Họ là những cô gái tuổi đôi mươi, tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường, mang nhiệt huyết thanh xuân của mình tình nguyện đến với mảnh đất Seno (nước bạn CHDCND Lào) để gieo chữ Việt cho con em đồng bào Việt kiều đang làm ăn, sinh sống ở đây. Với họ, khát vọng lớn nhất là mong các em dù ở bất cứ nơi đâu cũng không quên con chữ cội nguồn dân tộc mình!
Cô Hoàng Ly Ly cùng học trò Việt trên đất bạn CHDCND Lào
“Cõng” chữ Việt sang đất bạn Lào
Là một thị trấn nhỏ nằm về phía Bắc thuộc tỉnh Savannakhet (vùng Hạ Lào), Seno buổi sớm mai thật trong lành. Ngôi trường Nguyễn Trãi nơi có rất nhiều con em Việt kiều theo học rộn rã tiếng cười trước giờ vào lớp. Những đứa trẻ đến sớm nô đùa trên sân trường với song ngữ Lào – Việt nghe ấm lòng trên đất lạ. Hai cô giáo người Việt, Hoàng Ly Ly và Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng có mặt từ sớm tranh thủ giao tiếp, trao đổi cùng học trò để bổ sung ngôn ngữ nước bạn cũng như tìm hiểu tâm tư và rèn luyện thêm khả năng tiếng Việt cho học sinh. Hành trang “cõng” chữ Việt sang Lào của những cô giáo trẻ ấy là nhiệt huyết thanh xuân và tình yêu quê hương, yêu ngôn ngữ Việt thuần hậu.
Hoàng Ly Ly sinh năm 1995, quê Cam Lộ (Quảng Trị). Tốt nghiệp CĐSP Quảng Trị với tấm bằng loại ưu và được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Ly Ly tình nguyện sang Lào dạy học. “Em có bà con ở Seno nên khi còn là sinh viên, nghỉ hè em từng qua Seno để chơi. Em thích nơi này, thương những con em bà con Việt kiều, nhiều em sỏi tiếng Việt nhưng cũng có em không rành lắm nên em muốn tình nguyện qua đây để bày cho các em thêm”, Ly bộc bạch. Hai năm trước, sau ngày tốt nghiệp, Ly Ly khăn gói vượt chặng đường ngót 300 cây số đến với học sinh Seno. Dù đã có dịp gặp gỡ trước đó nhưng khó có thể hình dung hết những khó khăn mà Ly Ly gặp phải những ngày đầu về với trường Nguyễn Trãi. Ly kể, ban đầu về trường, việc lên lớp rất khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Lúc mới vào dạy cô trò như đóng kịch câm. Để bắt nhịp, Ly phải nhờ đến sự hỗ trợ của đồng nghiệp đi trước, trao đổi với các học sinh giỏi tiếng Việt và tự mua sách về học thêm. “Khó khăn nhiều nhưng dần dần làm quen và bắt nhịp được. Nhất là được sự động viên của bà con Việt kiều sinh sống ở đây, cứ mỗi cuối tuần em lại theo chân học sinh về nhà để làm quen thêm với tập quán mới, nếp sống của bà con”, Ly kể.
Mang chữ Việt sang Lào, cô Thủy mong học sinh không quên cội nguồn của mình
Khác với Ly Ly, Nguyễn Thị Thanh Thủy sinh ra và lớn lên ở vùng biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), lần đầu tiên đặt chân đến đất Lào với bao bỡ ngỡ. “Tốt nghiệp CĐSP Quảng Trị, em muốn mình có một thanh xuân không hoài phí nên viết đơn tình nguyện sang Lào. Được phân công về Seno, Thủy dạy chung trường với đồng nghiệp đi trước là Ly. Thủy nhớ lại: “Những ngày đầu về Seno buồn lắm. Buồn nhất là các em nói bằng tiếng Lào làm mình bị động, đôi khi vào lớp em không hiểu học trò nói gì. Em cứ tưởng là học sinh có biết tiếng Việt rồi, nhưng qua đây nhận lớp mới biết rất ít học sinh biết tiếng Việt. Ngày đầu học sinh hỏi không hiểu là em cũng qua cầu cứu chị Ly giúp đỡ. Sau em làm quen với các bạn học trò giỏi tiếng Việt để nhờ làm phiên dịch. Cố gắng nói chuyện với giáo viên bản địa. Rồi đêm về em tranh thủ tự học thêm, ngày cuối tuần đến tận nhà học sinh để nhờ phụ huynh hỗ trợ chỉ bày. Lâu dần việc giao tiếp trên lớp trở nên dễ dàng hơn, nỗi buồn qua đi và thấy yêu quý, gắn bó với nơi này nhiều hơn”. Hành trình “cõng” chữ sang đất bạn đỡ nặng nhọc hơn khi bên các cô giáo luôn có sự hỗ trợ tận tâm, bao bọc và sẻ chia của Hội Người Việt kiều.
Mong các em thạo chữ Việt
Trường Nguyễn Trãi có 250 học sinh. Đa phần trong đó là con em Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở Seno. Nhiều em được ông bà, bố mẹ dạy chữ Việt nên rất thành thạo, nhưng cũng có một số em vì ba mẹ bận làm ăn nên thường chỉ sỏi tiếng Lào. Khung chương trình học là chương trình của nước bạn Lào vì vậy ngôn ngữ tiếng Việt nếu không được bổ sung sẽ dần mai một. Ly và Thủy đảm nhiệm dạy tiếng Việt cho các em học sinh tiểu học, các ngày thứ hai, thứ tư Ly dạy khối lớp 1, 2; Thủy dạy khối lớp 3, 4; riêng thứ sáu Ly dạy lớp 5, còn Thủy đảm nhiệm việc dạy mầm non hát múa và nhận biết mặt chữ cái, đánh vần những chữ dễ như ông, bà, cha, mẹ. Nội dung dạy ngôn ngữ tiếng Việt được thiết kế mỗi lớp có 3 buổi học trong một tuần. Môn học tiếng Việt như là giờ học ngoại ngữ. Ly bảo, để giúp các em có thêm điều kiện tiếp thu nhanh tiếng Việt, ngoài việc nhà trường tăng giờ phụ đạo cho các em lĩnh hội thêm kiến thức về văn hóa Việt Nam, cô giáo chính là người truyền cảm hứng, dạy thêm cho các em những bài thơ, bài văn tiếng Việt giàu hình ảnh quê hương để thông qua đó các em hình dung và hiểu hơn quê hương, nguồn cội của mình. Vào mỗi dịp Tết cổ truyền, Ly và Thủy đều tranh thủ tập cho học sinh những tiết mục văn nghệ để các em diễn cho phụ huynh và cộng đồng người Việt xem, trước khi về nước đón Tết cổ truyền.
TS. Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị – cho biết: Hằng năm tỉnh Quảng Trị đều cử giáo viên sang dạy học cho học sinh tại các trường học Việt kiều ở tỉnh Savannakhet, Lào. Trong năm học 2018-2019, chúng tôi đưa 10 giáo viên cấp mầm non, tiểu học và THCS sang Lào tình nguyện dạy học. Các giáo viên sang Savannakhet sẽ đảm nhiệm việc dạy văn hóa, âm nhạc và tiếng Việt cho con em người Việt tại các trường mầm non, tiểu học và THCS để giúp các em nắm vững kiến thức văn hóa, ngôn ngữ và phong tục tập quán người Việt Nam. |
Hạnh phúc nhất với các cô giáo gieo chữ ở Seno là tình cảm của học sinh dành cho cô giáo. Ly kể: “Lúc sang đây được một tuần là sinh nhật em, mấy đứa học sinh lớp 5 tổ chức sinh nhật bất ngờ trong lớp học xúc động lắm. Mỗi em góp nhau mua kẹo bánh, nến, xong đóng cửa phòng học lại, đợi em bước vào lớp vào rồi bịt mắt, hát chúc mừng. Ở một nơi rất xa quê hương mà nghe giọng Việt, lại còn hát mừng sinh nhật làm cảm động đến trào nước mắt”. Trước mỗi lần về nước nghỉ hè, Tết, các em học sinh đều ríu rít níu chân cô giáo, dặn với theo những vòng xe: “Nhanh trở lại cô nhé”! Chỉ ngần ấy, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn trong mức thu nhập, những giáo viên như Ly, Thủy vẫn nồng ấm một tình yêu nghề, yêu trẻ. Bởi vậy, khi được hỏi về niềm mong ước của mình, cả Ly và Thủy đều bảo rằng: “Mong ước lớn nhất của em dành cho học trò đó là mong cho các em biết được vẻ đẹp, sự phong phú của tiếng Việt. Nhớ về cội nguồn và không quên con chữ của mình”.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)