Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giấy phép dạy nghề sơ cấp nhưng tổ chức dạy ĐH quốc tế: Kỳ 1: Lừa từ lúc còn trong “trứng nước”

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên lớp SBA 11 của Nam Việt bị hẹn lần hẹn lữa việc nhận bằng ĐH liên kết từ một năm nay

Mới bắt đầu vào học năm 3 hệ CĐ nhưng rất nhiều sinh viên (SV) đã được thầy dạy của mình thủ thỉ, mời gọi: Sau khi tốt nghiệp CĐ hãy về học liên thông để lấy bằng ĐH quốc tế Thụy Sỹ!
Quá tin tưởng khi thấy đây là cơ hội không thể tốt hơn, 14 SV lớp SBA 11 đã đăng kí theo học chương trình này với mức học phí 4.900 đô la Mỹ/khóa/năm. Hồ sơ xét tuyển nhanh chóng được phê duyệt và được mời tham gia tư vấn, hội thảo… sau đó được một “ông Tây” nhận là người đại diện của trường ĐH quốc tế này trao giấy chứng nhận, dù trên giấy có chữ kí nhưng không đóng dấu.
Công ty TNHH “hô biến” thành trường CĐ
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp hệ CĐ tại FMIT, nhiều SV được giới thiệu sang Trường Q Learning School, sau này đổi tên thành Trường Đào tạo Nghiệp vụ Thương mại Nam Việt (gọi tắt là NV) để học chương trình liên thông ĐH do NV liên kết đào tạo với Trường ĐH Swiss International University (SIU) của Thụy Sỹ. Sau khi tốt nghiệp SV sẽ được cấp bằng quốc tế Thụy Sỹ, đào tạo theo hệ thống tín chỉ và không phải thi tốt nghiệp.
Thế rồi, gần 1 năm theo học, 14 SV Khoa Quản trị kinh doanh hệ ĐH Quốc tế Thụy Sỹ bắt đầu thấy chương trình liên kết này có vấn đề. Thứ nhất là dù đã vào học chính thức nhưng tờ giấy chứng nhận của SIU chỉ có chữ kí mà không có đóng mộc!? Hơn nữa, họ cũng chưa hề được tiếp xúc với bất kỳ văn bản nào ký kết về liên kết đào tạo quốc tế giữa NV và SIU như quảng cáo. Không những thế, SV còn phản ánh: Điểm số của nhà trường thiếu minh bạch, rõ ràng và có nhiều khúc mắc đến khó hiểu.
“Ném lao phải theo lao”, 14 SV đã “trót dại” nộp hồ sơ và học phí tại NV chỉ còn biết chờ đợi và theo học. Nhưng đến tháng 11-2012, 14 SV này vẫn không được nhận bằng tốt nghiệp như cam kết, SV bắt đầu hoang mang và có ý kiến cũng như gửi nhiều “tâm thư” tới Ban lãnh đạo của NV. Trong đó có SV L.H.V và H.T.N.T. Rất nhiều lần V. và T. trực tiếp gặp ông Vũ Hồng Tiến – Giám đốc điều hành của NV để hỏi cho ra vấn đề nhưng ông Tiến trù trừ chỉ trả lời vòng vo hẹn lần hẹn lữa.
Lý giải cho quyết định theo học tại NV, L.H.V hối hận: “Đang học năm cuối của FMIT, tôi và một số bạn được ông Vũ Hồng Tiến thuyết phục: Các em học xong hệ CĐ nếu muốn học liên thông để lấy bằng ĐH quốc tế Thụy Sỹ, thầy sẽ giới thiệu sang học tại Q Learning School sau này đổi tên là NV”. Tiếp lời, chị H.T.N.T bức xúc: “Dù sao ông Tiến cũng là thầy dạy chúng tôi, vậy không tin thầy giáo của mình còn tin ai. Do đó, khi tốt nghiệp hệ cao đẳng tại FMIT là chúng tôi nộp hồ sơ ngay mà không kiểm tra thông tin hay văn bản nào có cho phép “trường” này được đào tạo hệ ĐH quốc tế hay không?”. H.T.N.T bật mí: “Vào học, tôi và một số bạn mới biết Q Learning School là công ty của ông Huỳnh Lê Cát Hân và ông Vũ Hồng Tiến góp vốn thành lập”.
Điều đáng nói là trong quyết định số 0310658737 ngày 2-3-2011 của Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp cho Công ty TNHH MTV Đào tạo Nghiệp vụ Thương mại Nam Việt (100A – Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, TP.HCM) do ông Vũ Hồng Tiến làm đại diện chỉ là đơn vị được đăng ký hoạt động dạy nghề và chỉ được dạy nghề ngắn ngày và sơ cấp. Thế nhưng trên website: www.namvietcollege. edu.vn, NV đã tự phong cho mình là trường CĐ và in hoành tráng trên các tờ rơi và name card.
Ai cấp phép?
Khi chúng tôi hỏi: NV có được Bộ GD-ĐT cấp phép cho liên kết đào tạo hệ liên thông hệ ĐH với các trường ĐH quốc tế hay không, trả lời vòng vo rồi ông Tiến lý giải: “Lớp SBA 11 thuộc chương trình đào tạo ĐH từ xa do NV liên kết với SIU tổ chức đào tạo, bằng cấp sẽ do phía SIU cấp, học phí 4.900 USD/1 năm do phía SIU ấn định. Điều kiện để được cấp bằng là SV hoàn thành tất cả các môn học, có bằng IELTS 5.5. Cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3/14 SV đủ điều kiện và nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 14-9 sắp tới! Số còn lại hầu hết đã hoàn thành xong tất cả các môn học nhưng chưa có bằng IELTS nên chưa đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp”. Ông Tiến lý giải thêm: “Những SV tố cáo NV là những SV có cá tính, luôn muốn mọi người phải thực hiện theo yêu cầu của họ, trong khi họ luôn lơ đễnh trong việc học tập. Đi học bữa có bữa không, vào lớp để giảng viên hỗ trợ học tập thì đeo phone nghe nhạc, chát với bạn bè hay chơi game… đến khi không nhận được bằng thì lại lên tiếng nói những điều không đúng thực tế. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời lẽ đe dọa của những SV này và những SV này cũng không tiếc lời lẽ thô tục với bạn bè trong lớp khi không lôi kéo được những SV này về với các bạn ấy”.
Vấn đề đặt ra là việc NV – một công ty TNHH được cấp phép đào tạo nghề ngắn hạn và sơ cấp thì có được phép liên kết đào tạo ĐH hay không? Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Lưu Đức Tiến – Phó trưởng phòng GDCN và ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: Qua thông tin từ đơn thư tố cáo của SV đang theo học, chúng tôi sẽ có báo cáo gấp gửi Giám đốc sở, sau đó sẽ tổ chức đoàn thanh tra xuống làm việc với NV. Nếu đúng thực tế NV không được Bộ GD-ĐT cấp phép cho liên kết đào tạo ĐH quốc tế, Sở GD-ĐT sẽ kiến nghị với cấp trên có biện pháp mạnh để xử lý nghiêm”. Còn ông Nguyễn Thành Hiệp – Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM một lần nữa khẳng định: “Công ty TNHH MTV Đào tạo Nghiệp vụ Thương mại Nam Việt (tự phong thành Trường CĐ Nam Việt – PV) chỉ có chức năng đào tạo nghề, nghiệp vụ sơ cấp đơn giản và không có chức năng đào tạo TCCN, CĐ và liên kết đào tạo trình độ ĐH như quảng bá”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)