyển sin vào lớp 10 TP.HCM môn ngữ văn năm nay, thầy Võ Kim Bảo – giáo viên ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đánh giá, đề thi gần gũi với thí sinh, không đánh đố, không làm khó nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định. Thí sinh đã làm quen với cách ra đề, cấu trúc đề từ đề năm học trước cũng như đề mà giáo viên cho ôn tập trên lớp nên các em có phản hồi tích cực khi làm bài.

“Với chủ đề “Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình”, thí sinh có nhiều cơ hội để thể hiện kiến thức, suy nghĩ, tình cảm của mình vì đây là một chủ đề gần gũi, thiết thực với các em. Sau khi làm bài xong, nhiều em học sinh phản hồi tốt, an tâm và có tâm thế vững vàng tiếp tục cho các bài thi tiếp theo” – thầy Bảo chia sẻ.

Giáo viên này phân tích:

Ở phần Đọc hiểu, ngữ liệu đọc hiểu hay, kết hợp cả văn xuôi và thơ nên có nhiều “đất” để khai thác. Câu hỏi của đề cũng vừa hỏi về phần văn xuôi, vừa hỏi đề phần thơ, đây là điểm hay đang chú ý của đề.

Các câu hỏi của phần này cũng khá đơn giản, học sinh với học lực trung bình cũng có thể hoàn thành tốt phần này. Điều này giúp các em tự tin hơn trong quá trình làm bài thi.

Với phần Nghị luận xã hội là câu có tính phân hóa cao. Vấn đề “Biết nghĩ bằng con tim”, học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng nề, ngược lại các em chắc chắn có rất nhiều ý tưởng để viết cho đề bài này.

“Tuy nhiên, để đạt được điểm cao (2.5/3.0 trở lên) thì không dễ. Trước tiên các em phải đưa ra được lí giải của mình: “nghĩ bằng con tim” là như thế nào? Có được lí giải hợp lí các em mới có thể tìm ra những luận điểm phù hợp. Người viết phải có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải rất sâu sắc mới được đánh giá cao” – thầy Bảo nói.

Ở câu Nghị luận văn học, thầy Võ Kim Bảo cho biết, đề không gây bất ngờ vì rất gần gũi và các em cũng đã được ôn tập rất kĩ lưỡng. Tuy nhiên, có một số em học tủ, học vẹt, đoán đề nên có suy nghĩ loại bỏ đề này vì thi tuyển sinh lớp 10 năm ngoái (câu 3, đề 2) đã cho ra chủ đề “tình cảm gia đình”. Và trong đề cũng có gợi ý tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vì thế mà nhiều em bỏ qua, không ôn tập kĩ. Đây là một sai lầm rất đáng tiếc.

“Đề thi yêu cầu “Phân tích tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha” là một đề rất vừa sức thí sinh. Chưa kể các yêu cầu phụ cũng rất tường minh, rõ ràng. Tôi dự đoán sẽ có nhiều bài viết tốt, có chất lượng về đề bài này. Với một đề bài không quá khó, những bài điểm cao chắc chắn sẽ là những bài thể hiện rõ nét kĩ năng của người viết như: kĩ năng tạo luận điểm, kĩ năng lập luận, phân tích… Tuy nhiên, chắc chắn nhiều em yếu kĩ năng sẽ khó phân tích vì đây là dạng đề cho phân tích tâm lí, tình cảm của nhân vật. Người viết sẽ phải lí giải từng hành động, cử chỉ, lời nói thông qua việc phân tích tâm lí để làm rõ tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha. Có em vì không ôn tập kĩ, không thường xuyên rèn luyện sẽ sa đà vào việc kể chuyện thay vì phân tích tâm lí nhân vật” – thầy Bảo nói.

Đối với đề 2, giáo viên này đánh giá là một đề mở và nhiều sáng tạo. Học sinh có thể chọn một tác phẩm thơ (hoặc 1 đoạn thơ bất kì) để phân tích. Trong trường hợp không thuộc thơ, Học sinh có thể phân tích đoạn thơ được gợi ý trong đề. Như vậy, đề chú trọng kĩ năng, thực lực làm bài của thí sinh nhiều hơn là bắt thí sinh phải học thuộc lòng. Đây là một điểm sáng đáng ghi nhận của đề thi môn ngữ văn ở TP. HCM nhiều năm nay.

Đề thi là một tình huống cụ thể, bài viết của các em không chỉ phải phân tích được 1 đoạn thơ/bài thơ mà còn phải hướng vào việc giải quyết tình huống đó. Đối với những em chỉ chọn 1 đoạn thơ/bài thơ bất kì để phân tích mà không giải quyết được tình huống sẽ dừng lại ở mức điểm khá.

Các vấn đề cần được giải quyết trong đề như: Cách để cảm nhận một bài thơ, chia sẻ về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca đã gợi nên (thơ ca nói chung chứ không phải là một tác phẩm cụ thể)…

Yến Hoa

Bình luận (0)