Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên TP.HCM gửi 3 băn khoăn đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Tạp Chí Giáo Dục

Tại buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sáng 15-8, giáo viên TP.HCM gửi đến Bộ trưởng 3 vấn đề lớn của ngành: lương, phụ cấp nhân viên trong trường học; các cuộc thi trong trường học; định hướng đổi mới trong thời gian tới.


Giáo viên TP.HCM gửi các băn khoăn đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại buổi gặp gỡ

Các vấn đề trên được Trần Thị Phương Thảo – giáo viên ngữ văn, Trường THCS Lê Anh Xuân (Q.Tân Phú) đại diện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên TP.HCM gửi đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Theo cô Phương Thảo, hiện trường THCS có 8 vị trí nhân viên, gồm: thư viện; thiết bị thí nghiệm; công nghệ thông tin; kế toán; văn thư; thủ quỹ; y tế và hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Mức thu nhập của nhân viên còn quá thấp, gặp nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Nhà trường rất khó tuyển dụng, khó giữ chân gắn bó lâu dài.

“Nếu nhân viên có phụ cấp công vụ hoặc chế độ lương cao hơn thì chắc chắn việc tuyển dụng sẽ thuận lợi hơn, người lao động sẽ ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với nhà trường và nỗ lực công tác tốt”.

Đại diện giáo viên TP.HCM nhìn nhận, một số nơi vẫn còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các sân chơi trong trường học. Cô đề xuất cần rà soát, sắp xếp lại các cuộc thi trong năm học, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết, thời gian, thời lượng cuộc thi phù hợp, giúp giáo viên, học sinh từng bậc có khả năng đầu tư tham gia mà không ảnh hưởng đến chuyên môn và thời gian học tập của học sinh.

“Thời gian qua, toàn ngành đã triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, bước đầu đã đạt được những kết quả phấn khởi. Tuy nhiên, dư luận và phụ huynh còn những ý kiến trái chiều, đôi khi làm cho đội ngũ giáo viên hoang mang. Bộ trưởng cho biết những định hướng lớn của ngành trong thời gian tới về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục” – cô Trần Thị Phương Thảo đề xuất thêm.

Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, thực tế nhân viên trường học thu nhập thấp hơn so với giáo viên. Trong khi nhân viên trường học là một cấu thành quan trọng trong hoạt động của nhà trường. Ông cho biết Bộ đang kiến nghị vị trí việc làm cho khối này đồng thời kiến nghị mức lương để đội ngũ ổn định, an tâm công tác, không tủi thân so với các vị trí khác trong cùng một trường song không thể như giáo viên được vì tính chất công việc là khác nhau.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ

Đối với ý kiến cho rằng các cuộc thi trong nhà trường quá nhiều, khiến giáo viên mất nhiều thời gian, công sức khó tập trung cho chuyên môn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, Bộ đã có văn bản 5814 năm 2017 quy định danh mục các cuộc thi của ngành tổ chức. Danh mục các cuộc thi này có giảm nữa hay không, giảm việc nào, thì cần phải cân nhắc bởi nếu không sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác.

“Với các cuộc thi do bộ ngành, đoàn thể, địa phương thì mong lãnh đạo địa phương cũng như bản thân lãnh đạo cơ sở giáo dục cũng phải quyết định có tham gia hay không, tránh chồng chéo rất khổ cho giáo viên, học sinh” – ông đề nghị.

Riêng với cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, cuộc thi phù hợp với xu hướng học đi đôi với hành, kích thích sự sáng tạo của học sinh, luôn nhận được sự hưởng ứng động đảo học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, cuộc thi cần phải tiếp tục đổi mới sao cho phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ngay trong năm qua cuộc thi đã có điều chỉnh so với năm trước.

Về các định hướng lớn của ngành trong thời gian tới, ông thông tin, ngành đang được Ban Bí thư giao tổng kết 10 năm đổi mới căn bản toàn diện, đề xuất những định hướng trong thời gian tới; Ngành tiếp tục lấy ý kiến xây dựng Luật Nhà giáo; Riêng năm học 2023-2024 tiếp tục triển khai thật tốt Chương trình GDPT 2018, chuyển đổi số mạnh mẽ toàn ngành…

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)