Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giật mình với phí dịch vụ ngân hàng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều tài khoản ngân hàng gần đây bị trừ phí dịch vụ SMS gấp 5 – 7 lần so với trước, “ma trận” phí dịch vụ khiến nhiều người không khỏi “té ngửa”.

“Sụp hố” bị trừ dịch vụ SMS

Hàng loạt tài khoản Vietcombank (VCB) trong những ngày gần đây bị trừ tiền phí dịch vụ SMS mà chủ tài khoản “giật mình vì tưởng nhìn nhầm” bởi số tiền cao. Chị Trang (Q.12, TP.HCM) cho biết chị nhận được thông báo từ VCB trừ tiền phí dịch vụ 55.000 đồng cho 56 tin nhắn nhận trong tháng 1. Cứ tưởng nhìn nhầm 5.500 đồng nhưng nhìn kỹ lại thì chị Trang tá hỏa thấy chính xác là 55.000 đồng. Tìm hiểu lại, chị Trang mới biết nhà băng này thay đổi phí dịch vụ từ tháng 1. Ngay tức thì, chị Trang hủy sử dụng dịch vụ nhắn tin báo tự động SMS về số điện thoại theo cú pháp gửi tổng đài 6167. “Đang sung sướng vì VCB miễn các loại phí như thu phí tài khoản mặc định, phí duy trì dịch vụ, chuyển tiền từ hệ thống VCB, chuyển tiền 24/7… thì bị thu phí SMS nên cũng rất bất ngờ. Đáng nói hơn là thu quá cao, tôi cảm giác như bị sụp hố”, chị Trang lý giải về việc hủy dịch vụ tin nhắn tự động SMS.

Giật mình với phí dịch vụ ngân hàng - ảnh 1

Vietcombank tăng phí nhắn tin SMS khiến nhiều khách hàng “té ngửa”. T.X

Tương tự, chị Nguyễn Duyên (Q.7, TP.HCM) giật mình khi thấy tài khoản VCB bị trừ 77.000 đồng phí dịch vụ tin nhắn SMS tháng 1 mà không tin vào mắt mình. Chị Trang và chị Duyên chỉ là hai trong những chủ tài khoản VCB bị “bất ngờ” vì phí dịch vụ SMS trừ tiền cao. Hôm qua trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… hàng loạt chủ tài khoản chia sẻ bị trừ tiền từ 11.000 – 77.000 đồng/tháng. Những người bán hàng online, nhận tiền từ thiện… có nhiều tài khoản sử dụng cùng 1 số điện thoại, phí dịch vụ SMS báo về có khi lên đến 143.000 đồng/tháng.

Theo biểu phí điều chỉnh từ VCB, kể từ ngày 1.1.2022, nhà băng này áp dụng biểu phí lũy tiến theo số lượng tin nhắn thay vì mức 10.000 đồng/tháng như trước đây. Theo đó, nếu nhận dưới 20 tin nhắn, phí 10.000 đồng/tháng/số điện thoại; từ 20 đến dưới 50 là 25.000 đồng; từ 50 đến dưới 100 là 50.000 đồng; từ 100 tin nhắn trở lên là 70.000 đồng. Mức phí này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 10%.

Nhà băng này giải thích đây là biểu phí dịch vụ SMS chủ động, trong trường hợp khách không đồng ý có thể soạn tin nhắn để hủy dịch vụ và chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua OTT (dịch vụ OTT Alert) miễn phí. Dịch vụ OTT vẫn hỗ trợ thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ định kỳ, các thông tin dịch vụ, các chương trình ưu đãi và nhiều thông tin khác từ VCB trên ứng dụng VCB Digibank.

Đại diện VCB cho biết từ trước đến nay, mỗi tin nhắn khách hàng nhận được qua điện thoại, ngân hàng (NH) cũng phải trả phí cho nhà mạng, rồi từ đó NH thu lại từ phía khách hàng. Trong khi đó dịch vụ thông báo tin nhắn qua app VCB hoàn toàn miễn phí. Đây cũng là giải pháp ngăn chặn tình trạng giả mạo tin nhắn NH chèn vào thư mục thương hiệu mấy năm gần đây.

Miễn phí này, đánh phí khác

Theo thông tin từ Hiệp hội NH VN, các nhà mạng thu phí lại từ các doanh nghiệp, trong đó có các tổ chức tín dụng như sau: Mobifone và VinaPhone thu 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng; Viettel thu 500 đồng/tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn) và từ năm 2019, Viettel đã nâng mức cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính. Còn Vietnamobile, Beeline thu 280 – 400 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng, truyền thông không yêu cầu bảo mật, gửi tức thì. Riêng với khách hàng cá nhân, Viettel thu 100 – 300 đồng/SMS, VinaPhone thu 99 – 350 đồng/SMS, Mobifone thu 200 – 350 đồng/SMS.

Hiệp hội NH VN ước tính hiện nay một tổ chức tín dụng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15 – 20 triệu tin nhắn/tháng, một tổ chức tín dụng quy mô lớn phát sinh khoảng 50 – 80 triệu tin nhắn/tháng. Với mức giá cước phí tin nhắn rất cao như nêu trên, các tổ chức tín dụng khi đã áp dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng đều phải bù lỗ khi phải trả chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông. Ước tính chi phí viễn thông cả hệ thống các tổ chức tín dụng phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi tháng. Các NH lớn dao động từ 200 – 400 tỉ đồng/năm. Hiệp hội NH đã nhiều lần kiến nghị Bộ TT-TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính NH nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì việc miễn, giảm phí cho khách hàng trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Dù vậy, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét VCB tăng mức phí SMS 5 – 7 lần so với mức cũ là vô lý bởi xu hướng giảm phí dịch vụ chuyển tiền về 0 để tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (hệ số Casa). NH nào Casa càng lớn thì chi phí huy động vốn càng thấp, từ đó có dòng vốn rẻ để cho vay. Cái nọ bù cái kia chứ không thể nói là lỗ. Ở góc độ thị trường, việc VCB tăng phí cao đang mở ra cho các NH nhỏ áp dụng miễn phí dịch vụ cơ hội trong cuộc chạy đua giảm phí về 0 để thu hút tiền gửi không kỳ hạn.

Thực tế, trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều NH lao vào chạy đua phí miễn phí chuyển khoản 0 đồng nhằm thu hút vốn rẻ (lãi suất khoảng 0,1 – 0,2%/năm). Thế nhưng miễn phí này thì khách hàng lạc vào “rừng” các loại phí khác. Chẳng hạn, phí phát hành lần đầu từ miễn phí đến 100.000 đồng tùy NH, phí thường niên từ miễn phí đến 100.000 đồng, phí quản lý tài khoản từ 2.000 – 15.000 đồng, phí duy trì dịch vụ internet từ miễn phí đến 10.000 đồng, phí cấp lại thẻ, phí nhận thẻ nhanh, phí cấp lại PIN, phí tra soát…

Ông Nguyễn Hữu Huân thừa nhận các NH đưa ra quá nhiều biểu phí, như một “ma trận” nên nhiều khi khách hàng không đọc, nhân viên không tư vấn, đến khi tài khoản khách hàng bị trừ, lúc đó mới “té ngửa”. Về phía nhà mạng điện thoại, việc duy trì mức thu phí tin nhắn quá cao, đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng cũng là khách hàng lớn của họ thì việc NH dùng giải pháp khác cũng là điều không tránh khỏi.

Theo Thanh Xuân/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)