Tuy khó khăn nhưng các DN vẫn cố gắng thu xếp nguồn tài chính để thưởng tết cho người lao động.
Qua tìm hiểu, những ngành may mặc, giày da, điện tử… sử dụng hàng chục nghìn lao động sẽ duy trì mức thưởng tết bình quân một tháng lương và cao nhất là 2,2 tháng lương. Trong khi đó, ngành ngân hàng hằng năm có mức thưởng “khủng”, năm nay lại đang cân nhắc mức thưởng cho nhân viên.
Gồng mình lo thưởng tết
Dù công ty đang gặp nhiều khó khăn với các đơn hàng nhưng theo ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouyuen (100% vốn nước ngoài), chuyên sản xuất các thiết bị, dụng cụ thể thao, khoản thưởng tết năm nay sẽ cao hơn năm ngoái chút ít. Dự kiến trung tuần tháng 12, Pouyuen sẽ công bố khoản thưởng tết, mức thưởng dao động thấp nhất là một tháng lương (lương 2,6-3 triệu đồng/tháng) và cao nhất 2,2 tháng lương tùy thuộc vào cống hiến và thời gian làm việc của 75.000 lao động tại công ty. Theo ông Nghiệp, hiện công ty đã chuẩn bị gần 1.000 tỉ đồng để thưởng cho người lao động trong dịp tết.
Cũng định liệu khoản thưởng tết cho công nhân từ khá sớm, ông Huỳnh Lê Khanh, Giám đốc nhân sự Công ty Nissei Electric VN (vốn đầu tư Nhật Bản), chuyên sản xuất các thiết bị điện tử với khoảng 5.000 công nhân tại quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: “Mức thưởng tết năm nay cao nhất là hai tháng lương (lương bình quân 2,8 triệu đồng/tháng). Số tiền thưởng sẽ được đánh giá theo sự đóng góp của từng lao động, vào trung tuần tháng 12”.
Theo ông Khanh, cùng với tiền thưởng tết, năm nay công ty vẫn tiếp tục duy trì hỗ trợ 100% vé xe cho hàng nghìn công nhân về quê đón tết.
Dù gặp nhiều khó khăn về đơn hàng nhưng các doanh nghiệp giày da, may mặc, điện tử… duy trì mức thưởng tết 2013, thấp nhất một tháng lương, cao nhất là 2,2 tháng lương cho người lao động. Ảnh: P.ĐIỀN
Tương tự, đại diện Công đoàn Công ty TNHH Freetrend, chuyên về giày da với 10.000 công nhân cho hay: “Mặc dù chưa công bố chính thức, nhưng mức thưởng tết hằng năm cho công nhân đã được đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Trong đó mức thưởng bình quân cho nhân viên mới tròn một năm làm việc là một tháng lương, với nhân viên có trên 10 năm làm việc là hai tháng lương”.
Ngân hàng đắn đo thưởng tết
Các năm trước, nhìn vào khoản thưởng “khủng” cuối năm từ các ngành ngân hàng, công ty chứng khoán, bất động sản những lao động ngoài ba ngành này không khỏi chạnh lòng. Nhưng năm nay quản lý nhân sự từ một số ngân hàng thương mại đều than than phiền “cắt giảm nhân sự không hết nói gì đến thưởng tết “khủng”. Lẽ ra thời điểm này các ngân hàng đã rục rịch thông tin mức thưởng nhưng hiện vẫn “án binh bất động” về đề xuất khoản thưởng tết 2013.
Tương tự, bà Phan Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Quan hệ công chúng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nói: “Thông thường hằng năm Vietcombank không có khoản tiền thưởng tết, mà có thưởng cũng chỉ là một khoản tượng trưng. Còn các nguồn thu nhập, thưởng từ công việc, doanh số kinh doanh mà nhân viên đạt được thì làm căn cứ tính vào tiền lương”.
Cũng lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính, giám đốc một công ty chuyên về cho thuê lại lao động (bảo vệ) với hàng trăm lao động đắn đo: Hiện tại chúng tôi đã nỗ lực hết sức để trả lương cho người lao động, với mức bình quân 3,5 triệu đồng/tháng. Chưa kể chúng tôi phải trả lương gấp ba ngày thường cho người lao động trong những ngày tết. Dù khó khăn nhiều nhưng chúng tôi cũng phải lo tết cho người lao động để họ gắn bó lâu dài với mình. “Nếu tình hình tài chính khả quan, các đơn vị thanh toán hợp đồng đúng hạn, chúng tôi sẽ thưởng một tháng lương, còn bí quá thì 500.000 đồng/người” – vị này tính toán.
Tiền lương ở Việt Nam tăng 26,8% năm
Báo cáo lương toàn cầu năm 2012-2013 được Tổ chức Lao động Quốc tế – ILO vừa công bố ngày 7-12, tăng trưởng lương trên toàn thế giới ở mức thấp hơn nhiều so với thời điểm trước khủng hoảng. Mức lương tháng trung bình trên thế giới tăng 1,2% năm 2011, giảm 3% so với 2007 và 2,1% so với 2010. Còn tại Việt Nam, tiền lương danh nghĩa trung bình tăng 26,8% mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010. Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, tiền lương thực tế vẫn tăng 12,6% hằng năm.
Báo cáo phân tích trong khi tăng trưởng lương toàn cầu tăng với tốc độ thấp hơn tăng năng suất lao động thì tại Việt Nam tốc độ tăng trưởng tiền lương danh nghĩa và thực tế ở Việt Nam lại cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất ba lần.
Theo ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam, Việt Nam cần các chính sách tập trung vào gần 60% lực lượng lao động thuộc bộ phận kinh tế phi chính thức với năng suất lao động thấp, ít được bảo vệ và thu nhập thấp. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo về chênh lệch mức lương theo giới ngày càng gia tăng ở Việt Nam, với mức chênh lệch gần 2%. Ông Sziraczki khuyến nghị: “Trừ khi phụ nữ được trả lương bình đẳng với nam giới cho những đóng góp của họ ở nơi làm việc, Việt Nam sẽ khai thác được những tiềm năng to lớn của một nửa lực lượng lao động này”.
100/1.000 DN thuộc Hepza đã có báo cáo thưởng tết
Các DN này có từ vài chục đến hàng nghìn lao động. Trong khi đó, Ban Quản lý Các KCX-KCN TP.HCM-Hepza quản lý đến 1.000 doanh nghiệp. Lý giải về điều này bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý lao động, cho hay do thời hạn cuối để báo cáo lương, thưởng tết là ngày 10-12 nên trước mắt Hepza sẽ tổng hợp nhanh các đơn vị đã gửi trước. Các DN còn lại vẫn phải tiếp tục báo cáo.
|
PHONG ĐIỀN
Pháp Luật TP
Bình luận (0)