Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Gieo chữ vùng cao và những câu chuyện buồn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tục lệ của người Mông kết hợp với việc nhận thức người dân không đồng bộ đã khiến công tác giáo dục ở Mường Nhé (Điện Biên) chồng chất khó khăn. Rào cản tiếp tục gia tăng khi cả giáo viên và nhà trường đều phải thuê đất để làm công tác trồng người.

Trao đổi với chúng tôi, giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên Lê Văn Quý tâm sự: “Thầy cô của mình đã phải hi sinh rất nhiều khi lên vùng cao công tác, đặc biệt là các xã khó khăn. Nhưng việc phải thuê đất để làm phòng học, nhà ở tạm cho thầy cô không khác một vết thương lòng cho đội ngũ nhà giáo. Mặc dù chính quyền địa phương cùng với ban ngành đã nỗ lực hết mình nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết”.
Lời tâm sự của giám đốc Lê Văn Quý càng được khắc sâu hơn khi chúng tôi đi thực tế ở xã Na Cô Sa hay Pá Mì. Đây là 2 trong số 5 xã khó khăn nhất của huyện Mường Nhé. Nhắc đến chuyện thuê đất thậm chí là mua lại đất của dân để làm các công trình phúc lợi nhằm để phát triển đời sống, văn hóa, giáo dục ai cũng cảm thấy não lòng. Nhưng nhức nhối hơn cả vẫn là tục lệ cưới vợ, gả chồng sớm.
“Cái chữ” chưa thắng được tục lệ!
Đầu năm học 2010-2011, Trường THCS Na Cô Sa (thuộc Na Cô Sa) có 9 lớp học với sắp sĩ gần 270 học sinh (HS). Tuy nhiên, sau một học kỳ, số HS chuyên cần đến lớp giảm xuống còn chỉ còn khoảng 100. Chỉ có một phần nhỏ là do gia đình các em quá khó khăn nên phải bỏ học, phần lớn đều do các em đi lấy vợ, lấy chồng.
Thầy Lò Văn Hiến, phó hiệu trưởng Trường THCS Na Cô Sa cho biết: “Đa số các em sau khi lập gia đình đều bỏ học. Chỉ có một số rất ít đến lớp nhưng tình trạng học lập rất sa sút. Sau một thời gian các em chán nản rồi cũng bỏ”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người Mông có tục lệ cưới vợ, gả chồng rất sớm. Nếu như trước kia câu chuyện “kéo vợ” thậm chí là “bắt vợ” là nét truyền thống của người Mông thì ngày nay tình trạng này hạn chế hơn rất nhiều nhưng nó lại phát sinh ra một khía cạnh mới: “thích nhau từ độ tuổi 12-13”. Chỉ cần một sự tác động nhỏ là các em sẵn sàng đến với nhau. 

Tình trạng tảo hôn của người Mông khiến công tác trồng người gặp nhiều khó khăn.
Nhắc đến tình trạng “tảo hôn” sớm ở Na Cô Sa, giám đốc Lê Văn Quý bộc bạch: “Có một lần tôi vào công tác ở Na Cô Sa, đúng là dịp có một HS của trường cưới vợ. Nhìn chú rể thì nhỏ con, thấp bé chẳng khác gì học sinh lớp 2 ở dưới xuôi. Tôi có hỏi: “Thế chú rể được 13 tuổi chưa?” thì gia đình em trả lời Được rồi đấy thầy giáo. Tại nhà nghèo, ăn uống không đủ chất nên bé con thế thôi. Đi dự đám cưới mà thấy lòng thật sự xót xa”.
Có lẽ cảm giác xót xa chỉ dành cho những người lần đầu đến với Na Cô Sa, còn đối với đội ngũ thầy cô đã từng gắn bó nhiều năm ở cái xã 100% người Mông này luôn cảm thấy buồn vô hạn mỗi khi nhắc đến chuyện “tảo hôn”.
Thầy Hiến chia sẻ: “Cứ thứ 7 hay chủ nhật không kể mưa hay nắng, các thầy cô đều lặn lội đến từng gia đình để làm công tác tuyên truyền. Tuy nhiên cứ tưởng mưa dầm thấm lâu sẽ cải thiện nhưng thực tế lại không như thầy cô nghĩ. Cũng có gia đình tiếp thu nhưng họ lại viện lý do Chúng nó thích nhau thì biết làm thế nào, đành phải cho cưới thôi. Thật sự để làm thay đổi tục lệ của người Mông không thể một sớm một chiều mà phải dài lâu”.
Từng là cán bộ đồn biên phòng Mường Nghé sau đó được tăng cường về cơ sở làm Bí thư Chi Ủy xã Na Cô Sa, anh Lê Ngọc Kim gắn bó với vùng cao gần 20 năm. Anh tâm sự: “Các em ở đây lấy vợ, lấy chồng sớm là quá sai so với luật hôn nhân gia đình. Cấp uy, chính quyền cũng đã rất nỗ lực triển khai tuyên truyền, vận động. Người dân biết, thậm chí là nắm vững được luật hôn nhân nhưng vẫn làm sai bởi đây là phong tục phong tục tập quán của họ”.
Cũng theo anh Kim, khi các em lập gia đình thường không thông qua chính quyền. Chỉ khi con cái các em đến độ tuổi đi học thì mới ra chính quyền làm giấy khai sinh.
Trước câu hỏi "Vậy chúng ta không thể phá bỏ được tục lệ của người Mông hay sao?", Bí thư Kim khẳng định: “Chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Tuy nhiên để xóa bỏ tục lệ này, chúng ta cần phải có thời gian. Bên cạnh đó cần có đội ngũ cán bộ nhiều kinh nghiệm, sự quan tâm của các cấp các ngành, đặc biệt là Chính phủ”.
Gặp nhiều khó khăn khi đụng đến… đất
Không chỉ khó khăn trong việc xóa bỏ tục lệ kết hôn sớm mà ở Na Cô Sa, việc tìm kiếm quỹ đất để xây dựng trường hay làm các công trình phúc lợi cũng gặp nhiều gian truân.
Thầy Quàng Văn Quyết, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Na Cô Sa cho biết: “Nếu ở các nơi khác khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục thì họ sẵn sàng hiến đất. Nhưng ở đây người dân không bao giờ cho đất với lí do hiến đất rồi thì lấy gì để làm ăn. Không những thế nếu bỏ tiền ra mua chưa chắc dân đã bán”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều dự án được đưa vào Na Cô Sa như công trình thủy lợi, nước sạch… nhưng đều bị cản trở hoặc chậm hoàn thành do vướng mắc chuyện giải quyết bồi thường cho dân. Chỉ cần một đường ống chạy qua nương rẫy của người dân thì họ đều đòi bồi thường với mức cao. Khi dân không cho làm thì chính quyền cũng không thể can thiệp mạnh tay. 
Không những thế, người dân ở đây luôn biết tìm những cơ hội để gây khó dễ cho các dự án đang và sắp triển khai. Chẳng hạn như gần UBND xã đã cắm mốc phần đất để xây dựng cơ sở trường học thì người dân lại tiếp cận gần những khu vực này để phát nương, trồng rẫy. Nếu sau này cơ sở trường học muốn mở rộng thêm thì lại phải đền bù. 
Nếu như câu chuyện ở Na Cô Sa cho chúng tôi thấy sự bất cập ở vùng cao thì càng phải chua xót hơn khi vào thăm xã Pá Mì của huyện Mường Nhé. Để có đất xây dựng phòng học tạm, Trường THCS Pá Mì đã phải bỏ ra khoản tiền 6 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó để có đất dựng tạm nhà ở cho giáo viên, thầy cô phải bỏ ra khoản tiền 800 nghìn đồng/năm. Nếu như ở dưới xuôi những khoản tiền này chẳng đáng là bao nhiều thì ở vùng cao lại là một vấn đề khá lớn. 

Để dựng được những phòng học tạm thế này, Trường THCS Pá Mì đã phải trả 6 triệu đồng/năm để thuê đất của dân.
Trường học và thu nhập của thầy cô dựa vào nguồn đầu tư của ngân sách của nhà nước. Những buổi tăng ca, dạy tăng cường để học sinh tiến bộ đều là sự nhiệt huyết không có lương. Không những thế, nhiều thầy cô còn bỏ tiền túi để mua từ cây bút cho đến cuốn tập, thậm chí là quần áo để động viên các em đến trường. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng thầy cô chưa một lần nản chí mà luôn lạc quan với hi vọng "những bất cập này sẽ sớm được giải quyết".
Khi được chúng tôi chia sẻ những khó khăn và bất cập ở xã Na Cô Sa và Pá Mì, lãnh đạo huyện Mường Nhé cho biết: “Những thực trạng trên huyện đã biết. Tuy nhiên do nhận thức người dân chưa cao nên rất khó khăn khi giải quyết. Người dân cứ có quan niệm đất nào cũng là đất nên đòi mức bồi thường rất cao. Chúng tôi đang cố gắng để khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất”.
Nguyễn Hùng / Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)