Đã đến với những lớp học ở tận Cà Mau cực Nam hay Lũng Cú cực Bắc, ngay cả những lớp học giữa trùng dương, trên quần đảo Trường Sa, nhưng chưa bao giờ chúng tôi xúc động đến thế khi chứng kiến chuyện học hành ở A Pa Chải – nơi cực Tây đất nước.
Các em học sinh dân tộc Giáy vẽ cô giáo thân yêu của mình. Đó là cô Chương Thị Yên, 26 tuổi, nhà ở P.Ngọc Hà, TP Hà Giang, tháng 9-2010 đã tình nguyện lên cắm bản dạy học cho các em nhỏ ở bản Thuồng Luồng 2, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang – Ảnh: LÊ NGÂN GIANG |
A Pa Chải (xã Xía Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là địa danh được nhắc đến khi nói về điểm cực Tây của VN, nhưng thật ra bản làng ở cực Tây lại có tên là bản Tá Miếu, được tách ra từ bản A Pa Chải tám năm trước. Từ lớp học ở bản Tá Miếu, theo đường chim bay chỉ cách cột mốc số 0 – ngã ba biên giới VN – Lào – Trung Quốc – chừng hai cây số.
Tương lai bắt đầu từ câu hát vỡ lòng…
Tiếng hát bi bô của những em bé Hà Nhì vọng ra từ ngôi lán tranh nứa lụp xụp giúp chúng tôi nhận ra đó là một… lớp học mẫu giáo, bởi nếu đứng bên ngoài nhìn chắc chắn không ai nói đấy là một ngôi trường. Người đang dạy các em tập hát là cô giáo Vi Thị Hiệu, dân tộc Tày, quê tận huyện Lộc Bình, Lạng Sơn. Trong túp lều làm lớp học ấy, “sang trọng” hơn cả là tấm vải nhựa giả gạch hoa được trải ra trên nền.
Tấm nhựa trải nền ấy cho bàn chân trần của mười đứa trẻ trong lớp đỡ lạnh, quanh vách nứa vẫn có bảng bé ngoan và khá nhiều đồ chơi cho các em. Những từ tiếng Việt đầu tiên hằn lên trí nhớ của những em bé Hà Nhì nơi miền cực Tây này đã bắt đầu từ sự gian nan gieo chữ của những giáo viên như cô giáo Hiệu. Chúng tôi đứng tần ngần rất lâu nhìn cô Hiệu dạy các em học số đếm, những tiếng bi bô thơ dại với âm sắc Hà Nhì bắt đầu đọc tiếng Việt nghe yêu đến lạ: một bông hoa, hai quả táo, ba con bướm…
Cảm động trước những nỗ lực vượt khó, khát vọng học hành của học sinh xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), báo Tuổi Trẻ cùng bộ đội biên phòng đồn biên phòng A Pa Chải đã tặng 1.000 cuốn vở cho các em học sinh nơi đây. Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ cũng có nhiều phần quà tặng giáo viên và cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào.
(Mời bạn đọc xem thêm phóng sự trên truyền hình Tuổi Trẻ: tuoitre.vn)
|
Từ những tiếng Việt đầu tiên ấy, chỉ vài năm sau các em có thể bắt đầu với những bài học về lịch sử của đất nước, dân tộc mình. Như bây giờ trong túp lều làm lớp mẫu giáo này, nhìn chếch qua bên trái chừng 20m là một túp lều khác, ở đó tiếng giảng bài của thầy giáo Phạm Ngọc Quý vang lên trong ánh nắng ban mai vàng óng miền cực Tây.
Thầy Quý đang dạy lịch sử cho học sinh lớp 4, trên bảng in nét phấn tên bài học “Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (năm 938)”. Vừa gặp những em bé Hà Nhì đang bập bõm những tiếng Việt đầu tiên ở lớp mẫu giáo của cô Hiệu, rồi nghe những học sinh của thầy Quý trả lời rất rõ ràng những câu hỏi về bài lịch sử, có chút gì thật ấm áp nhen lên trong mỗi chúng tôi giữa tiết trời se lạnh biên thùy.
Lớp 4 của thầy Quý dạy ở Tá Miếu có số học sinh đông nhất nên được học riêng, còn các lớp khác phải học ghép. Thầy Quàng Văn Toàn, phụ trách điểm trường Tá Miếu, lớn tuổi nhất trong các giáo viên ở đây (dù thầy sinh năm 1980), đang dạy ghép hai lớp 1 và lớp 2. Hai lớp 3 và 5 cũng học ghép do thầy Nguyễn Văn Thảo dạy.
Thầy Thảo, quê tận Bắc Ninh, chỉ mới 23 tuổi nhưng đã có ba năm đứng lớp nơi đây. Thầy Toàn viết xong phần học vần cho các em lớp 1 lại quay sang phía kia ra đề toán cho lớp 2. Phòng bên kia, thầy Thảo cũng vậy, hết đứng đầu này lại quay về phía cuối phòng.
Cô giáo Vi Thị Hiệu và các học sinh mầm non ở bản Tá Miếu trong ngôi trường mái tranh trống hoác – Ảnh: Đà Trang
|
Những gian nan không nói hết
Tranh thủ gặp thầy Bùi Văn Thủy, hiệu trưởng Trường tiểu học xã Sín Thầu, thầy bảo: “Không nói các nhà báo cũng đã nhìn thấy nỗi khó khăn của trường lớp nơi đây hiện rõ cả kia rồi, mà cả xã Sín Thầu có thêm mấy điểm trường, còn gian nan hơn cả Tá Miếu.
Thầy nói phòng học là túp lều “lộng gió bốn phương” như nơi lớp 4 đang học về mùa hanh khô như thế này còn đỡ. Vào mùa mưa phải dùng bạt quây kín lại để chống rét cho các em, mà quây bạt lại chống rét thì không đủ ánh sáng cho các em học. Nơi đây vẫn chưa có điện, điện thoại. Nhưng dù sao Tá Miếu vẫn còn thuận lợi hơn nhiều bản khác.
Cũng thuộc xã Sín Thầu này có bản Lỳ Mà Tá nằm sát cột mốc số 6 trên biên giới Việt – Trung, cách trung tâm xã 18 cây số, đường vào chỉ đi xe máy được một đoạn, muốn đến bản chỉ có thể đi bộ. Lỳ Mà Tá có chín hộ dân và… bảy học sinh học ghép hai lớp nhưng vẫn có một giáo viên cắm bản ở đấy. Ở bản Tả Kô Ky cũng có bảy học sinh với hai lớp học như thế. Làm sao có thể kể hết những câu chuyện tương tự từ hàng trăm bản làng nơi biên ải cực Tây của Tổ quốc?
Đừng nghĩ rằng dạy học nơi hẻo lánh này chỉ là chuyện dạy vì nghĩa vụ. Thầy Thảo bảo mỗi sáng đến trường dạy xong, chiều lại phụ đạo thêm cho các học sinh. Năm thầy Thảo vừa lên đây, phải dành cả mùa hè để ôn tập cho các em bởi khi đó chưa có hệ mầm non, tiếng Việt của các em rất yếu.
Túp lều làm Trường mầm non Tá Miếu được ngăn làm hai. Bên này là lớp học, bên kia là chỗ trọ cho cô giáo Hiệu. Một chiếc gường nhỏ vừa làm ghế cho cô ngồi soạn bài bên chiếc bàn gỗ lung lay, không có tủ áo quần, tất cả treo tạm trên cây sào tre góc phòng, dưới cái chạn gỗ nhỏ là mấy hũ măng ớt, thực phẩm của cô giáo trong những ngày cắm bản.
Thầy cô giáo ở đây cả năm ai cũng chỉ hai lần về tết và hè mà có khi cũng ngại về vì đường sá mấy năm trước chủ yếu là đi bộ, chỉ mới khá lên được từ đầu năm nay. Đường từ Tá Miếu ra huyện lỵ Mường Nhé chỉ 70 cây số, không có ôtô khách nên trước đây thầy cô vào bản phải đi bộ mất cả tuần. Cái câu nói “đi bộ mất một tuần” nghe nhẹ bẫng vậy thôi, nhưng chắc chắn gian nan khôn kể xiết! Có lẽ nếu kể ra sự gian khó của những con đường từ cực Tây về xuôi, chúng tôi e rằng chữ nghĩa không thể diễn đạt được.
Cứ thử một chuyến lên đây, nhồi xóc trong những chuyến xe khách chật chội và lội bộ mươi cây số đường rừng sẽ hiểu hết những gì những thầy cô đi “trồng người” nơi cực Tây này đã và đang gian nan chịu đựng. Cô giáo Bùi Thị Hiên, hiệu phó Trường mẫu giáo xã Sín Thầu, quê ở Hòa Bình, bảo đi ôtô khách bị say xe, thế là có lần cô liều mạng chạy xe máy từ đây về tận Hòa Bình qua quãng đường núi hơn 600 cây số!
Suốt mấy ngày sống ở A Pa Chải, không điện, không điện thoại, không Internet, không sách báo…và leo lên được đỉnh cột mốc số 0 ở ngã ba biên giới, chúng tôi nghĩ mình đã trải nghiệm được nhiều lắm, thử thách thế cũng ghê lắm, nhưng hóa ra điều ấy lại là chuyện thường ngày từ bao nhiêu năm nay của các thầy cô cắm bản ở A Pa Chải, tại Tá Miếu này.
L.Đ.DỤC – Đ.BÌNH – T.ĐỨC/ TTO
Bình luận (0)