Nhịp cầu sư phạmGương sáng

“Gieo” chữ trên đỉnh Trường Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

 

Họ đã và đang âm thầm hy sinh tuổi xuân, bỏ lại đằng sau nỗi buồn xa người thân, gia đình, quyết tâm bám lớp, bám làng, mang cái chữ lên vùng cao. 

 

Những thầy, cô giáo trẻ lên công tác tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đang từng ngày vượt qua bao khó khăn, gian khổ để đưa con chữ đến với trẻ em vùng miền núi đặc biệt khó khăn này.
Từ thị trấn Măng Đen (Kon Plong), để đến được điểm trường Đăk Lóa, Trường Trung học cơ sở Đăk Ring, xã Đăk Ring phải vượt gần 70 km đường đèo (đã rải nhựa), đánh vật với 20km đường lầy lội, dốc đứng và đi bộ thêm hơn 10 cây số đường rừng. Tổng cộng phải đi mất gần 1 ngày đường.
Già làng A Bry nói với PV: Con cháu phải học cái chữ Bác Hồ để tiến bộ.
Mùa mưa, con đường càng trở nên hiểm trở. Chỉ một chút sơ sẩy, người và xe có thể rơi xuống vực sâu hàng trăm mét hoặc ngã lăn ra đường đầy bùn lầy. Dẫu vậy, hơn chục năm qua, những thầy cô giáo vẫn can đảm vượt qua quãng đường hiểm trở này để đem con chữ đến với học sinh nghèo Đăk Lóa – một trong những điểm trường nằm trên đỉnh núi thuộc dãy Trường Sơn.
“Hồi mới lên tụi em cũng vất vả, đi đường rừng không quen bị ngã miết thôi, đôi khi tự đi còn bị lạc nữa. Nhưng dần dần rồi cũng quen và  bà con với học sinh giúp đỡ bọn em nhiệt tình. Đi lại chưa quen thì người dân dẫn đường. Có khi người dân dẫn đến tận điểm trường ngoài xã. Rồi đồ ăn thức uống hồi mới lên không biết kiếm đâu thì bà con cũng cho”, cô giáo Lê Thị Nhung, sinh năm 1988, tâm sự.
Không quản ngại khó khăn để lên với học sinh, với bà con vùng cao, vì vậy, các thầy, cô giáo ở đây cũng được người dân dành tình cảm đặc biệt. Già làng A Bry (một cựu chiến binh) tình nguyện ở căn nhà nhỏ vách nứa, nhường hẳn căn nhà thưng ván của mình cho các thầy cô giáo làm nơi tá túc, sinh hoạt. Già làng cũng là người đứng ra vận động bà con trong làng lên rừng chặt cây gỗ, lồ ô về dựng trường để con em trong làng có nơi học hành.
Biết thầy cô giáo khó có thể ra xã mua đồ ăn, thực phẩm, già làng vận động bà con, hàng ngày nhà nào bắt được cá suối, săn được thú rừng, hái được rau rừng… thì đem một phần đến cho các thầy, cô giáo. Rồi già làng lại chỉ vào chiếc cối giã gạo dựng góc nhà và nói: Làng mình là làng cách mạng, thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ thì làng giã gạo nuôi bộ đội, đi giao liên. Giờ các thầy cô giáo lên dạy cái chữ cho học sinh cũng là giúp bà con đánh giặc – đánh giặc dốt. Vì vậy bà con trong làng cũng sẽ bao bọc thầy cô như những anh bộ đội Cụ Hồ.
“Bác Hồ nói là gia đình nghèo, gia đình khổ là phải làm cách mạng, dù chết dù sống là theo cách mạng triệt để, đến cùng. Bây giờ đã giải phóng, được sung sướng, độc lập tự do. Con cháu phải học cái chữ Bác Hồ để tiến bộ. Thầy cô giáo lên đây, có trường có lớp dạy chữ Bác Hồ cho con cháu mình. Con cháu mình hiểu đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước là rất tốt, mình rất vui. Các thầy dìu chắt, bám sát con cháu, con cháu đi học nhiều là tốt, rất cảm ơn thầy cô”, Già làng A Bry nói.
Thầy cô giáo biết tiếng địa phương, vận động học sinh để phục vụ ngay công việc của mình
Sống và làm việc ngay trong lòng Đăk Lóa vì vậy, tình cảm của các thầy, cô giáo gắn chặt với người dân nơi đây. Những người mới đến năm thứ nhất chưa biết nói tiếng Ka Dong, sang năm thứ hai thì biết nói bập bẹ, đến năm thứ 3 hầu như ai cũng đã thành thạo ngôn ngữ bản địa nơi đây. Cũng nhờ vậy, việc vận động học sinh đến trường hay truyền dạy các kiến thức cho trẻ em nơi đây được dễ dàng hơn.
“Ở với dân, thứ nhất mình phải tìm hiểu được phong tục, tập quán của bà con. Trong công tác dân vận, mình biết được tiếng địa phương thì rất là thuận tiện trong nhiều việc. Biết tiếng địa phương, việc vận động học sinh để phục vụ ngay công việc của mình. Thứ hai, khi vào nơi đây là vùng sâu, vùng xa nên thực phẩm rất khan hiếm, những lúc như vật, nếu biết tiếng địa phương mình có thể vào xin rau cỏ của dân”, thầy giáo Nguyễn Trường Giang, người đã có 6 năm dạy học ở Đăk Lóa chia sẻ.
Điểm trường Đăk Lóa được bà con dựng tạm bằng cây rừng, tre nứa, mái tôn chỉ đủ để cho hơn 30 trẻ em (từ mẫu giáo đến lớp 3) học hành. Điều kiện học của các em là hết sức khó khăn và việc tiếp nhận kiến thức cũng còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, không phụ lòng các thầy cô giáo, những học trò nghèo ở Đăk Lóa vẫn hàng ngày chăm chỉ đến lớp, đến trường học cái chữ. Còn các thầy cô cố gắng giúp trẻ em tiếp nhận kiến thức bằng cách mở thêm chương trình “tiếng kẻng học tập”. Cứ mỗi tối, khi tiếng kẻng rung lên, các em học sinh lại tập trung về điểm trường để thầy cô ôn lại bài ban ngày đã học. Vì vậy việc học của trẻ em Đăk Lóa đã có nhiều tiến bộ.
Học trò nghèo vẫn hiếu học
Mong muốn của các thầy cô nơi đây là có một điểm trường khang trang hơn cho học sinh. “Trời mưa, do mái tôn bị thủng, nước dột xuống. Nhà làm bằng nứa, khi mưa nước ở ngoài tạt vào, nên cô, trò đều ướt sũng. Điều kiện học như vậy rất khó cho các em học sinh. Em mong mỏi các ngành chức năng, chính quyền các cấp tạo điều kiện làm lại trường cho khang trang hơn, có cơ sở vật chất đầy đủ hơn để dạy dỗ học sinh tốt hơn”,cô giáo Phạm Thị Hà My, sinh năm 1989 nói.
Những thầy, cô giáo trẻ ở Đăk Lóa đã và đang âm thầm hy sinh tuổi xuân, bỏ lại đằng sau nỗi buồn xa người thân, gia đình quyết tâm bám lớp, bám làng. Họ như những bông hoa đẹp tô thắm cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao. Nhờ những nhà giáo trẻ đầy nhiệt huyết ấy, “cái chữ” Bác Hồ đã đến tận những vùng xa xôi, khó khăn nhất./.

Theo Công Bắc
 

(VOV)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)