Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Giáo viên tuyệt đối không so sánh học sinh này với học sinh khác khi đánh giá học sinh”

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý giáo viên cần đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Ngày 18-9, trao đổi với phóng viên về công tác đánh giá học sinh tiểu học năm học 2024-2025, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu thực hiện theo Thông tư số 27/2020 của Bộ GD-ĐT.

Giáo viên không so sánh học sinh này với học sinh khác khi đánh giá học sinh

Ông nêu rõ, việc đánh giá là vì sự tiến bộ của học sinh. Giáo viên cần coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh. Giáo viên cần nhận thức được việc đánh giá toàn diện thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh.

“Trong đánh giá học sinh, giáo viên cần tăng cường việc đánh giá thường xuyên qua lời nói, nhận xét tập vở, sản phẩm của học sinh; thông tin trao đổi với cha mẹ học sinh bằng các hình thức phù hợp… để có biện pháp giúp đỡ, động viên học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất. Từ đó, hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học” – ông Quốc nhấn mạnh.

Chú trọng đánh giá bằng nhận xét, lời nói để động viên học sinh

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP lưu ý: Kết quả đánh giá thường xuyên được tổng hợp từ đánh giá của giáo viên các môn học khác, từ bản thân học sinh được đánh giá và từ các học sinh khác trong tổ, trong lớp hoặc đánh giá của cha mẹ học sinh. Kết quả phải được ghi nhận thông qua các tình huống dạy học trong thực tế, sử dụng các câu hỏi (có thể yêu cầu trả lời nói hoặc viết) đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, đặc biệt các vấn đề thực tiễn; sử dụng phương pháp quan sát (như bảng kiểm theo các tiêu chí đã xác định), quan sát học sinh trong quá trình giải quyết vấn đề; đánh giá qua các sản phẩm thực hành của học sinh. Giáo viên lựa chọn hình thức lưu trữ minh chứng đánh giá thường xuyên phù hợp.

Việc đánh giá kết quả giáo dục học sinh được kết hợp cả đánh giá định kì và đánh giá thường xuyên. Giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kỹ năng để đánh giá định kì về học tập một cách chính xác, công bằng, khách quan đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo 4 mức độ (hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành) ghi nhận và coi trọng quá trình tiến bộ của từng học sinh.

Tránh những câu hỏi, bài tập có đáp án không tường minh

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu giáo viên đặc biệt chú trọng việc xây dựng ma trận, thiết kế đề kiểm tra định kì môn học theo quy định, theo định hướng tiếp cận phát triển năng lực học sinh. Xây dựng ma trận kiểm tra định kì cho cả năm học, từ đó xác định những kiến thức, kỹ năng cần đánh giá ở mỗi kỳ kiểm tra.

Chú trọng thiết kế câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng được học; hình thức câu hỏi đa dạng; tránh những câu hỏi, bài tập có đáp án không tường minh.

“Về hình thức, bài kiểm tra định kì cần được thiết kế khoa học, tích hợp các nội dung kiểm tra, tránh rườm rà. Không đưa hướng dẫn chấm dành cho giáo viên vào bài kiểm tra. Phòng GD-ĐT cần tăng cường nhận xét đề từng môn học và rút kinh nghiệm việc ra đề kiểm tra định kì của các trường, gửi báo cáo về sở” – ông Quốc yêu cầu

Đối với các môn học có bài kiểm tra định kì, giáo viên không dùng kết quả bài kiểm tra để đánh giá định kì mà cần căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, quá trình tiến bộ hoặc giảm sút trong học tập của từng học sinh để đánh giá. Tuyệt đối không được dùng kết quả kiểm tra định kì để phiên về kết quả đánh giá thường xuyên. Khuyến khích giáo viên bổ sung câu hỏi, bài tập mức độ 3 trong các bài dạy để phát triển năng lực của học sinh; có kế hoạch triển lãm, giới thiệu sản phẩm học tập của học sinh.

Với học sinh tại các trường hòa nhập và chuyên biệt, ông Quốc cho hay, học sinh khuyết tật (có giấy xác nhận) nếu có khả năng học tập bình thường thì không phải làm kế hoạch giáo dục cá nhân.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)