Học sinh đang thuyết trình về cách bày biện bàn thờ gia tiên trong ngày Tết
Vừa qua, cô Trương Ngọc Võ Châu (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM) đã tổ chức tiết học ngoài không gian lớp học với chủ đề “Hương vị Tết xưa và nay” ở hai lớp 10A1 và 10A2. Theo đó, những hương vị của Tết xưa và nay như bánh chưng, bánh tét, bánh ít lá gai, mâm ngũ quả, canh khổ qua, củ kiệu, dưa món, mứt… cùng những trò chơi dân gian: kéo co, ô ăn quan, rồng rắn lên mây… được mang vào tiết học, giúp tái hiện lại không gian văn hóa ngày Tết xưa và nay. “Trước hết, tiết học nhằm mục đích cho học sinh được ứng dụng văn thuyết minh diễn ra tại thư viện, khu triển lãm sách; qua đó tạo điều kiện cho các em tìm hiểu về sách, báo, tạp chí phục vụ môn học. Đặc biệt, việc lựa chọn chủ đề về Tết không chỉ nhằm thỏa mãn mục tiêu bài học mà trên hết là mang ý nghĩa giáo dục, là cánh cửa mở ra cho học sinh thêm nhiều hiểu biết về văn hóa ngày Tết xưa và nay, về phong tục, tập quán để các em biết trân trọng, giữ gìn”, cô Châu chia sẻ.
Trong tiết học, học sinh (mỗi lớp) được chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm có nhiệm vụ thuyết minh làm rõ những chủ đề khác nhau xung quanh câu chuyện Tết xưa và nay như món ăn truyền thống ngày Tết của 3 miền; trang phục ngày Tết, tục chúc Tết; mâm ngũ quả, bàn thờ gia tiên, các loại bánh mứt Tết; trò chơi dân gian ngày Tết… “Ngoài thuyết minh, mỗi nhóm còn góp thêm một câu chuyện nhỏ về ngày Tết. Các câu chuyện đó có thể là những trải nghiệm mà học sinh đã trải qua trong ngày Tết, cũng có thể là câu chuyện tìm hiểu về văn hóa ngày Tết Việt Nam trong mắt người nước ngoài, hay là chuyến trải nghiệm ăn Tết ở quê ông bà, cha mẹ…”, cô Châu cho hay. Bày tỏ niềm thích thú trước sự phong phú về văn hóa ngày Tết cổ truyền, em Đỗ Hoàng Anh (lớp 10A1) chia sẻ, tiết học với các dụng cụ trực quan không chỉ giúp bản thân em hiểu thêm nhiều kiến thức về ngày Tết cổ truyền của dân tộc mà còn giúp mỗi học sinh trang bị thêm các kỹ năng như làm việc nhóm, tra cứu tư liệu, thuyết trình… “Bài học lớn nhất mà tiết học muốn trao gửi đến học sinh là sự trưởng thành. Càng sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển thì sự trưởng thành càng phải gắn liền với văn hóa truyền thống. Hiểu về văn hóa ngày Tết để tự hào, giữ gìn và trân trọng; để những ngày Tết trở nên ý nghĩa hơn bên gia đình và người thân”, cô Châu nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)