Khi dạy trong lớp đông học sinh và phòng rộng, GV cần có micro để giữ giọng nói
|
Giống như một số ngành nghề khác, dạy học cũng không vượt ra khỏi quy luật của bệnh nghề nghiệp. Theo đánh giá của giới y khoa, ngoài triệu chứng viêm họng thường xuyên, các giáo viên (GV) còn mắc nhiều căn bệnh mãn tính do nghề giáo mang lại như viêm thanh quản, cận thị, giãn tĩnh mạch và cả stress.
Sau tiết dạy thứ hai, thầy Trần Văn H. – GV Trung tâm GDTX Chu Văn An, Q.5, TP.HCM phải xuống phòng y tế nhà trường để xin một liều thuốc trị bệnh. Mấy hôm nay do thời tiết chuyển mùa, thầy H. có triệu chứng viêm họng, về đêm thường nóng rát ở cổ.
Lạm dụng giọng nói
Viêm họng đã làm cho thầy mệt mỏi hơn. Ngày có 4 tiết dạy nên giọng nói của thầy càng bị ảnh hưởng. Ngoài việc uống thuốc, trước và sau khi đi ngủ, thầy H. còn súc miệng bằng nước muối. Nhờ chịu khó áp dụng kinh nghiệm này mà sau đó thầy H. đã đẩy lùi được căn bệnh viêm họng, tiếng nói không bị khàn như trước. Mặc dù mới vào nghề được một tháng nhưng sau 2 tuần đứng lớp, cô Đinh Hồng N. – GV Trường THPT Hàn Thuyên, Q.Phú Nhuận tự nhiên “mất tiếng”. Dù cố gắng hạn chế giao tiếp nhưng tình trạng đó phải sau một thời gian mới cải thiện được. Đây là tình trạng chung của rất nhiều GV trẻ mới ra trường chưa quen đứng lớp và cả những GV lớn tuổi nhưng phải “chạy sô” nhiều nơi để dạy thêm, dạy ngoài giờ. Theo BS. Lê Hoàng Quý – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bình Thạnh – TP.HCM, viêm thanh quản là căn bệnh thường gặp ở những người đứng lớp. Khi người bệnh bị viêm thanh quản đồng nghĩa với dây thanh bị kích thích và gây viêm. Tình trạng này gây nên sự biến dạng của các âm thanh khi đi qua dây thanh quản. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân trong đó có các nhà giáo bị khàn giọng hay còn gọi là “bể tiếng”.
TS.BS Trần Việt Hồng – Trưởng khoa Tai mũi họng – Bệnh viện Nhân dân Gia Định đánh giá: “Viêm họng, viêm thanh quản được chẩn đoán từ nguyên nhân lạm dụng giọng nói của những người liên quan đến nghề nghiệp dạy học, bán hàng, ca sĩ, cổ động viên…”. Điều này đã được thực tế chứng minh vì số lượng bệnh nhân “có vấn đề” về họng tập trung nhiều ở đội ngũ nhà giáo. Cũng theo BS. Hồng, viêm thanh quản có thể cấp tính (chỉ tạm thời trong thời gian ngắn) và có thể mạn tính (thời gian kéo dài và khó chữa trị hơn). Nguyên nhân gây ra căn bệnh này một phần do ảnh hưởng tính chất công việc của nghề nghiệp. Từ trước tới nay theo quy định, mỗi tuần GV bộ môn tùy theo cấp học phải đứng lớp tiêu chuẩn 16 hoặc 18 tiết. Ngoài một buổi lên lớp, GV còn tham gia hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt chủ nhiệm nên cường độ giao tiếp ngôn ngữ tăng cao. So với GV dạy bộ môn khoa học tự nhiên, các thầy cô dạy môn khoa học xã hội có tần suất “lạm dụng tiếng nói” gần như gấp đôi.
Và nhiều bệnh khác…
Cũng do đặc thù của bộ môn mà GV dạy ngữ văn được coi là “nhà vô địch” về mức độ thuyết giảng ở trên lớp. Không lên lớp theo tiết như các đồng nghiệp cấp THCS và THPT, đội ngũ GV tiểu học liên tục đứng trên bục giảng từ sáng đến trưa và không nghỉ ngày nào trong tuần. Vì lẽ đó nên tỷ lệ viêm họng, dây thanh quản chắc chắn là không ít hơn. Nếu quá chủ quan, không biết cách điều trị bệnh sẽ kéo dài và tiến triển thêm. Cũng có người tuy ý thức rõ được vấn đề này nhưng do áp lực công việc, cũng như tính chất của nghề nghiệp nên đã lặng thầm chịu đựng sự hành hạ của bệnh tật. Từ chỗ bị khàn giọng, bể tiếng bệnh nhân có thể gánh lấy hậu quả cuối cùng là mất luôn giọng nói mà phải một thời gian điều trị tốn kém mới phục hồi trở lại.
Do đứng lớp nhiều nên cô Lê Thị Thu H. GV Trường THPT Gia Định, TP.HCM thường có triệu chứng đau chân. Đến khi hai chân bị phù và xuất hiện chàm da ở cổ chân, cô H. mới đi khám, được BS chẩn đoán là suy giãn tĩnh mạch chân. BS. Lâm Văn Cường – Phòng khám đa khoa Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, suy giãn tĩnh mạch chân (còn gọi là suy van tĩnh mạch chi dưới hay suy giãn tĩnh mạch chi dưới), tuy chưa xác định rõ ràng nhưng có liên quan đến các nghề nghiệp ít vận động, phải ngồi lâu hay đứng lâu trong nhiều tiếng đồng hồ. Lên lớp dạy học, GV thường đứng tại chỗ và phải đi lại trên bục giảng, nhất là khi tuổi càng cao thì căn bệnh suy giãn tĩnh mạch có cơ hội “phát tiết” ra ngoài.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Cách nào để khắc phục bệnh nghề nghiệp cho GV?
Xung quanh vấn đề này, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trần Việt Hồng – Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân Gia Định:
PV: Xin BS cho biết, thế nào là lạm dụng giọng nói?
Lạm dụng giọng nói là sử dụng giọng nói quá mức như nói to, nói liên tục theo yêu cầu công việc. Do đặc thù công việc, ngoài nhân viên bán hàng, ca sĩ, các thầy cô giáo là đối tượng thường phải lạm dụng giọng nói nhiều hơn cả. Khi lạm dụng giọng nói quá mức dây thanh rung động mạnh, biên độ căng quá mức dẫn đến tổn thương dây thanh như phù nề, xung huyết. Kéo dài tình trạng này sẽ gây viêm thanh quản, viêm họng, khàn tiếng và rất khó khăn trong giao tiếp.
Cách phòng ngừa và hạn chế các nguyên nhân gây “tổn thương” giọng nói như thế nào, thưa BS?
Đối với các thầy cô, để bảo vệ giọng nói, lời khuyên tốt nhất là không nên dạy liên tục trong nhiều giờ liền mà phải có thời gian nghỉ ngơi sau một tiết dạy. Trong quá trình nghỉ ngơi dù chỉ 5 phút cũng nên tranh thủ uống nhiều nước và tạo thói quen tốt uống nước thường xuyên. Một số trường do điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt, GV phải dạy trong một không gian rộng, sĩ số học sinh đông thì nên sử dụng micro để lên lớp, đừng nên nói quá to. Một số thầy cô bị khàn tiếng là do nói quá sức và quá nhiều, vì thế thiết kế phòng học phải đúng quy cách không được quá rộng, vượt qua sĩ số cho phép. Đối với GV dạy tiểu học, ngoài bài giảng còn phải thường xuyên nhắc nhở các em trật tự nên phải nói nhiều hơn. Trước thực tế đó, hiện tại Khoa Tai mũi họng của bệnh viện chúng tôi cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến lạm dụng tiếng nói của GV cấp tiểu học với mục đích bảo vệ sức khỏe cho các thầy cô.
Để GV điều chỉnh được giọng nói vừa sức, nhà trường cũng cần chú ý và hạn chế cả tiếng ồn xung quanh lớp học. Có đúng như vậy không, thưa BS?
Đúng như vậy. Tiếng ồn cũng gây ảnh hưởng đến giọng nói của người thầy. Khi ở gần chỗ đông người như chợ, đường phố, công xưởng thì trường học phải chịu nhiều tiếng ồn. Để giúp học sinh tiếp thu được bài không còn cách nào hơn GV phải ráng hết sức. Thế nhưng, chính vì điều này các thầy cô đã vô tình tự làm hại sức khỏe của chính mình. Tốt nhất là chúng ta phải tìm cách hạn chế tiếng ồn trong điều kiện có thể được. Điều này cần có sự quan tâm của ban giám hiệu và lãnh đạo nhà trường.
Hiện nay, ngoài một số trường đã trang bị bảng tương tác, máy chiếu để thực hiện giáo án điện tử, vẫn còn một số trường dùng phương pháp dạy truyền thống bằng phấn trắng bảng đen. Như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe người thầy hay không?
Không chỉ giảng bài, GV còn phải dùng phấn để viết lên bảng. Trong quá trình đó bụi phấn rơi xuống bục giảng và bay vào không khí, GV càng có thêm “cơ hội” hít phải thêm chất độc hại mà mắt thường khó nhìn thấy. Đây là tác nhân thầm lặng gây ra bệnh viêm mũi, viêm xoang cho bộ phận giáo viên. Vì thế tốt nhất nên hạn chế dùng phấn bảng khi đứng lớp, nếu dùng thì phải tìm cách hạn chế sự xâm nhập của bụi phấn vào trong cơ thể con người.
Xin cảm ơn BS!
N.Quang (thực hiện )
|
Bình luận (0)