Ở một số trường học hiện nay, cứ đến những ngày cuối năm tiến hành nhận xét, đánh giá chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh suốt quá trình 9 tháng dưới mái trường, giáo viên thường gọi đùa với nhau là “mùa cấy” đã đến rồi. Tại sao như vậy? Tôi xin trả lời ngay “cấy” là ghi điểm mà trong thực tế học sinh chưa hề được thầy kiểm tra kiến thức cũ bằng những con “số đẹp” để học sinh ấy đủ cột điểm theo yêu cầu quy định của bộ môn với mục đích cuối cùng nhằm giúp cho học sinh đủ điểm lên lớp, hoặc đạt danh hiệu thi đua như tiên tiến, giỏi.
Việc “cấy điểm” có nhiều nguyên nhân thường thấy sau đây: Những ngày cuối năm, để kịp cho nhà trường tập hợp, thống kê số liệu, chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh, có nhiều thầy cô dạy nhiều lớp, chấm bài không kịp nên phải “cấy” cho đủ cột điểm, nếu không thì vi phạm quy định chuyên môn. Bên cạnh đó, trong mối quan hệ tình cảm đồng nghiệp, người thân có nhiều người thấy con em mình bị khống chế điểm số bộ môn nào đó nên nhờ thầy cô “giúp đỡ”, thầy cô phải cố gắng bằng cách “cấy điểm” cho hợp lý. Và như thế, thầy cô không ít thì nhiều cũng phải miễn cưỡng “cấy”. Một điều rất tế nhị và nhạy cảm không thể không nói đến là việc “cấy điểm” đã có sự “bật đèn xanh” của lãnh đạo nhà trường, đó là việc “cấy điểm” trái mùa. Khi học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi của trường mình bị khống chế điểm ở một môn nào đó không đủ điều kiện dự thi, để có đủ đội tuyển theo yêu cầu, nhà trường phải “xé rào” cho thầy cô “cấy điểm”. Đây là một thực tế xảy ra ở nhiều trường, mức đậm nhạt có khác nhau. Nguyên nhân sâu xa đó cũng chỉ vì thành tích của nhà trường mà thôi. Và cứ mỗi khi hè về, câu nói đùa: Giáo viên vào “mùa cấy” lại râm ran và nó cũng ít nhiều trĩu nặng trong tâm tư của thầy cô giáo.
Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)
Bình luận (0)