Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gieo tình cảm, nhận niềm vui

Tạp Chí Giáo Dục

TPHCM rộng lớn, chứa bao nhiêu cái nghĩa cái tình. Rồi đến khi gặp khó khăn, ta mới nhận ra, đi đâu cũng bắt gặp những tấm lòng thơm thảo. Và không ít trong đó là những người trẻ tuổi…

Anh Quân trao quà giúp người có hoàn cảnh khó khăn
Anh Quân trao quà giúp người có hoàn cảnh khó khăn

1. “Người ta không có mà tôi có nhiều thì đem cho, cái nào không có thì tôi đi xin người khác thêm để cho, giúp họ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thành phố này rộng lắm, nhiều người còn cơ cực, muốn tìm họ đâu có khó”, anh Trần Anh Quân (SN 1990, quận Bình Thạnh), trưởng nhóm từ thiện chia sẻ khi được hỏi về việc tặng quà bánh, khẩu trang giúp đỡ người vô gia cư trong mùa Covid-19 vừa qua. 
Trong khi người ta hối hả tích trữ khẩu trang, đội giá khẩu trang lên ngút ngàn thì những hoàn cảnh khó khăn, người bán vé số, người già không có được chỗ ăn chỗ ngủ, nói chi đến chuyện phòng tránh vượt qua mùa dịch. “Mình giúp được ai thì giúp chứ còn đợi chờ hội nhóm hay tổ chức nào?”, anh Trần Anh Quân cho biết lý do thúc đẩy anh cùng bạn bè thực hiện “chiến dịch không tên”, gửi những món quà nhỏ nhiều ý nghĩa đến người không may mắn. 
Anh Quân cùng bạn bè đã bỏ tiền túi và vận động thêm những người quen biết, mạnh thường quân chuẩn bị khẩu trang y tế, nước rửa tay, quà bánh để gấp rút gửi đến những hoàn cảnh khó khăn. Nhóm bạn của anh tối nay thì hai ba người này, tối mai thì vài ba người khác, đi dọc những con đường, gửi những phần quà nhỏ đến người khó và kể cả cánh tài xế xe ôm mà các anh chị bắt gặp. Hơn 10.0000 chiếc khẩu trang, 5.000 chai nước rửa tay cùng những phần ăn thơm thảo đến với mọi người, từ cách làm nhẹ nhàng, đầy nhân ái của anh Quân và nhóm bạn của mình.
2. Trong dòng người hối hả ở vòng xoay ngã sáu Gò Vấp, ngay gầm cầu vượt, trời mưa lăn tăn, ai cũng mong về sớm để chuẩn bị bữa cơm chiều. Cứ thế, vài xe rồi đến vài chục xe đậu lấn tuyến, nhiều xe bấm còi inh ỏi vượt lên. Sau chừng 15 phút, giao thông bắt đầu ùn tắc. Một thanh niên tầm 20 – 21 khoác chiếc áo mưa mỏng dính tấp chiếc Wave vô chỗ gầm cầu, ngay lập tức bước ra điều tiết giao thông. Ban đầu cũng có những tiếng hậm hực kêu cậu trai sao rảnh dữ? Không đáp lại, chỉ một nụ cười và giọng nói miền Trung chân chất: “Chú dừng xe xí chú ơi, chú lấn lên là kẹt chắc luôn đó”. Sau tầm 20 phút loay hoay một mình ở vòng xoay, có thêm 3 – 4 người nữa, là dân xe ôm gần đó, ra phụ cậu chốt các đèn đỏ để điều tiết…
Cậu cho biết tên Trung, 21 tuổi, làm phụ hồ, ở trọ Gò Vấp. Muốn hỏi nữa nhưng Trung khoát tay: “Chuyện nhỏ xíu thôi à, hôm nào gặp mấy chuyện vầy em cũng đứng ra điều tiết. Lúc đầu người ta nói rát mặt lắm, nhưng rồi mọi chuyện ổn thỏa, nhiều người ra bắt tay khen động viên, với em vậy là vui rồi”.
Thành phố này dễ thương không chỉ bởi vật chất và tình cảm mà người ta trao cho nhau lúc hoạn nạn lẫn cuộc sống bình thường. Thành phố còn dễ thương bởi cái cách mà họ đối đãi với nhau tử tế trong dòng đời hối hả.
“Em trai ơi, gác chống xe”, câu nhắc nhở giản đơn nhưng ấm lòng người lưu thông trên đường. Không thiếu hình ảnh những anh chàng trẻ tuổi, có khi còn là một người phụ nữ, bỏ công điều tiết giao thông trong cái nắng chiều ở những ngã tư đèn giao thông bị hỏng.
Rồi người đi đường ấm lòng khi thấy những tủ quần áo cũ dành cho “người thiếu đến lấy, người dư để lại”, mà lúc nào cũng đầy ắp áo quần vẫn còn mới đủ màu đủ kiểu; thấy được nụ cười của những đứa trẻ vô gia cư khi cầm trên tay chiếc váy xanh váy đỏ mà bạn nhỏ nào đã gửi lại “chiếc tủ kỳ diệu” đó. Đến cả cái túi rác gia đình để ở vỉa hè đợi người dọn dẹp, còn nhớ ghi chú “có miểng”, để nhắc nhở các cô chú lao công cẩn thận đứt tay. Khi thương mến thành phố rồi thì đến cả biển báo tại các công trình ghi “xin lỗi vì sự bất tiện này”, cũng làm mọi người thấy ấm lòng.
Họ cho đi, không có nghĩa là họ không thiếu thốn. Nhưng những con người đó hiểu rằng, thiếu thốn thì thiếu thốn, nhưng cái gì có thể chia sẻ được thì họ cứ sẻ chia, gieo tình cảm rồi đem về niềm vui mà sống.
THANH NHẬT (theo SGGP)

Bình luận (0)