Nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển, một cao nhân làng chơi sách đã từng chia sẻ: “Thú chơi sách là một thú nhàn, đóng cửa tháp ngà, thưởng thức chuyện cung trăng, hoặc giở trang sách tìm người trong xuân mộng. Nói như vậy cũng còn chưa đủ: nhà chơi sách chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa êm ái vuốt ve trang giấy mịn màng, gửi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu công tử đời xưa tiếp kiến nhân tình bằng xương bằng thịt!”. Thế mới thấy tình yêu dành cho sách quá đỗi, đến mức có những thuật ngữ “chuyên ngành” dành riêng cho thú chơi sách như: thủ thư, nhà thư mục, tay giấu sách, tay nếm sách, gã cuồng thư…
Tác giả trước thư viện Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Sách quý hơn vàng
Sách quý hơn vàng, nên việc giữ gìn sách là cả một nghệ thuật. Từ việc yêu sách, quý sách, ham đọc sách mới hình thành nên thú chơi sách, sưu tầm sách. Kẻ chơi sách cũng như người đọc tựu trung đều quý trọng sách, nâng niu yêu mến như thể tay tiên vuốt tóc ngà và tìm hiểu thêm nghệ thuật giữ gìn kho báu của mình luôn mới đẹp, bền lâu. Tác giả Trần Trọng Cát Tường với tác phẩm công phu, nghiêm túc “Về chốn thư hiên”, đã dày công miêu thuật, cảm nhận sâu sắc, diễn giải tỉ mỉ, tường tận về tất tần tật của cái thú chơi sách, ông đã có cái nhìn thấu đáo về chân dung người chơi sách: “Kẻ chơi sách trấn giữ riêng một cõi. Hắn hòa được cái tính, cái tình, cái điệu của những gương mặt – nhẫn nại của một nhà thư tịch, thầm lặng của thủ thư, gàn dở của gã cuồng thư, ích kỷ của tay cất giấu sách… Kẻ chơi sách vừa khoái chỗ hình thức (bìa đẹp, minh họa mỹ thuật, mép xù xì chưa cắt xén…), vừa mê sách ở nội dung (tư liệu quý hiếm, giá trị…) lại để tâm đến bản in lần đầu, bản thủ bút của tác giả… Và hắn nặng lòng với sách vở hơn bao người khác, hao tâm tổn trí tìm bao phương cách sở hữu cho bằng được cuốn sách mình ao ước. … Lương duyên kỳ ngộ với sách vở ở cõi nào do con tạo sắp bày có bao giờ hắn nhận ra được, chỉ biết đem cả tấm lòng đối đãi với sách, chẳng thứ trân châu nào trên đời sánh được”.
Đối với người yêu quý sách, tủ sách là một phần tài sản trong ngôi nhà, là niềm hãnh diện của người sưu tập. Vậy nên, dù sách ngự ở đâu, trên chiếc giá sách mộc mạc, hay trên dãy kệ khang trang, cũng phải bài trí cho xứng hợp với đặc tính ngôi nhà, tính cách chủ nhân. Triết gia người Đức, Walter Benjamin chia sẻ niềm vui khi sục sạo tìm mua được cuốn sách vừa ý mình nhất: “Một trong những kỷ niệm khó quên của nhà sưu tập sách là cứu được cuốn sách mà ông ta chưa bao giờ nghĩ tới bởi vì ông ta thấy nó lẻ loi, không ai quan tâm trong thị trường sách, ông ta mua nó để trả tự do cho nó, giống như một hoàng tử mua một nữ nô lệ xinh đẹp và trả tự do cho cô ta. Đối với nhà sưu tập, tất cả cuốn sách được hoàn toàn tự do một khi đã nằm trên kệ sách”. Khi chúng ta sưu tầm được một lượng sách đáng kể, nhất thiết cần có một phòng dành riêng để lưu giữ sách. Từ đó, thư viện gia đình đã xuất hiện đầu tiên vào khoảng thế kỷ 16. Khởi đầu không phải là phòng sinh hoạt thân hữu, nhưng khi sách được phổ biến, phòng đọc sách trở thành nơi các thành viên gia đình tụ họp sinh hoạt mỗi khi rảnh rỗi.
Gìn vàng giữ ngọc
Tuy sách có sức chịu đựng đáng kể trong hầu hết các hoàn cảnh với điều kiện là cầm nắm cẩn thận, nhưng nếu hiểu biết không thấu đáo, ứng xử không đúng mực, rất có thể sách quý dần bị hư hại. Chất lượng của sách đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Tùy vào chất liệu làm ra sách, ta có phương pháp bảo quản nhất định. Ví như, thời sách vở thánh hiền in bằng gỗ, gáy sơn son, bìa đánh cậy, giấy hồng điều, cha ông đã mày mò ra thứ nhựa tím xám phết lên chống ẩm mốc, không cho thấm nước. Tác phẩm “Vân đài loại ngữ” của nhà bác học Lê Quý Đôn, một trong những bộ sách có tính bách khoa toàn thư đầu tiên của di sản văn hóa nước nhà, tác giả đã giảng giải chữ “Vân đài” và hé ra bí quyết giữ sách đẹp của người xưa. Vân tức là vân thảo, còn gọi là vân hương ép vào trong sách, có thể trừ được mối mọt, để dưới chiếu thì phòng được rệp, côn trùng. Lá mọc thành chùm nho, mùa thu lá nảy ra ít phấn trắng, hoa màu vàng, hương thoang thoảng đến bảy dặm nên gọi là thất lý hương. Vân đài là gác sách, đài cỏ vân chứa sách. “Loại ngữ” là những lời nói được xếp thành loại. Vậy, “vân đài loại ngữ” là những chuyện thu thập tại đài cỏ vân chứa sách, đem sắp xếp theo từng môn (theo Trần Trọng Cát Tường, sách “Về chốn thư hiên”). Không phải ngẫu nhiên, thư phòng đọc sách của người xưa, thường có hương loài hoa dại, cỏ vân (vân thảo) trồng bên cửa sổ không nằm ngoài ý nghĩa vừa để xua đuổi côn trùng và tô điểm cho cảnh sắc khu vườn, vừa được thoảng ngát hương bay hòa quyện cùng chữ nghĩa trong mỗi lần nâng niu, thưởng ngoạn “thư hương”.
Đối với người yêu quý sách, tủ sách là một phần tài sản trong ngôi nhà, là niềm hãnh diện của người sưu tập
Cùng với những phương pháp để “gìn vàng giữ ngọc” sách, thì việc cho mượn sách cũng là điều đáng nói. Có lẽ, ai đã từng quý sách, cũng đã đôi lần phiền muộn việc mượn sách vì chẳng biết bao giờ người mượn sách (cũng mê sách) trả lại. Người đời truyền tụng rằng cho mượn sách đã dại nhưng mượn được mà đem trả lại còn dại hơn, mượn sách không trả chẳng phải nợ nần hay tội tình gì! Sự thật thì không phải người chơi sách ích kỷ không cho mượn sách, mà họ không nỡ cho mượn thì đúng hơn. Vì người chơi sách nhìn sách như vật phẩm trân quý, còn người mượn sách (và người đọc sách), dù giá trị đến mấy, đối với họ chỉ là vật thường dụng, nên cả hai không cùng chung suy nghĩ về cuốn sách. Do đó, vì nhiều lý do người mượn không trả, người cho mượn lại cả nể không đòi, thế là số phận cuốn sách tùy duyên mà trú ngụ. Vậy nên, một số người gặp quyển sách tâm đắc, cùng một ấn bản họ mua đến bộ ba, bộ bốn cho hoàn hảo: một để trưng bày, một để đọc, một để cho mượn theo kiểu ODA (không cần hoàn trả), hoặc để làm quà tặng hay để đổi sách khác cho phong phú tủ sách của mình. Cây bút bậc thầy Anatole France với những câu văn mẫu mực và bất hủ của văn chương Pháp, dù với tấm lòng cởi mở, yêu con người tha thiết nhưng vẫn chìm đắm trong sách vở dị thường và không ngần ngại viết một cách hóm hỉnh rằng: “Đừng bao giờ cho mượn sách, chưa ai từng trả lại chúng. Những quyển sách tôi có được trong thư viện của mình là những quyển sách người khác cho tôi mượn”.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)