Nạn ăn cắp vặt của học sinh trong nhà trường là một hiện tượng khá phổ biến. Nhất là ở lứa tuổi tiểu học, THCS, do các em chưa ý thức rõ hành vi của mình và tâm lý thích vật chất, dù là của bạn khác.
Vậy phải hiểu hiện tượng trên như thế nào? Giáo viên ứng xử ra sao trước tình huống này để không làm tổn thương học sinh?
Nạn ăn cắp vặt dưới góc nhìn của nhà tâm lý
Theo các chuyên gia tâm lý, ngoại trừ những trẻ vị thành niên có hành vi ăn cắp nhằm chiếm đoạt tài sản phi pháp vì lòng tham vật chất, hoặc do ăn cắp quen tay, hầu hết những trường hợp ăn cắp vặt ở trẻ xuất phát từ một trong những nguyên nhân sau: Do muốn sở hữu, có ngay những đồ vật mình thích, dù đó không phải là của mình, song chưa nhận thức rõ hành vi sai trái đạo đức và pháp luật. Thỏa mãn nhu cầu vật chất, tâm lý không thể bỏ qua do nghiện game, mua đồ cho bằng bạn bè để không cảm thấy bị thua kém. Nổi loạn, muốn gây chú ý, muốn được quan tâm từ những người thân thiết, quan trọng với các em. Thử vượt qua những giới hạn, xem ăn cắp vặt như chơi trò mạo hiểm, thường ở tuổi dậy thì. Bị bạn bè rủ rê, ép buộc ăn cắp vặt. Hoặc do thiếu hụt các phương tiện vật chất, tinh thần, thỏa mãn nhu cầu tâm lý, thiếu thốn tình cảm, cô đơn, bị lạm dụng, bạo hành. Ngoài ra, do bị nhiễm thói quen từ môi trường học tập, môi trường sống có người hay ăn cắp nói dối, tham lấy tài sản không phải của mình… cũng khiến trẻ bị nhiễm thói quen ăn cắp vặt.
Về giải pháp, các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, đa số các nguyên nhân ăn cắp vặt đều có xuất phát từ tâm lý, nhận thức của cá nhân và cả tác động của yếu tố văn hóa gia đình, xã hội. Vì vậy, cha mẹ và thầy cô khi phát hiện ra hành vi ăn cắp vặt ở trẻ cần có giải pháp thích hợp để giúp trẻ kịp thời thay đổi nhận thức và hành vi cho đúng là điều cần làm. Theo đó, tuyệt đối không nói những lời chỉ trích gây tổn thương trẻ, không xúc phạm, thóa mạ, quy chụp nhân cách, hoặc trừng phạt bằng đòn roi. Vì những hành vi này không giúp trẻ nhận thức được rõ vấn đề để thay đổi. Mà ngược lại, trẻ sẽ càng phản ứng tiêu cực hơn. Đặc biệt là làm giảm lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ nghĩ mình bị đánh giá là người xấu dưới mắt mọi người. Thậm chí với những trẻ nhạy cảm, nông nổi, có thể còn có những hành vi nguy hại đến bản thân…
Thay vì lớn tiếng, nặng lời, hãy xây dựng quan hệ tốt đẹp trong các mối quan hệ cho trẻ. Khi ấy trẻ sẽ ý thức hành vi ăn cắp vặt của mình là sai. Và các em sẽ sửa chữa. |
Cách tốt nhất, theo nhiều người, cần chú trọng đến cách trò chuyện, xem đó quan trọng hơn nội dung trò chuyện là gì. Khi nói chuyện với trẻ về hành vi ăn cắp, nếu người lớn chỉ biết phán xét, lên án, dọa dẫm, nhiều khả năng trẻ cũng lặp lại cách hành xử này với người có hành vi sai. Thay vào đó, câu chuyện nên tập trung vào sự mất mát, tổn hại của người bị mất cắp hoặc tập trung vào những sự ưu phiền, buồn bã của cha mẹ, thầy cô và bạn bè trước hành vi này của trẻ. Thứ quý giá nhất của trẻ chính là sợ bị những người mình thương yêu (bạn bè, cha mẹ, thầy cô…) xa cách. Cho nên, nếu giáo viên cực đoan mạt sát, khoét sâu vào khoảng xa cách này, sẽ dẫn đến hệ lụy tiêu cực. Thay vì lớn tiếng, nặng lời, hãy xây dựng quan hệ tốt đẹp trong các mối quan hệ cho trẻ. Khi ấy trẻ sẽ ý thức hành vi ăn cắp vặt của mình là sai. Và các em sẽ sửa chữa.
Đặc biệt, giáo viên cần tránh là tuyệt đối không nên bêu riếu trẻ trước tập thể lớp. Không nên bắt lỗi các em trước mặt đám đông. Vì như thế trẻ rất xấu hổ, cảm thấy mình như bị làm nhục. Điều này cũng được nhà văn Nam Cao nói đến trong truyện ngắn “Tư cách mõ” rất chí lý, rằng: Lòng khinh trọng của con người ta với người khác là quan trọng biết nhường nào. Nhiều người không có lòng tự trọng vì không được ai trọng cả… Làm nhục người là một cách “rất diệu” để khiến người khác sinh đê tiện!
Ứng xử khéo của giáo viên trước nạn ăn cắp vặt
Dưới đây là cách ứng xử của một giáo viên trước một tình huống nạn ăn cắp vặt của học sinh trong lớp mà thầy giáo này cho là hiệu quả: Số là, lớp thầy chủ nhiệm đã nhiều lần xảy ra tình trạng mất cắp vặt nhưng chưa tìm ra thủ phạm, có thể có học sinh khác trong lớp biết nhưng không dám tố cáo vì sợ học sinh ấy trả thù. Chiều hôm ấy, tôi nghe một học sinh trong lớp báo lại là em bị mất tiền, nên nhờ thầy giữ lớp lại 15 phút để em lục cặp các bạn trong lớp. Học sinh này cũng quả quyết rằng bạn “A.” trong lớp lấy, vì nhiều bạn trong lớp cũng nghĩ thế.
Sau tiết dạy, tôi giữ lớp lại. Trong đầu tôi nghĩ đến nhiều giải pháp. Tôi không cho lục cặp, tôi cũng không chất vấn, quy kết cho học sinh “A.” Trước hết, tôi nhỏ nhẹ phân tích phải trái, đúng sai, ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của hành vi ăn cắp vặt. Sau đó tôi đưa cho mỗi em một mảnh giấy nhỏ và yêu cầu các em ghi tên học sinh mà các em thấy lấy tiền bạn vào tờ giấy ấy. Ghi bí mật, không cần ghi tên mình, ghi không cho ai thấy. Sau đó, tôi thu và xem giấy các em ghi; trước khi cho lớp ra về, tôi nói: “Thầy đã biết được ai lấy tiền bạn nhưng thầy không nêu tên ra ở đây. Thầy hy vọng sau buổi học này, bạn lấy cắp ấy sẽ trả lại tiền cho bạn. Thầy cũng tin rằng sau sai lầm này bạn ấy sẽ không còn tái phạm lần nào nữa. Các em cũng cần tha lỗi cho bạn ấy!”.
Đúng như sự kỳ vọng của tôi, sáng hôm sau, học sinh bị mất cắp tìm gặp tôi và nói: “Em cảm ơn thầy! Bạn “A.” đã gặp em và xin lỗi em. Bạn ấy hứa hôm nay sẽ trả tiền cho em, vì hôm qua bạn lỡ tiêu hết…”.
Tôi nhớ thời còn tiểu học, lớp tôi cũng có tình huống như trên. Có điều là cách ứng xử của cô giáo chủ nhiệm lúc ấy rất khác. Cô giữ lớp lại, cho tổ trưởng lục hết cặp của học sinh. Và khi phát hiện được học sinh lấy cắp, cô đã không kìm được giận dữ: “Tại sao như thế! Đồ… ăn cắp vặt!”. Lời mắng của cô mà đến giờ tôi còn cảm nhận được nỗi đau nhói vào tim của bạn ấy. Đau đớn và nghiệt ngã hơn là sau sự việc ấy, bạn lấy cắp bị bạn bè trong lớp xa lánh dần. Nhiều bạn không gọi tên bạn ấy nữa. Mỗi khi có cãi vã nhau, họ thường gọi bạn ấy là “đồ… ăn cắp vặt!”. Cũng là một tình huống nhưng cách ứng xử khác nhau sẽ cho hiệu quả giáo dục khác nhau. Xin hãy chọn cách nói để mang lại hiệu quả, làm “ấm người như vải lụa”. Và phải cẩn thận, bởi có thể gây tổn thương, làm người “đau như gươm giáo” như lời răn của nhà triết học cổ đại Tuân Tử.
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)