Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Gieo chữ trên đảo xa

Tạp Chí Giáo Dục

“Trường học là gia đình, học trò là con, làm sao không yêu, không nhớ”. Cô giáo Phạm Thị Tuyết Loan giải thích như thế về mối lương duyên đã gắn kết cô 15 năm với đảo xa.
 
Từ thị trấn Cần Giờ phải mất 45 phút đi đò để đến xã đảo Thạnh An, từ đây thêm một chặng đò nữa mới qua đến ấp Thiềng Liềng- một cù lao ngập mặn nghèo khó của TPHCM. Ở đây, bao thế hệ học trò luôn nhắc đến cô giáo Phạm Thị Tuyết Loan với một sự trân trọng hiếm thấy.

Cô giáo Phạm Thị Tuyết Loan và học trò ấp Thiềng Liềng
Đi thì nhớ, ở thì thương
Ấp Thiềng Liềng có khoảng gần 200 hộ dân sinh sống bằng nghề biển hoặc mò cua, bắt ốc, làm muối.
Ông Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, cho biết trường có 368 học sinh thì đã có 280 em sống trong gia đình diện xóa đói giảm nghèo, riêng phân hiệu ấp Thiềng Liềng có 52 em. Nhiều em đến trường không có dép, xe đạp và hầu hết phải học sách cũ.
Đến xã Thạnh An, nhắc đến cô Loan ai cũng biết. Cô giáo Lê Thị Ngọc Giàu, đồng nghiệp của cô Loan, cho biết những ngày đầu ra đây công tác, các cô giáo trẻ đều được cô Loan động viên, hướng dẫn tận tình như một người chị cả trong gia đình.
Trước khi về dạy học ở Thạnh An, cô Loan đã có 8 năm dạy học tại huyện Bình Chánh. Ngày đó, lương giáo viên chỉ bằng một nửa lương công nhân. Gia đình nghèo quá nên cô xin nghỉ dạy đi làm công nhân, mong muốn thay được cái mái mới cho căn nhà dột nát cho mẹ. Thực hiện xong nguyện vọng là cô xin đi dạy trở lại. Đúng lúc ngành giáo dục TP đang tuyển và khuyến khích giáo viên ra đảo, cô Loan làm đơn xin đi.
Những ngày đầu tiên đến ấp Thiềng Liềng, ấn tượng lưu lại trong cô là học trò và người dân rất hiền lành, dễ mến. “Những năm đầu không điện và thiếu nước triền miên. Ban đêm, muỗi bay dày đặc, chuột từng đàn cứ sục sạo trong nhà. Không có điện nên mỗi lần soạn giáo án rất vất vả.
Biết cô giáo chưa quen với trường mới, học trò cứ hết giờ học là đến khu tập thể chơi với cô. Ban đêm, các em cũng tới kể chuyện cho cô nghe đỡ sợ”- cô Loan nhớ lại những ngày đầu ra đảo. Thấm thoắt thời gian đã qua 15 năm.
Nói về chuyện gia đình, cô Loan tâm sự: “Nhiều lúc về thăm nhà thấy thương chồng, thương con quá, dằn lòng không nổi muốn ở nhà luôn nhưng lại nhớ bao nhiêu học trò chiều chiều ra ngóng cô. Cứ chiều muộn mà cô chưa quay lại trường là các em rủ nhau ra bến đò ngồi chờ. Nước cạn, đò không vào tận bờ được, các em lội bùn ngập đến thắt lưng để mang giúp đồ, kéo cô vào. Những hình ảnh như vậy khiến tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ rời xa đảo”.
Vượt khó nhờ nghị lực
Gặp cô giáo Loan, trước mắt tôi là một người phụ nữ rất đỗi bình dị. Chị rụt rè khi kể về mình nhưng luôn rạng rỡ khoe về học trò. “Lát nữa, chị phải về sớm để mua đồ sinh nhật cho một trò trong lớp. Em này rất nghèo”.
Sau ba cái Tết ở lại trường, năm 2000, cô Loan vào đất liền lấy chồng. Người chồng của cô thấy vợ quá yêu quý đảo xa nên chấp nhận sẻ chia, ở lại đất liền nuôi con giúp vợ tiếp tục ra đảo dạy học. Mấy năm lại đây, chồng và con cô Loan mắc bệnh rồi đến lượt cô bị hư thai. Năm 2005, sau 2 lần mổ thận vì ứ nước, cô được các bác sĩ cho biết thận đã bị hư lên độ 3, nếu qua độ 4 thì phải chạy thận nhân tạo.
Những tưởng bao nhiêu khó khăn dồn dập sẽ làm cô giáo này nản lòng. Thế nhưng tiếp xúc với cô, chúng tôi nhận thấy rất rõ sự lạc quan và nghị lực vững vàng. Cô nói lương được hơn 4 triệu đồng, tuy gia đình thiếu trước hụt sau nhưng vẫn đầy hạnh phúc, mà nhất là sự chia sẻ của chồng khiến cho cô càng thêm yêu nghề, yêu đảo.

Lo học trò nghỉ học
Giáo viên Dương Quốc Thịnh, một đồng nghiệp với cô Loan tại ấp Thiềng Liềng, chia sẻ: “Những ngày cuối tuần, sóng to gió lớn không về thăm nhà, thăm con được là tất cả nằm trằn trọc tới sáng không sao ngủ nổi. Mọi người phải cố nén nỗi nhớ ấy để động viên nhau dạy cho tốt”.
Tuy nhiên, điều kiện sống khó khăn không phải là điều khiến các giáo viên ở đảo trăn trở bằng việc lo học trò nghỉ học. Nhà em nào cũng nghèo nên thường nghỉ học để giúp gia đình. Có thời điểm các giáo viên phải đến từng nhà năn nỉ các em đến trường, buổi trưa phải nấu cơm cho cả lớp ăn rồi bắt các em ngủ lại để chiều học tiếp.

 

Bài và ảnh: Đặng Bình An / NLĐ


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)