Cô dạy hay quá đi! Các cháu thích ghê!
Hình ảnh “cô giáo quỳ” mà thời gian những năm học gần đây tôi được nghe nhiều, đọc nhiều trên các bản tin trên báo đài, mạng xã hội. Điển hình như vụ “phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi ở Trường Tiểu học Bình Chánh – Long An; và gần đây nhất là hình ảnh hai cô giáo ở Đắk Lắk quỳ trước sân UBND tỉnh này để khiếu nại, minh oan, trong đó có một cô quỳ dưới sân khóc.
Những câu chuyện hình ảnh đó, mỗi sự việc đều có những vấn đề liên quan khác nhau, nhưng qua những hình ảnh này, tự nhiên chúng ta thấy xa xót quá khi một người thầy – người cô, phải “quỳ” để xin được nói, để xin được tha thứ. Ngày còn là học sinh, hình ảnh thầy cô giáo đứng trước phấn trắng bảng đen là một trong những ước mơ, là hình tượng cho tôi bước vào tương lai, muốn trở nên đĩnh đạc, tự hào.
Đến thời điểm bây giờ, thì vẫn phải luôn giữ nguyên giá trị đó, mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương cho học sinh noi theo, nhưng chúng ta thấy gì qua hình ảnh “cô giáo quỳ”. Một hình ảnh bất lực – bất kham – mất hết khả năng giữ gìn hình ảnh của mình trong mắt những học trò thân thương. Người ta thường nói: “Khi đói đầu gối phải bò” – như câu nói ông bà ta ngày xưa hay nói, để cố gắng tồn tại đấu tranh với việc sống còn là “cơm áo gạo tiền”. Vẫn biết rằng, giáo viên là một nghề nghiệp để kiếm sống, lao động để tạo ra của cải vật chất, nuôi sống bản thân và gia đình như bao ngành nghề khác trong xã hội. Và đặc biệt, riêng với giáo viên thì nghề nghiệp của họ ngoài việc là phương tiện kiếm sống, thì song hành với việc đó là truyền đi những thông điệp lối sống, những chân lý, lý tưởng, nhân cách cho học sinh noi theo. Nhưng họ chỉ có duy nhất “chiếc cần câu cơm” đó, thì dĩ nhiên khi đứng trước một nguy cơ mất việc, mất quyền lợi, hoặc ảnh hưởng đến danh dự – uy tín của họ, thì chắc chắn họ phải e sợ. Sợ vừa đủ thôi thì sẽ làm cho người ta tuân thủ quy chế của ngành, điều này sẽ khiến người giáo viên biết lắng nghe, biết sửa đổi. Nhưng sợ quá, phải chăng nó thành quá dở, người giáo viên nhân dân mà không dám chịu trách nhiệm với việc làm của mình, không dám lên tiếng phát biểu những vướng mắc trong công tác, không thẳng thắn phê bình, góp ý xây dựng quy chế dân chủ trong nhà trường, thì liệu rằng khi đứng trước bục giảng có truyền đạt được lý tưởng sống tốt đẹp – nhân văn – cho thế hệ mai sau hay không?
Mỗi năm học, trên đất nước ta đều có những đợt học tập chính trị hè, tập huấn, nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng một bộ phận không nhỏ giáo viên, vẫn không làm được những vấn đề căn bản liên quan đến việc khẳng định tác phong làm việc của một nhà giáo. Ai trong chúng ta cũng đều có những người thầy, người cô, người dạy cho chúng ta biết ước mơ, biết tự tin, biết đấu tranh, biết phản kháng với cái xấu, cái ác. Nhưng chính các cô giáo hôm nay lại “quỳ xuống” để van xin, để năn nỉ. Một hình ảnh không đẹp chút xíu nào, không riêng gì cho những người trong cuộc, mà là buồn thay cho một xã hội, một ngành học đào tạo – giáo dục con người.
Đúng là các sự việc đều có lý do riêng của nó, khi “lực bất tòng tâm” không còn cách để giải quyết, họ buộc phải “quỳ” để được chú ý – để được lắng nghe. Do đâu mà họ phải như vậy? Những vấn đề gì khiến họ không thể giãi bày đúng với từng cấp cơ sở đến cấp cao hơn? Do đâu mà những khúc mắc không dám đưa ra trước ánh sáng để tìm ra chân lý đúng nhất?… Chắc chắn rằng, khi một sự thật của một vài trường hợp xảy ra trên cả nước, mạng xã hội đưa tin, báo chí vào cuộc. Tất cả chúng ta đã nhận ra được tâm tư, nguyện vọng của thầy cô giáo cần phải được quan tâm sâu sát và lắng nghe nhiều hơn nữa. Bởi vì đây là một bộ phận chịu trách nhiệm lớn nhất trên học trò, dựa trên tâm sức giảng dạy truyền đạt kiến thức, thì mới có thể có kết quả, đạt được mục đích giáo dục tối ưu nhất.
Nên cần lắm việc tạo một môi trường thân thiện – học sinh tích cực, cho họ. Thầy cô giáo “tích cực”, không khí hội họp thân thiện, sẻ chia, cùng nhau động viên, tháo gỡ những vướng mắc, kịp thời xử lý những tình huống manh nha, dẫn đến tiêu cực, hơn là đợi “mất bò mới lo làm chuồng”, khi đã tạo được một môi trường thân thiện từ cán bộ quản lý với đồng nghiệp, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa phụ huynh với học sinh, thì việc hướng tới một trường học tập “Trường học thân thiện – học sinh tích cực”, như chủ đề của những năm học qua mà ngành giáo dục đã thực hiện sẽ đạt được kết quả khả quan nhất.
Vì một thế hệ tương lai
Một ngôi nhà muốn xây cao hơn, thì cần cái nền, cái móng vững chắc. Nền giáo dục nước nhà cũng vậy, tất cả các ban ngành, phụ huynh, giáo viên cùng chung tay nhìn ra mấu chốt vấn đề để bắt tay nhau xây dựng một môi trường giáo dục đang ở giữa tâm bão, mà mỗi năm học nhà nhà phải ưu tư.
Năm học 2019 – 2020, chỉ còn vài ngày nữa là đánh trống khai giảng, chúng ta hãy chia sẻ những tâm tư, những nguyện vọng, những đổi mới để chung tay xây dựng. Nhà thơ – nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đã viết “Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ, chỉ có xây dựng cuộc đời là khó thôi”. Và một người tâm huyết cũng sẽ chẳng thể nào lèo lái con thuyền đang trong tâm bão, mà rất cần sự đồng lòng, gắn kết bằng những hành động cụ thể “nói đi đôi với làm”, nhất là các thầy cô giáo. Không có những thành quả nào tự nhiên mà đến, mà nó cần sự đấu tranh, sự học tập, không ngừng trau dồi kiến thức pháp luật, chính trị xã hội, khả năng chuyên môn, để chúng ta sống với nghề dạy một cách ngẩng cao đầu trước các em học sinh, để nhận lời cảm ơn từ phụ huynh học sinh mà không phải hổ thẹn. Không ai làm chủ chúng ta hoàn toàn, chính chúng ta làm chủ chúng ta, nếu chúng ta nắm rõ những quy định tiêu chuẩn của nhà giáo, quy chế dân chủ, học tập đạo đức Hồ Chí Minh, nghiên cứu các chỉ thị mới của Đảng và Nhà nước. Thì chúng ta sẽ đi truyền đạt kiến thức cho các em học sinh không phải xem đó là một nghề kiếm sống, mà vì lý tưởng giáo dục con người, góp phần xây dựng đất nước, tạo nên một thế hệ học sinh mới, là con cháu của chúng ta, biết tự hào về nghề giáo, biết cảm nhận vẻ đẹp của phấn trắng, bục giảng, trang giáo án mà những người đi qua tuổi học trò, là những ký ức khó phai suốt cuộc đời của tâm hồn bao nhiêu người đã đi qua thời học sinh…
Hồ Xuân Đà (Hội Nhà văn TP.HCM)
Bình luận (0)