Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Giấu ba mẹ, âm thầm thành sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện của Mai Thị Thúy quê ở xã Tam Mỹ Đông (huyện Núi Thành, Quảng Nam) giấu gia đình làm hồ sơ thi ĐH rồi… đậu, khi vỡ lở đã khiến cả gia đình trào nước mắt.

Mai Thị Thúy (phải) cùng bạn đến lớp – Ảnh: Phan Thành

Lý do không cho con học lên cao của nhà Thúy là vì sợ con khuyết tật (Thúy bị khuyết mống mắt bẩm sinh) mà học xa thì khổ cho Thúy. Lại nữa, nhà quá nghèo, người cha bị u não nặng, sau Thúy còn hai người em đang tuổi lớn…

“Suy đi nghĩ lại, nếu ở nhà sẽ làm gánh nặng cho ba mẹ, rồi không có tương lai thì chẳng biết làm gì cho bản thân, giúp ích cho gia đình” – Thúy kể. Với số tiền dành dụm được, Thúy đón xe đi Đà Nẵng, ở nhờ tại một nhà thờ rồi dự thi đại học.

“Nghe tin con Thúy đậu ĐH lòng mừng mà cứ khóc hoài” – bà Đào Thị Thanh, mẹ Thúy, xót xa nhớ lại.

Bà kể thêm: “Cả nhà mấy miệng ăn đều trông vào 2 sào ruộng, tôi thì đụng chi làm đó. Thương con, tui chạy vạy hàng xóm vay được gần 3 triệu cho con ra Đà Nẵng nhập học. Nó đi một mình và nói tự lo được, mẹ đừng đưa đi mà tốn kém”.

Nay Thúy đã là sinh viên năm 2 ngành công tác xã hội, khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm Đà Nẵng, hiện vẫn đang ở nhờ. “Cực khổ mấy mình cũng chịu được, miễn sao được đến trường” – Thúy nói.

Thời gian gần đây, đôi mắt Thúy mờ nặng dần, đi lại, học hành vô cùng khó khăn. Nhiều bạn bè trong lớp kể lại mặc dù được ưu tiên ngồi bàn đầu nhưng Thúy vẫn không nhìn thấy, không ghi chép được.

Thế là Thúy mượn vở bạn bè về nhà, tranh thủ đêm hôm ngồi chép rồi học. “Nhiều lần đi học, đi chợ không nhìn thấy rõ đường nên bị ngã hoài, nhất là những ngày nắng chói hay mưa tầm tã” – Thúy cho biết.

Nhưng nỗi lo mù mắt khiến Thúy nghẹn ngào: “Bác sĩ nói nguy cơ khoảng 1-2 năm nữa mắt sẽ mù hẳn. Thế nhưng tiền ăn còn chưa đủ nên cũng không dám nghĩ tới chuyện thuốc thang”.

Dù nói vậy song quyết tâm học của Thúy vẫn không thay đổi: “Mình sẽ học cho đến ngày ra trường”. Nguyễn Thị Tường Vy, bạn học cùng lớp, là người thường xuyên giúp đỡ một số việc trong học tập, sinh hoạt của Thúy.

Thầy cô, bạn bè trong lớp biết hoàn cảnh cũng đã tạo điều kiện, giúp đỡ như để Thúy ngồi cạnh bục giảng, bàn giảng viên, in tài liệu với cỡ chữ lớn để Thúy dễ dàng nghe, đọc… Nhà trường cũng đã miễn toàn bộ học phí cho Thúy.

Nói về cô học trò, giảng viên Lê Thị Lâm, cố vấn học tập của Thúy, chia sẻ: “Gia đình nghèo khó, ở trọ học một mình với đôi mắt mờ dần nhưng em chưa bao giờ bỏ buổi học nào. Ngoài việc học, em còn tham gia các đội nhóm xã hội, đến các trung tâm khuyết tật để vui chơi cùng các em”.

Lo đôi mắt của mình sẽ mù, Thúy đã lên kế hoạch học chữ nổi Braille để sau này có thể bước tiếp. “Với mình, có thể khuyết tật thân thể nhưng không được khuyết tật suy nghĩ, nghị lực, tinh thần. Ước mơ của mình là trở thành một nhà công tác xã hội, đến với các trung tâm trẻ em khuyết tật. Trước để làm việc, kiếm tiền giúp chính bản thân mình, sau giúp đỡ gia đình và đặc biệt là những người có cùng hoàn cảnh thiệt thòi vượt lên số phận”, Thúy tự tin.

PHAN THÀNH 

(TTO)

Bình luận (0)