Cô giáo Phan Thị Minh Phượng, Trường Tiểu học Thạnh An vui mừng khi có chỗ ở mới khang trang |
Được dọn về nhà mới (nhà công vụ) sau nhiều năm “tạm trú” ở các khối phụ trong khuôn viên trường, không chỉ giáo viên mà trong lòng người dân đảo vui như mở hội.
Trở lại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ vào một ngày cuối tháng 4. Cơn mưa đầu mùa nặng hạt làm dịu đi cái nóng gay gắt suốt nhiều tháng đổ xuống cái xã đảo nhỏ bé này. Mưa. Không khí trên đảo càng dễ chịu. Trên mỗi khuôn mặt người, từ già đến trẻ của đảo như bớt đi cái nặng nề ưu tư hằn sâu, như trút bỏ hết vất vả trong những ngày vật lộn với cuộc mưu sinh. Mưa mỗi lúc càng nặng hạt. Mưa như để gội rửa muộn phiền, những lo toan.
Ngày vui
Chiếc ghe chòng chành vì sóng nước. Trời đổ mưa lớn, cộng với gió mạnh khiến ai nấy đều ướt sũng nhưng niềm vui hiện rõ trong ánh mắt mọi người. Ngồi phía sau, ông Ngô Văn Thành, Chủ tịch UBMT Tổ quốc huyện Cần Giờ phấn khởi, nói lớn át tiếng máy ghe: “Thạnh An đang đổi thay từng ngày”. Một mái che nhỏ, gọn được bố trí ngay dưới lòng đường, choán gần hết đường chính vốn đã nhỏ hẹp dẫn vào khu dân cư để chuẩn bị làm lễ bàn giao nhà công vụ. Song người qua lại không lấy làm phiền muộn, dù phải gồng mình, thở hổn hển khi nhấc cả chiếc xe ba gác hàng hóa, rau cải vừa được chuyển ra từ đất liền nhưng miệng thì cười tươi như hoa: “Ngày vui mà”. Ngày vui – ngày những người đã và đang ươm mầm trên đất đảo được về nhà mới.
Người dân trên đảo như cùng hòa chung niềm vui với giáo viên khi có được chỗ ở mới khang trang, tinh tươm. Giáo viên ở Thạnh An đa phần đến từ các tỉnh, thành phía Bắc, nhu cầu về chỗ ở vẫn còn rất lớn. Nhà ở công vụ do Công đoàn Giáo dục TP.HCM hỗ trợ xây dựng, dù chỉ có 2 phòng, giải quyết tạm thời cho 9 nữ giáo viên độc thân của Trường Tiểu học Thạnh An nhưng là một món quà ý nghĩa, thiết thực. Ông Ngô Ngọc Chính, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT Cần Giờ chia sẻ: “Nhà ở công vụ góp phần tạo sự ổn định, yên tâm công tác lâu dài và từng bước nâng cao chất lượng đời sống về vật chất lẫn tinh thần cho đội ngũ giáo viên công tác tại đảo”.
Công trình được đầu tư xây dựng trên diện tích khuôn viên hiện hữu của nhà công vụ xã Thạnh An. Quy mô xây dựng là công trình dân dụng cấp 4, diện tích sàn xây dựng 55m2. Nhà công vụ có giá trị xây lắp 400 triệu đồng, chi phí thiết bị 15 triệu đồng được vận động từ Trường THPT Nguyễn Thái Bình. Nhằm chia sẻ khó khăn cho giáo viên Thạnh An nói riêng và của Cần Giờ nói chung, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Mỹ Hoàng cũng đã hỗ trợ 10 triệu đồng chi phí thiết kế. Ông Chính thông tin thêm, nhu cầu về chỗ ở của giáo viên Thạnh An còn rất lớn. Hiện Trường Tiểu học Thạnh An còn 5 trường hợp cán bộ, giáo viên chưa có chỗ ở, phải ở lại trong trường. Một số phòng của nhà công vụ được xây dựng cách đây hơn 10 năm đã xuống cấp, kinh tế của huyện còn khó khăn, chưa có điều kiện nâng cấp, sửa chữa…
Toàn Trường Tiểu học Thạnh An có tổng cộng 32 CB-GV-NV, 15 lớp với 350 học sinh, đa số các em là con em trong gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Hầu hết giáo viên đang công tác tại trường từ các nơi khác đến, nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Lâu nay, hệ thống nhà công vụ tại địa phương chưa đáp ứng được với nhu cầu nên nhà trường đã sắp xếp, bố trí 3 phòng nằm trong khuôn viên nhà trường, giải quyết chỗ ở cho 14 CB-GV-NV. Chính vì ở trong khuôn viên trường nên nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của thầy cô giáo gây khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Ông Chính cũng cho biết, nhà công vụ của giáo viên Trường THCS Thạnh An cũng chỉ với 2 phòng, chung 1 bếp ăn, 1 nhà vệ sinh, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. UBND huyện cũng đã đồng ý dành một phần đất phía đối diện để xây nhà công vụ, tuy nhiên vẫn còn đang chờ sự hỗ trợ kinh phí từ các cơ quan, ban ngành mới có thể xây dựng.
Niềm vui ngày về nhà mới
Đây là nhà công vụ thứ 2 do Công đoàn Giáo dục TP.HCM hỗ trợ cho giáo viên Cần Giờ (trước đó đã hỗ trợ xây dựng nhà công vụ ở Doi Lầu, xã An Thới Đông). Ông Nguyễn Hữu Hùng, Ủy viên thường vụ, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT TP.HCM chia sẻ, tuy giá trị hỗ trợ để xây dựng nhà công vụ không lớn nhưng quan trọng nhất, việc làm này đã góp phần giáo dục chính đội ngũ thầy cô giáo và các em học sinh về lòng nhân ái, tình cảm yêu thương, sẵn sàng sẻ chia với đồng nghiệp, bạn bè; góp phần giáo dục đạo đức và xây dựng hình thành nhân cách học sinh, giúp các em trở thành công dân có ích cho xã hội đồng thời thể hiện được ý thức trách nhiệm của mỗi nhà giáo trong ngành đối với đồng nghiệp, thể hiện tấm lòng của người làm công tác sư phạm, xứng đáng với những giá trị cao quý mà xã hội đã tôn vinh.
Trong ngày bàn giao nhà công vụ, nụ cười rạng ngời trên gương mặt cô giáo trẻ Phan Thị Minh Phượng (quê Quảng Bình), giáo viên Trường Tiểu học Thạnh An. Cô Phượng cho biết, trước đây mình và đồng nghiệp phải “tạm trú” trong khối phụ của trường. Việc ở như vậy dễ dàng kèm cặp, dạy bảo học sinh. Giáo viên và học sinh thân thiết, đùm bọc nhau như chị em trong nhà, có điều rất bất tiện trong sinh hoạt cá nhân. “Về nơi ở mới, mọi thứ đều mới, chúng tôi rất vui. Đây được xem là động lực để đội ngũ giáo viên chúng tôi làm tốt hơn nữa trọng trách của mình, cùng chung tay đưa giáo dục xã đảo ngày càng phát triển”. Về nơi ở mới, mỗi phòng có bếp ăn, nhà vệ sinh khép kín… rất sạch sẽ, tinh tươm đó là những gì mà lần đầu tiên giáo viên ở đây có được sau nhiều năm công tác trên đảo. Mỗi phòng còn được trang bị một ti vi LCD đời mới, một đầu máy và chiếc quạt đứng trị giá gần chục triệu đồng. Đó là món quà chứa chan nghĩa tình mà đồng nghiệp ở nội thành đã dành tặng cho giáo viên nơi đây.
Cùng với sự quan tâm của Công đoàn ngành GD-ĐT TP.HCM, Công đoàn Giáo dục huyện Cần Giờ đã điểm tô cho Thạnh An ngày một tươi đẹp hơn. Đổi thay rõ rệt nhất ở Thạnh An là giáo dục. Ông Đoàn Văn Thanh, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cần Giờ cho biết, tỉ lệ học sinh bỏ học ở Thạnh An giảm đáng kể. Số học sinh vào cấp 3 ở đây cũng tăng mạnh so với mọi năm. Giáo viên tình nguyện ra đảo công tác cũng ổn định hơn. Có được những kết quả khích lệ như hôm nay là nhờ vào sự quan tâm của UBND TP.HCM, của ngành GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục thành phố, chính quyền địa phương. Và cũng không thể không nhắc đến sự tương thân, tương ái của đồng nghiệp nội thành, hết lòng sẻ chia về vật chất, tinh thần cho giáo viên nơi đầu sóng ngọn gió này.
Thầy Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An ghi nhận những đóng góp của các cơ quan, đơn vị dành cho Trường Tiểu học Thạnh An nói riêng và xã đảo Thạnh An nói chung. Nhu cầu bức thiết của giáo viên Thạnh An lâu nay là chỗ ở. Nhà công vụ này đã phần nào giải quyết khó khăn cho giáo viên để có điều kiện tốt nhất cho giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với học sinh trên đảo.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)