Cho thuê đồ, thuê ăn cơm, đến cho vay nặng lãi hiện đang là cách kiếm tiền của một số học sinh Hà Nội. Và khi những đứa trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường này “nghiện” mùi tiền thì hậu quả sẽ thật khó lường.
Nhiều “chiêu” kinh doanh!
Trong cuộc họp phụ huynh khối 6 đầu học kỳ II tại một trường ở Hà Nội, các phụ huynh giật mình khi biết tin trong lớp có hiện tượng cho vay nặng lãi giữa các học sinh. Số là có một nữ sinh được gia đình cho tiền ăn sáng nhưng chỉ ăn một nửa. Phần còn lại cho các bạn trai trong lớp vay. Trong khi đó, các bạn nam trong lớp lại luôn có máu “đỏ đen” với trò chơi mà phần thắng được trả bằng tranh siêu nhân (tương tự như tấm card visit – PV) nên nhu cầu vay rất lớn. Tuy nhiên, chủ “nợ” lại là một “tay” cho vay siêu nặng lãi. Vay 1.000đ đầu tuần, cuối tuần phải trả 8.000đ. Làn sóng cho vay nặng lãi lan rộng. Nhiều nam sinh trở thành con nợ không đủ khả năng trả. Chính chuyện nợ xấu khó đòi vỡ lở nên giáo viên và phụ huynh mới biết.
Còn P.D học tại một trường THCS của quận Hoàn Kiếm lại có cách “móc tiền” từ túi bạn rất độc đáo. P.D tổ chức “kinh doanh” dịch vụ điện thoại mà khách hàng là các bạn chưa có điện thoại nhưng có nhu cầu dùng. P.D cũng theo phương thức: “Gọi cuộc nào tính tiền cuộc đó” với giá cao gấp đôi so với số tiền thuê bao mà P.D phải trả cho nhà mạng… Một số bạn khác trong lớp P.D thì tổ chức cho bạn thuê các loại đồ chơi điện tử như người máy, xe, máy bay điều khiển từ xa… với mức phí 500 đến 1.000 đồng/ngày.
H.T, cô học sinh lớp 8 Trường Lômônôxốp (Hà Nội) nghĩ ra một “chiêu” kinh doanh đặc biệt. Thấy bạn bè trong lớp thường hay quên khăn quàng đỏ và bị phạt, H.T liền mua hàng chục chiếc khăn quàng đỏ để sẵn trong cặp sách. Trong hơn 30 bạn ở lớp, ngày nào cũng có vài bạn quên khăn và H.T nhân đó thông báo dịch vụ cho thuê với giá 2.000 đồng/lần thuê, hoặc bán thì 8.000-10.000 đồng/chiếc. Sợ bị phạt và phê bình nên nhiều bạn của H.T đón nhận dịch vụ này như một cách đối phó. Trong túi H.T lúc nào cũng có cả chục cái khăn đỏ dự trữ.
Và một dịch vụ nữa đó là thuê ăn, thuê chép bài, thuê làm bài hộ. Chị H.M ở Long Biên có con đang học lớp 4 kể một tình huống khá hài hước. Một hôm con trai chị hớn hở về khoe hôm nay kiếm được 3.000đ. Hỏi ra chị mới biết, ở lớp có bạn sợ ăn đậu phụ (tàu hủ), nhưng không dám bỏ lại vì lo cô mắng nên đã thuê bé nhà chị ăn với giá 3.000 đồng. Tuy nhiên, những dịch vụ kiếm tiền của học trò không chỉ dừng lại ở đó. Có những loại hình kinh doanh rất đáng báo động trong giới học trò hiện nay. “2.000 đồng một lần nhờ vả, 2.000 đồng/1 trang chép lại, 10.000 đồng để ghi hộ bài, cứ thế mà áp dụng” – P, học sinh lớp 8 Trường THCS T.V kể.
Những hệ lụy
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Lan Hương (Tổng đài 1080) cho rằng: Những hình thức cho thuê, cho vay mà trẻ đặt ra cần được cấm vì phần nhiều sẽ tác động xấu cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Theo cô Lan Hương, câu chuyện trẻ sớm nghĩ ra các “chiêu” kiếm tiền kể trên cho thấy, cho trẻ tiền nhưng phụ huynh cần coi trọng việc hướng dẫn trẻ cách sử dụng đồng tiền đúng đắn; dạy trẻ giá trị của đồng tiền, cũng như cách tiết kiệm tiền bạc, nếu không việc tiếp xúc với đồng tiền sớm sẽ gây hại cho trẻ. Thầy Nguyễn Hải Khoát, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Q.Ba Đình, Hà Nội) khẳng định hiện tượng trẻ cho vay nặng lãi bắt nguồn từ việc trẻ bị ảnh hưởng từ các trò chơi trên mạng ăn tiền, rồi từ chính người lớn.
Cô Nguyễn Phương, giáo viên tiểu học nhìn nhận hiện tượng này của học sinh xuất phát từ thực tế xã hội đang diễn ra. Và đa phần các nhà giáo dục đều cho rằng về lâu dài, giáo viên khi dạy môn giáo dục công dân cần đổi mới về nội dung giảng dạy. Phải có những liên hệ từ thực tế để giúp học sinh có những suy nghĩ và hành động đúng đắn. Ví dụ như giúp học sinh hiểu cho vay nặng lãi là việc làm sai pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trong sạch như cấm bán hàng rong ngoài cổng trường.
Về phía gia đình cũng cần tạo cho trẻ những cái nhìn thực sự trong sáng.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)