Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên tự làm đồ dùng dạy học: Tiết học thêm sinh động và hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên Trường TH Trần Văn Đang (Q.3)

Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, tìm tòi sáng kiến kinh nghiệm trong bài giảng, hiện nay việc sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học (ĐDDH) do giáo viên và học sinh tự thiết kế tại các trường đang trở thành một phong trào không chỉ là bề nổi mà đã đi vào thực chất vì tính hữu hiệu của nó khi ứng dụng vào từng tiết học.
“Cái khó ló cái khôn”…
Từ trước tới nay, cứ vào năm học mới các trường đều được Công ty sách – thiết bị trường học chu cấp các ĐDDH phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Tuy số lượng danh mục rất nhiều nhưng hầu như vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị. Bên cạnh đó, một số trường do việc cung ứng chậm trễ nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện sử dụng ĐDDH của các bộ môn. Vì thế từ nhiều thập niên qua, ngành giáo dục đã phát động phong trào làm ĐDDH để bù đắp những gì còn thiếu trong danh mục được cung cấp. Qua thực tế, nhiều ĐDDH tuy đơn giản nhưng lại mang tính sáng tạo và điều quan trọng hơn là do “người trong cuộc” cho ra đời nên tính ứng dụng cao.
Đứng trước nhu cầu đổi mới về phương pháp dạy học và nhất là qua chương trình thay SGK từ cấp TH đến THPT, việc sử dụng và cung ứng các sản phẩm thiết bị, ĐDDH lại càng đòi hỏi cấp thiết hơn. Nhiều thiết bị giờ đây đã không còn phù hợp với chương trình mới nên đã được loại bỏ. Danh mục trang thiết bị, ĐDDH mà Công ty Sách – Thiết bị trường học cung ứng xuống cho các trường rất phong phú về chủng loại, đáp ứng tối đa các yêu cầu về chuyên môn cho từng bài giảng. Những đồ dùng được sử dụng từ vài năm trở lại đây như tranh ảnh, băng đĩa, các mẫu vật, thiết bị và công cụ điện… đã được cải tiến về chất liệu và mẫu mã, có hiệu ứng tốt với bài giảng.
Tuy nhiên không phải thầy cô nào cũng thỏa mãn với những “công cụ hành nghề” đó, nhất là ở những giáo viên ưa sáng tạo, thích nghiên cứu, luôn có đòi hỏi cao đối với bài giảng của chính mình. Trong quá trình giảng dạy, nhiều giáo viên đã nảy sinh ý tưởng mới và sau đó thử bắt tay thiết kế sản phẩm cho tiết dạy của mình. Sản phẩm ra đời nếu được sự đón nhận của học sinh và đồng nghiệp thì họ đãchạm đến thành công được một phần. Với sự quan tâm của ban giám hiệu và hội đồng chuyên môn, các giáo viên đó càng có thêm cơ hội để phát huy óc sáng tạo của mình. Vì thế hiện nay, tại một số trường phổ thông, nhiều giáo viên, tổ chuyên môn đã tự mày mò và chế tạo những thiết bị ĐDDH.
… Và những đứa con tinh thần
Tại Trường TH Trần Văn Đang (Q.3), Lược đồ địa hình địa lý được ra đời từ công trình của tập thể giáo viên. Mới nhìn vào chúng ta không thấy có gì lạ, vì nó giống như một bản đồ thông thường trong SGK được phóng to. Tuy nhiên, lược đồ này lại có thêm những “phụ kiện” khác dùng để minh họa cho từng bài học. Còn bộ sưu tập tài liệu của Trường TH Nguyễn Thái Sơn cũng có thể gọi là “độc nhất vô nhị” mà chắc chắn rằng ngay cả trong danh mục thiết bị của Bộ, Sở cũng không có. Những hình ảnh và cả tư liệu lịch sử của nhân dân và Đảng bộ quận 3 từ hai cuộc kháng chiến được giáo viên và học trò tìm kiếm từ nhiều nguồn rất quý giá đối với bài học lịch sử địa phương. Sản phẩm Ong đi tìm mật được giáo viên Trường TH Nguyễn Việt Hồng thiết kế dựa trên ý tưởng cấu trúc một tổ ong với những hình lục giác ghép lại. Nối kết các hình lục giác đó giáo viên sẽ giúp các em hệ thống hóa các kiến thức bài học thông qua trò chơi ghép hình chứ không phải bằng cách học thuộc lòng, từ chương. Ban giám hiệu trường cho biết, đồ dùng này đã được giải nhì trong Hội thi sáng tạo của ngành năm 2005 vì tính khoa học, tính ứng dụng thiết thực của nó.
Phong phú nhất là những sản phẩm “cây nhà lá vườn” của Trường TH Trần Quốc Thảo. Mượn ý tưởng từ game show Chiếc nón kỳ diệu của VTV3, giáo viên đã nghĩ ra cách thiết kế ĐDDH bài Du lịch năm châu. Cách học này không chỉ giảm sự nhàm chán mà còn gây hứng thú “mãnh liệt” đối với các em. Trò chơi Bin-go đi tìm tên nước qua tên thủ đô mà giáo viên sáng tạo ra rất hấp dẫn và phù hợp với các em lại bắt nguồn từ ý tưởng của trò chơi Đô-mi-nô. 
Không chỉ các trường TH mà tại các trường mầm non phong trào làm đồ dùng dạy học cũng luôn được đông đảo giáo viên ủng hộ. Nét riêng của cấp học này là các sản phẩm “tự biên tự diễn” thường được làm từ những nguyên vật liệu rẻ tiền, tận dụng tối đa các loại phế liệu phế thải. Đến với Trường MN 25A (Bình Thạnh), chúng ta sẽ bắt gặp đủ các loại ĐDDH được làm ra từ bàn tay khéo léo của các cô giáo. Vật liệu chính là những ly uống nước mỏng, muỗng múc sữa, chai nước uống, hộp sữa, thùng giấy… mà các cô tận dụng ngay trong những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày trong trường. Hai cái muỗng nhựa úp lại được chế biến thành chiếc lục lạc phát ra âm thanh vui tươi mỗi khi bé lắc. Các con thú như rùa, gà, vịt… trông rất ngộ nghĩnh lại được “sinh ra” từ nửa trái bóng hay một cái ly nhỏ. Cô Văn Thị Minh Anh – Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: “Lúc đầu chỉ có số ít giáo viên chịu khó sáng chế ra các đồ chơi cho trẻ, sau đó nhiều cô khác cũng bắt tay để hưởng ứng phong trào nên ĐDDH của các khối lớp càng thêm phong phú”. Cô Minh Anh cho biết thêm, các sản phẩm này không chỉ rẻ tiền mà còn góp phần hạn chế rác thải làm trong sạch môi trường.
Phan Ngọc Quang

Nhiều giáo viên mầm non còn chia sẻ, đồ chơi tự chế không những thu hút các bé mà ngay cả cô giáo cũng rất hứng thú với giờ dạy của mình vì sản phẩm đó chính là những đứa con tinh thần của họ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)