Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giây phút chuyển mình của lịch sử đất nước

Tạp Chí Giáo Dục

Với việc Vua Bảo Đại thoái vị, kết thúc triều Nguyễn, nhà nước Cộng hòa dân chủ lãnh đạo quản lý đất nước, các triều đại phong kiến Việt Nam kết thúc, mở ra chương mới của lịch sử nước ta.

Ngay từ sáng 23/8/1945, Nguyễn Xuân Dương Chánh văn phòng bộ Nội vụ của chính phủ Trần Trọng Kim được đại diện Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế là ông Tôn Quang Phiệt giao làm nhiệm vụ đem “tối hậu thư” cho vua Bảo Đại, đòi nhà vua trao trả chính quyền cho nhân dân và hứa: Sẽ đảm bảo tính mạng, tài sản cho Hoàng gia với các điều kiện:

Nhà vua phải giao lại cho Chính quyền cách mạng đội lính khố vàng, với tất cả trang bị, vũ khí, khí tài, đạn dược.

Nhà vua phải báo cho Nhật biết là Triều đình đã trao trả quyền binh cho chính quyền cách mạng.

Nhà vua phải điện ra lệnh cho tất cả các Tỉnh trưởng phải giao chính quyền cho cách mạng, tức là cho Việt Minh.

Bản tối hậu thư hạn cho nhà vua phải trả lời trước 13 giờ 30’ ngày 23/8/1945 và cử ông Phạm Khắc Hòe là Đổng lý ngự tiền Văn phòng Bảo Đại làm “liên lạc” giữa nhà vua và chính quyền cách mạng.

Phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cánh mạng (1930 – 1931), cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đúng giờ Ngọ cùng ngày, Nội các chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đã họp dưới quyền chủ tọa của Bảo Đại, và đã chấp nhận các điều kiện của Việt Minh nêu trong bức tối hậu thư, và nhanh chóng thông qua “chiếu thoái vị” của nhà vua, do ông Phạm Khắc Hòe dự thảo. Bảo Đại cũng phê chuẩn ngay.

“Chiếu thoái vị” được niêm yết ngay tại Phu Văn Lâu, đồng thời sao gửi tới các Khâm sai Đại thần ở Bắc Bộ, Nam Bộ và các viên Tỉnh trưởng ở Trung Bộ.
Ngay trong đêm 23/8/1945, vua Bảo Đại đã nhận được bức điện của Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ từ Hà Nội đánh vào, trong đó nêu rõ:

“Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập, Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh, yêu cầu Nhà vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà (đã có 4 vị cùng ký tên trong bức điện lịch sử này, gồm ông Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tom và Hồ Hữu Tường).

Bàn giao ấn kiếm

Ngày 23/8/1945 khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thừa Thiên (nơi có kinh đô Huế) giành thắng lợi hoàn toàn, đến ngày 28/8/1945 đã căn bản kết thúc cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Năm ngày sau đó (29/8/1945), nhân dân Huế tổ chức mít tinh trọng thể ở sân vận động để nghênh đón các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận trong phái đoàn Chính phủ từ Hà Nội vào. Nhân sự “thoái vị” của Bảo Đại, ông vua thứ 13 của Triều Nguyễn đã tồn tại 143 năm kể từ năm 1802 khi Gia Long đánh đổ Nhà Tây Sơn, lập lên triều Nguyễn.

Đúng 16 giờ chiều ngày 30/8/1945, xe của Phái đoàn Chính phủ cách mạng tiến thẳng vào cửa chính giữa Ngọ môn, trước tiếng hoan hô nhiệt liệt của hơn 5 vạn nhân dân nội ngoại thành Cố đô Huế.

Trước sự hiện diện của phái đoàn Chính phủ lâm thời và hàng vạn người dân trong buổi lễ thoái vị, Bảo Đại đã đọc tờ “Chiếu thoái vị” một cách xúc động, có lúc tắt cả tiếng:

“Hạnh phúc của dân Việt Nam độc lập của nước Việt Nam, muốn đạt được mục đích ấy, trẫm đã tuyên bố trẫm sẵn sàng hy sinh hết tất cả mọi phương diện, và cũng vì mục đích ấy, nên trẫm muốn sự hy sinh của trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.

Xét thấy điều bổ ích nhất cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, trẫm đã tuyên bố ngày 22/8 vừa rồi rằng, trong giờ nghiêm trang này đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.

Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của Quốc dân Bắc Bộ lên quá cao, nếu trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc hội thì không thể tránh khỏi nạn “Nam Bắc phân tranh” đã thống khổ cho quốc dân lại thuận lợi cho người ngoài lợi dụng, cho nên mặc dầu trẫm hết sức đau đớn, nghĩ tới công lao liệt thánh, vào sinh ra tử trong gần 400 năm (kể từ thời Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng khai cơ – tác giả) để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hóa đến Hà Tiên, mặc dầu trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm (1926 – 1945 – tác giả) mới gần gũi được mấy tháng (kể từ ngày 11/3/1945), Bảo Đại ra đạo dụ về cái gọi là “Tuyên cáo Việt Nam độc lập” – tác giả) chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng trẫm muốn, trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền quốc dân lại cho một Chính phủ Dân chủ cộng hòa.

Trong khi trao quyền cho chính phủ mới, trẫm chỉ mong ước có ba điều sau đây:

– Đối với Tôn Miếu là lăng tẩm của Liệt thánh, Chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.

– Đối với các Đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, trẫm mong chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hòa xử trí để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng Chính phủ Dân chủ cộng hòa nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.

– Đối với quốc dân, trẫm khuyên hết tất cả các giai cấp, các đảng phái cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính phủ Dân chủ, giữ vững nền độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến trẫm và hoàng gia mà sinh ra chia rẽ.

Còn về phần riêng trẫm, sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của trẫm hay của hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa.

Việt Nam độc lập muôn năm
Dân chủ cộng hòa muôn năm”

Khi Bảo Đại vừa dứt lời, thì trên kỳ đài lá cờ vàng (Quẻ ly) của Nhà vua từ từ hạ xuống, và lá Cờ đỏ Sao vàng 5 cánh được kéo lên giữa những tiếng hoan reo như sấm, 21 phát súng lệnh vang lên chào Quốc kỳ mới của Tổ quốc. Cùng lúc đó, Bảo Đại đưa 2 tay lên trao cho ông Trần Huy Liệu, Trưởng phái đoàn Đại biểu Chính phủ chiếc “Quốc ấn” bằng vàng nặng trên 1 kg và thanh “Quốc kiếm” để trong vỏ bằng vàng nạm ngọc.

Bước tất yếu trên con đường lịch sử

Nhận ấn kiếm xong, ông Trần Huy Liệu đại diện Chính phủ Dân chủ cộng hòa đọc lời phát biểu tiếp nhận sự thoái vị của nhà vua, ông nói:

“Anh chị em đồng bào!

Lịch sử nước ta đã tới một giai đoạn mới: Chính phủ đế chế phải nhường chỗ cho chính thể Dân chủ cộng hòa. Đó là nguyện vọng chung của toàn thể quốc dân và là bước tất nhiên trên con đường lịch sử.

Một điều mà chúng ta phải nhận là: Chính phủ Dân chủ cộng hòa không phải tự nhiên đem lại cho quốc dân ta, mà là do sức đấu tranh lâu dài của bao chiến sỹ và dân chúng mấy chục năm nay.

Cuộc đấu tranh giành cho được nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn đi kèm luôn luôn với cuộc tranh giành quyền độc lập cho xứ sở. Đã có bao nhiêu con yêu của chủ nghĩa dân chủ bị hy sinh vì lý tưởng rộng rãi và cao thượng của mình, vì quyền lợi tối cao của quốc dân, cho đến nay chính quyền đã về tay nhân dân cùng với cuộc độc lập của đất nước.

Nhưng trong chỗ thực hiện chính thể Dân chủ Cộng hòa ngày nay, một điều đặc biệt đã đánh dấu vào đó là: Thể chế nguyện vọng chung của quốc dân và thuận theo bước tiến hóa của lịch sử, chính vua Bảo Đại đã tự nguyện thoái vị, trao trả “Quốc quyền” cho Chính phủ lâm thời, đại biểu cho quốc dân trong lúc này, và theo lời tuyên bố chính Nhà vua cũng yêu cầu Dân chủ, sắp hàng vào mặt trận Dân chủ với toàn thể quốc dân.

Hôm nay, thay mặt Chính phủ lâm thời, chúng tôi nhận sự thoái vị của nhà vua, và nhận “Quốc quyền” của Nhà vua giao trả cho nhân dân từ ngày hôm nay: 30 tháng 8 dương lịch, nước Việt Nam đã trở nên nước Cộng hòa Dân chủ, một kỷ nguyên mới của lịch sử nước nhà…

Ngày 30/8/1945 vua Bảo Đại thoái vị trao trả quốc quyền, ấn kiếm cho Nhà nước Cộng hòa Dân chủ, là ngày cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn tồn tại 143 năm qua 2 thế kỷ (và cũng là ngày kết thúc các triều đại phong kiến Việt Nam). Một ngày lịch sử vô cùng trọng đại của dân tộc Việt Nam anh hùng, ngàn năm văn hiến, thuận theo bước tiến hóa của lịch sử, phù hợp quy luật phát triển của xã hội loài người.

Bảo Đại ông vua thứ 13 của nhà Nguyễn thoái vị trở thành công dân Vĩnh Thụy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bố trí làm Cố vấn của Chính phủ năm 32 tuổi, một việc làm đầy tính nhân đạo, bao dung, vị tha của chính thể mới.

Về sau, Vĩnh Thụy “dinh tê” vào tề, đến năm Kỷ Sửu (1949) lại được Pháp cho làm Quốc trưởng vùng tạm chiếm. Đến năm 1955 bị bọn Mỹ – Diệm phế truất, Vĩnh Thụy lại sang sống lưu vong tại Pháp hơn 4 thập niên, đến năm Đinh Sửu (1997) thì qua đời tại Pháp.

Theo Giàng A Xênh/ TTXVN
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)