Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Gieo nguồn sáng cho người khiếm thị

Tạp Chí Giáo Dục

Sau ngày tốt nghiệp ở Mỹ, thầy giáo khiếm thị Lê Dân Bạch Việt từ chối nhiều lời mời hấp dẫn để về nước dạy học, mở ra hy vọng mới cho người khiếm thị với phương pháp định hướng di chuyển. Chương trình vừa khởi động, thì ngày 2-1-2011 thầy Bạch Việt đã ra đi vĩnh viễn…

Năm 2006 là năm có nhiều tin vui với người khiếm thị tại VN, bởi lúc đó thầy giáo Lê Dân Bạch Việt đã hoàn thành lớp nghiên cứu về “định hướng di chuyển cho người khiếm thị” từ Mỹ trở về, mở ra nhiều hy vọng về khả năng nhận biết xung quanh, tự tìm đường đi, tránh các chướng ngại vật, định hướng âm thanh… cho người khiếm thị.

Thầy giáo khiếm thị Lê Dân Bạch Việt (giữa) đang trao đổi
bài giảng với đồng nghiệp
Sợ thiếu thời gian
Nhiều đồng nghiệp nhớ lại từ ngày về nước và trực tiếp giảng dạy tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM), thầy Việt làm việc quần quật vì lúc nào cũng sợ thiếu thời gian và cháy giáo án. Thầy luôn làm theo tâm niệm không phải “làm cho”, “làm vì” người khuyết tật mà là làm cùng họ. Có như vậy mới dần xóa bỏ được khoảng cách với những người kém may mắn và giúp họ hết mặc cảm, tự ti.
Không khó để tìm ra ngôi nhà nhỏ của thầy Việt trong một hẻm nhỏ trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 – TPHCM bởi bao nhiêu năm nay, người dân xung quanh đã quen với hình ảnh một thầy giáo khiếm thị ngày ngày đón xe buýt đến trường. Căn nhà nhỏ của gia đình thầy Việt cũng đã gắn với hình ảnh của những thế hệ học trò khiếm thị.
Đám tang của thầy giáo Lê Dân Bạch Việt là một đám tang đặc biệt, bởi ở đó có quá nhiều vành khăn trắng được phát ra. Những học trò vịn vào nhau từng hàng, từng hàng đến thắp nhang cho thầy, họ xin được để tang với tư cách của những đứa con chứ không chỉ dừng lại ở tình cảm thầy trò. 
Lúc mới sinh (năm 1961), Lê Dân Bạch Việt đã mắc phải nhiều bệnh tật. Hai tháng tuổi đã không nhìn thấy gì. Để vào được Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TPHCM), Việt đã tập đi tập lại một bản đàn đến mức mười đầu ngón tay xơ tướp. Bù lại, bài thi của Việt được đánh giá là xuất sắc nhất lúc bấy giờ và là của một người khiếm thị nên càng được hội đồng tuyển sinh trân trọng hơn.
Mở ra hy vọng mới
Việc thầy giáo Việt quyết tâm qua Mỹ học bắt nguồn từ một sự việc đau lòng. Ấy là trong một dịp 20-11, thầy được hai học trò khiếm thị lặn lội từ Cần Thơ lên TPHCM thăm. Khi qua bến phà vì không thấy đường nên bị xe đụng và mất. Đau buồn và bị ám ảnh, thầy Việt quyết tâm qua Mỹ để học về “Định hướng và di chuyển”. 
“Một người bình thường nơi đất khách quê người đã khó sống huống gì là người khiếm thị. Không biết đường, không có phương tiện, không người thân. Quả thật khủng khiếp. Những ngày đầu, Việt gọi điện về nhà nhờ mẹ chỉ cách nấu ăn. Có những lúc Việt tâm sự muốn bỏ cuộc nhưng ngày mai thức dậy lại gọi điện về nói sẽ quyết tâm hơn nữa”- chị Lê Dân Thanh Việt, một trong những người chị gái của thầy Việt, nhớ lại. 
Lớp học đặc biệt bên Mỹ ngày đó vỏn vẹn có 4 học viên trên toàn thế giới nhưng chỉ có mình thầy Việt theo học tới cùng. Sau ngày tốt nghiệp, thầy giáo Việt từ chối nhiều lời mời gọi hấp dẫn ở Mỹ, quay về nước và tiếp tục dạy học, mở ra hy vọng mới cho những người khiếm thị với phương pháp định hướng di chuyển lần đầu tiên xuất hiện tại VN. Với vốn tiếng Anh vững chắc, lưu loát nhờ tự tìm tòi, học hỏi, thầy giáo Việt nhiều lần ra nước ngoài tham dự các hội thảo và diễn đàn quốc tế về người khuyết tật.
Thầy giáo Việt còn viết sách, dịch tài liệu để giúp cho các bậc cha mẹ biết cách chăm sóc con nếu chẳng may bị khiếm thị vì “càng can thiệp sớm, càng có nhiều hy vọng”. Sách đã chuẩn bị đem in, dự án và các lớp học về định hướng di chuyển đã bắt đầu khởi động nhưng thầy giáo Việt thì không còn nữa.
Giúp người khiếm thị di chuyển độc lập
Phương pháp “Định hướng và di chuyển” do thạc sĩ Lê Dân Bạch Việt nghiên cứu giúp người khiếm thị biết mình từ đâu đến, đang ở đâu trong không gian, sắp đi đến đâu. Với lứa tuổi nhỏ, phương pháp này sẽ giúp các em trong những động tác sinh hoạt hằng ngày như xác định vị trí một đồ vật, các khái niệm không gian cơ bản như định hướng trái phải, sau trước để mang giày dép, mặc quần áo, phân biệt vật chất cứng, mềm, kim loại, gỗ… Sau đó là di chuyển đến và cầm nắm chúng. Xa hơn nữa là giúp người khiếm thị di chuyển độc lập, an toàn và có hiệu quả khi sinh hoạt, học tập và lao động trong nhà cũng như ngoài đường.
Bà Trịnh Thị Kim Ngọc, Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM: Quên cả bản thân
Ở thạc sĩ Lê Dân Bạch Việt, chúng tôi tìm thấy một con người lao động tâm huyết đến mức quên cả bản thân mình, quên cả bệnh tật. Một năm trước, khi phát hiện bệnh, cứ nghĩ anh sẽ ngừng giảng để chữa bệnh. Thế nhưng anh vẫn đến lớp, vẫn xây dựng nhiều chương trình, hội thảo, viết sách, thậm chí đi tỉnh xa để giảng bài. Khi sức đã rất yếu, anh vẫn cố đến lớp đều đặn, thuyết trình hăng say và giảng giải cặn kẽ. Là người bình thường mà nhiều lúc chúng tôi không thể nào đuổi kịp anh trong lao động.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu: Sinh ra để cống hiến 
Nếu không nhìn kỹ thì rất khó nhận ra Lê Dân Bạch Việt khiếm thị vì đi, đứng rất giỏi; giao tiếp tốt, giỏi tiếng Anh, hài hước và thông minh. Lê Dân Bạch Việt sinh ra cứ như chỉ để cống hiến và làm những điều tốt đẹp cho người khác.
 

 Bài và ảnh: Đặng Bình An / NLĐ


 

Bình luận (0)