Trường tôi có một giáo viên (GV) dạy bộ môn rơi vào tình huống khá đặc biệt. Lương cơ bản của GV này chỉ tầm 3 triệu đồng/tháng. Vì là trường bán trú nên GV bộ môn được hưởng thêm 300 ngàn đồng nữa cho tiết chiều. Đồng lương khá eo hẹp, GV này còn phải nuôi hai con đang học tiểu học, gia đình neo người, do đó cô phải dạy “gia sư” thêm được khoảng 1,5 triệu/tháng nhưng vẫn không đủ lo cho gia đình. Cứ thế vay trước, vay sau của các đồng nghiệp trong trường khiến GV này túng quẫn, bỏ việc, trốn nợ.
Việc nghỉ dạy không phép quá 3 ngày, rồi đến cả tuần của GV này khiến ai cũng lo lắng, tổ trưởng và các GV trong trường tìm cách liên lạc mà không được. Lúc ấy, cô hiệu trưởng quyết định tạm thời chưa báo cáo cấp trên, trực tiếp cùng tổ trưởng tổ bộ môn tới nơi trọ của GV này tìm hiểu tình hình. Ở đây chủ nhà cho biết rằng cô giáo cùng cả nhà trốn về quê tìm công việc khác để kiếm tiền trả nợ. Cô hiệu trưởng lập tức tìm cách gọi điện liên lạc về địa phương quê GV này. Đầu tiên cô liên lạc với bố mẹ, nhờ hai bác động viên con gái trở lại công việc. Thứ hai, cô hứa sẽ nhận hai con của GV này vào học tại trường với diện miễn học phí. Thứ ba, khi cô nhận được liên lạc lại từ phía người GV này, cô đã thỏa thuận khoảng thời gian mà GV này có thể trả hết khoản nợ đã vay từ đồng nghiệp trong trường, sau đó cô đứng ra bảo đảm khoản nợ được trả đủ cho các GV khác bằng cách khấu trừ dần vào số tiền 300 ngàn đồng lương chiều. Cuối cùng, cô động viên GV này đi làm trở lại (yêu cầu làm bản tường trình với mức xử lý cảnh cáo và dạy bù lại những tiết đã vắng).
Với cách xử lý này, không những GV này “tâm phục khẩu phục”, mà các GV khác vừa có được một bài học về sự khoan dung, động viên, khích lệ của người lãnh đạo, vừa thấy được mỗi GV với sự quản lý của hiệu trưởng đều được tôn trọng và chia sẻ. Từ việc xảy ra lần đó, các GV trong trường đều tỏ ra kính trọng cô hiệu trưởng hơn, tự giác hơn trong công việc, đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ nhau mọi việc. Trường tôi dần đạt được những bước tiến rất rõ ràng với các danh hiệu khác trước như: Tập thể lao động xuất sắc thay cho tập thể lao động tiên tiến trước kia.
Thật sự tôi thấy rằng, quản lý chính là một nghề vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật.
Vũ Thị Thanh Thủy – Hai Đức
Bình luận (0)