Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Giấu chồng, rút tiền tiết kiệm… sửa trường

Tạp Chí Giáo Dục

Để giúp trẻ sớm có một lớp học khang trang, sạch sẽ, cô Hiệu trưởng nhà trường đã giấu chồng đi rút 70 triệu đồng trong sổ tiết kiệm cho nhà trường mượn tạm để lát nền gạch hoa lớp học. Đó là cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Cô giáo Nguyễn Quốc Thư Trâm chăm sóc trẻ tại Trường Mầm non Bình Minh

1.Năm học 2011-2012, khi đang làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng Non, cô Thư Trâm được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh – một trong những điểm trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của quận Hải Châu lúc bấy giờ. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt ngày cô xuống thăm trường là một cơ ngơi khá cũ nát, bên ngoài hàng rào, nhiều người dân xả rác xà bần, phơi phóng quần áo rất lộn xộn. Sau nhiều trăn trở, cô quyết định nhận lời về với ngôi trường này.

Cô Trâm nhớ lại, năm học đầu tiên khi cô về nhận công tác, Trường Mầm non Bình Minh lúc ấy chỉ vỏn vẹn 13 GV đứng lớp, mặc dù có 100% GV đã được biên chế nhưng độ tuổi bình quân của đội ngũ GV khá cao (46 tuổi). “Cần trẻ hóa đội ngũ có trình độ đào tạo chính quy để tạo sự trẻ trung, năng động và sáng tạo trong nhà trường” là vấn đề đầu tiên cô nghĩ đến. Cô mạnh dạn đề nghị Phòng GD-ĐT quận xin hợp đồng thêm GV trẻ. Cùng với đó, trong các cuộc họp Ban Giám hiệu, cô đề xuất bố trí mỗi lớp đều có một GV dày dặn kinh nghiệm cùng một GV trẻ. Sự bố trí hợp lí này không chỉ tạo ra một luồng sinh khí mới trong lớp học mà còn tạo được niềm tin cho phụ huynh khi gửi con theo học tại đây. “Về trường, mình mất khoảng 1 tháng để kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất rồi tìm hiểu nguyện vọng của phụ huynh”, cô Trâm kể. Nhận thấy trường còn nhiều phòng chưa được dùng đúng, đủ chức năng, bỏ phí. Nhất là dãy phòng trên tầng lầu đều trống trơn, 8 cây đàn organ còn nguyên trong thùng, đồ dùng dạy học hầu như vẫn còn để nguyên, rất ít được sử dụng. Rồi các phòng thì không được lát gạch hoa, độ ẩm cao cứ đọng nước trên nền xi măng… những điều đó là một phần nguyên nhân cả ngôi trường còn nhiều phòng trống nhưng chỉ có 60 trẻ theo học. Tìm hiểu cô biết, đó chỉ là những trẻ con của các hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế tương đối khó khăn.

“Hạnh phúc nhất của người làm công tác giáo dục trong lĩnh vực chăm trẻ mầm non là nhận được niềm tin của phụ huynh, rồi cả sự khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tự lập của các cháu”, cô Trâm nói. 

2. Để thay đổi sự ảm đạm của công tác tuyển sinh, cô Trâm lăn lộn cùng Ban Giám hiệu nhà trường để thay đổi những điều chưa đạt. Thấy nền nhà ẩm thấp, cô quyết định tìm cách lát gạch hoa nền phòng học, hành lang của dãy nhà tầng trệt. “Kế hoạch là vậy nhưng khi trình UBND phường thì gặp vướng mắc bởi thời điểm gần cuối năm, ngân sách của phường không có dự trù cho khoản sửa chữa ấy. Trong khi trẻ cần được học và sinh hoạt ăn ngủ ở nơi đảm bảo sức khỏe”. Nhưng kinh phí đâu? Câu hỏi ấy thường xuyên xuất hiện trong ý nghĩ của cô. Rồi cô nghĩ đến khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng tích cóp bấy lâu. Chần chừ mãi, cuối cùng cô quyết định giấu chồng, mượn tạm đi lát gạch cho trường. Khoản tiền ấy, mãi đến 3 năm sau với nhiều chật vật, cô mới được hoàn trả và lại lặng lẽ làm cuốn sổ tiết kiệm mới về để lại ngăn kéo cũ của gia đình.

 “Sau 3 năm, sĩ số học sinh của trường từ 60 cháu đã lên đến 280 cháu với 9 nhóm lớp, trong đó khoảng 80% là con em thuộc tuyến phường”.

Chia sẻ về công tác chăm sóc trẻ, cô Trâm bộc bạch, GV đứng lớp nói chung và GV làm công tác chăm sóc trẻ nói riêng, trước hết phải có tinh thần trách nhiệm, cái tâm với nghề và tâm với trẻ. Việc chăm sóc trẻ xuất phát từ trái tim chứ không phải chỉ khi nào có phụ huynh vào mới tỏ ra quan tâm các cháu. Một khi GV làm việc đó, thể hiện tình yêu một cách tự nhiên thì họ sẽ nhận được niềm tin của phụ huynh. Bốn năm, một khoảng thời gian không dài để một ngôi trường còn nhiều khó khăn thay đổi, trở thành ngôi trường chuẩn. Cô Trâm bảo: “Điều đó không hề dễ, ngoài sự quan tâm hỗ trợ từ phía các ban ngành cấp trên, đội ngũ CB-CNV nhà trường làm việc với tần suất không hề nhỏ”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

 

Bình luận (0)