Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

“Giật” học bổng dễ hay khó?

Tạp Chí Giáo Dục

Với những học sinh, sinh viên đang ấp ủ kế hoạch "săn" học bổng du học, thì tham khảo những kinh nghiệm được đúc kết từ những "thợ săn" đi trước hẳn sẽ không thừa.
Phân loại học bổng
Đối với các bạn học sinh, sinh viên chưa tốt nghiệp đại học (Undergraduate), thì Anh và Mỹ là những địa bàn nên cân nhắc trước tiên. Hai nước này cấp nhiều học bổng từ 10% đến 100% cho các chương trình tiếng Anh, dự bị đại học và đại học.
Với các bạn đã tốt nghiệp đại học (Graduate), nếu bạn có trên 2 năm kinh nghiệm, bạn hãy tìm đến các chương trình học bổng Fulbright – Mỹ; Cambrigde Gate – Anh; DAAD – Đức; ADS – Australia; Nuffic – Hà Lan; Norad – Na Uy… Đây là những chương trình học bổng toàn phần bao gồm các khoản học phí, sách vở, ở, BHYT, vé máy bay khứ hồi. Ngoài ra bạn còn nhận được khoản trợ cấp hàng tháng cho chi phí ăn và sinh hoạt.
“Bật mí” của những “thợ săn"
Hiện nay có rất nhiều loại học bổng của các trường đòi hỏi về khả năng suy luận, phân tích nhân vật, tác phẩm văn học… và xu hướng trên đang ngày càng phổ biến. Nên sẽ rất tiện lợi nếu bạn biết tận dụng kỹ thuật kết hợp giữa việc săn học bổng với các bài kiểm tra này.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ nên tập trung dồn hết sức vào một hay hai học bổng nhất định nên đã vô tình tự hạn chế cơ hội cho chính mình. Cách để xin học bổng khôn ngoan nhất là hãy nộp đơn vào càng nhiều loại học bổng càng tốt.
Dù học bổng chỉ có giá trị vài trăm USD thì chúng ta cũng không nên bỏ qua vì chúng sẽ trang trải được phần nào chi phí học tập hay làm dày thêm bộ thành tích của chúng ta khi đi xin những loại học bổng có giá trị lớn hơn.
Đừng nên tốn quá nhiều thời gian cho việc viết nhiều đơn xin học bổng khác nhau cho từng trường. Bạn nên quan tâm tới việc "tái sử dụng" một mẫu đơn xin học bổng chính, hãy dùng một đơn xin học bổng hoàn chỉnh nhất của mình từ trước tới giờ rồi thêm thắt, sửa chữa những chi tiết cho phù hợp hơn trong từng hoàn cảnh cụ thể. Việc này không những giúp bạn có thêm nhiều thời gian để làm những công việc có ích khác mà lá đơn của bạn cũng sẽ ngày một hoàn hảo hơn khi bạn dễ dàng tìm ra những lỗi sai trước đây khi phải đọc đi đọc lại nó nhiều lần.
Các trường đại học ở nước ngoài không chỉ tập trung vào bảng thành tích học tập đơn thuần mà còn rất quan tâm việc bạn đã đóng góp được gì cho xã hội. Nếu từng tham gia các công việc bán thời gian ở đâu thì bạn cũng đừng quên ghi vào hồ sơ của mình. Hơn nữa, hãy tham gia các câu lạc bộ và tổ chức xã hội trong trường học hay khu vực đang sinh sống vì hiện có rất nhiều loại học bổng được cấp cho các cá nhân có bề dày hoạt động xã hội.
Bạn cũng đừng quên học hỏi kinh nghiệm từ những người từng đạt học bổng trước đây. Họ sẽ là một "nguồn tài nguyên" cực kỳ hữu ích trong việc truyền đạt cho bạn các lời khuyên cũng như mẹo để có thể "săn" học bổng một cách thành công, sẻ chia kinh nghiệm để giúp các bạn tránh khỏi những lỗi lầm có thể tránh được khi đi xin học bổng.
Việc bạn xuất thân từ một dân tộc thiểu số cũng là một yếu tố nổi bật giúp họ nhận ra sự khác biệt ở bạn. Nhiều loại học bổng không đòi hỏi bạn phải mang 100% dòng máu người thiểu số mà chỉ cần ba hoặc mẹ mình thuộc dân tộc trên nên bạn hoàn toàn có thể mạnh dạn ứng cử vào học bổng đó. Tương tự, nếu học viên là người khuyết tật thì cũng đừng nên giấu đi chi tiết này. Đơn giản một điều rằng các nhà xem xét trao học bổng sẽ nhận ra nghị lực phi thường của thí sinh trong việc phấn đấu vượt lên số phận để theo đuổi việc học.
Để có thêm kinh nghiệm và thông tin về các chương trình học bổng, bạn cũng có thể tìm hiểu tại các website, diễn đàn du học trên internet hoặc tìm đến các trung tâm tư vấn du học để được tư vấn một cách chuyên nghiệp.
 Theo TG&VN

Bình luận (0)