Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giờ học sử, giờ “du lịch về nguồn”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Không ai phủ nhận tính hấp dẫn của môn Lịch sử, nhưng vì sao hấp dẫn mà học sinh vẫn không thích học và học kém? Trả lời câu hỏi đó, trước hết trách nhiệm thuộc về phía người thầy. Nếu mỗi giờ học sử là một giờ "du lịch về nguồn" thì có lẽ rất ít học sinh biếng học. Có được điều đó đòi hỏi người thầy phải có tâm, có tài.
Tránh kiểu dạy “nhồi nhét” kiến thức lịch sử
Thực tế dạy và học lịch sử đã được báo động từ nhiều năm trước nhưng tình hình không được cải thiện mà còn có chiều hướng đi xuống. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do phương pháp giảng dạy trong các trường học, trong cách thức ra đề thi, không thực sự lôi cuốn học sinh với môn học, khiến học sinh mang trong đầu tư tưởng đó là môn học phải thuộc lòng các mặt chữ trong sách, vở một cách thụ động. Nội dung trong sách giáo khoa thì quá dàn trải, số tiết học lại quá ít trong khi đó, các trường sẵn sàng cắt tiết giảm giờ học của môn học này để đầu tư cho các môn học khác. Ngành giáo dục mấy năm nay chủ trương giảm tải cho học sinh, nhưng giảm tiết học mà nội dung sách vẫn như cũ, nội dung đó trước kia học trong 2-3 tiết thì bây giờ phải học xong trong một tiết. Giáo viên phải dạy lướt qua thật nhanh mới mong hết 5-6 trang sách đầy chữ trong 45 phút. Còn nhiệm vụ học sinh là phải về “nhồi nhét” 5-6 trang sách ấy để trả bài. Trong khi đó lại có rất ít các chương trình bổ trợ lôi cuốn học sinh tìm hiểu về lịch sử dân tộc trong thời đại bùng nổ về các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay, khi mà giới trẻ luôn bị bao vây bởi các phim truyền hình về lịch sử nước ngoài.
Có lẽ để khắc phục tình trạng kém lịch sử trong học sinh, sinh viên hiện nay, cần phải xác định vị trí quan trọng của môn Lịch sử qua đó có những sự thay đổi phù hợp trong xây dựng nội dung chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông. Bồi dưỡng phương pháp cho giáo viên nhằm tăng tính tương tác cho người học, để giáo viên là người cùng “góp lửa” chứ không phải là một “họa sĩ”, thích vẽ gì lên “tờ giấy trắng” ấy thì vẽ. Mặt khác, xã hội cũng cần phải trọng dụng đối với những người chọn các ngành khoa học xã hội nhân văn nói chung, lịch sử nói riêng làm con đường lập nghiệp, cho họ có được cuộc sống yên ổn để theo đuổi đam mê lịch sử.
Riêng đối với các bạn học sinh, sinh viên người viết bài này muốn nhắn gửi tới những ai đang còn thờ ơ với những kiến thức lịch sử của dân tộc rằng: Lịch sử là một môn học có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng nhân cách con người. Nếu không hiểu lịch sử thì làm sao có thể sống tốt trong cuộc đời này?!
Nguyễn Nam Phương (Trường ĐH Nguyễn Huệ. HT – 3CB 64 Biên Hòa – Đồng Nai)
Du khách tham quan lán Khuôn Tát, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ATK (Định Hóa, Thái Nguyên)
Môn học nền tảng
Nhiều kiến giải về dạy và học sử đã được nêu lên, từ đổi mới cách dạy và học đến huy động các tác phẩm phim kịch theo chủ đề “sử nước Nam”, nhưng cấp bách nhất cho xoay chuyển được “lo thành mừng”, là phải thay đổi nhận thức về vị trí của môn Sử trong học đường và ngoài xã hội. Mấy chục năm kể từ 1980 “cải cách giáo dục” tới nay, càng ngày càng tăng sự coi sử là “môn phụ”. Đã “phụ” thì chẳng thể được học trò dồn tâm lưu nhớ như “chính” được. Sẽ khác, khi chẳng “phụ” hoặc “chính” nữa, mà sử được định vị là “môn nền” để giúp học trò biết giữ vững thế đứng để vươn lên những tầm cao tri thức khác. Làm được điều đó, không ai khác là vai trò những người thầy, từ hoạch định chiến lược đến thao diễn trên bục giảng. Chỉ có thầy yêu sử "truyền lửa" thì mới có trò dùi mài "tiếp lửa", thành tri thức, thành lẽ sống.
Ngoài xã hội, thật nhiều cách hỗ trợ cho tạo “nền” đó. Có những cách chẳng mấy tốn kém kinh phí, ví như, ở hơn 70 thành phố và thị xã tỉnh lỵ hiện có hàng nghìn con phố-tuyến đường mang tên các anh hùng và danh nhân của dân tộc. Có thể dựng ghép những “trích ngang lý lịch” của những con người ấy, cạnh nơi đặt biển tên phố, hẳn giúp thêm nhiều người biết, nhớ. Hoặc như, cách mà TP Hồ Chí Minh đã dùng vào năm 2009, treo nhiều pan-rô bên hàng cột điện, mang thông tin tóm tắt các sự kiện lịch sử, cần được vận dụng rộng hơn, nhiều hơn. Rồi, nếu sân chơi “Theo dòng lịch sử” lâu nay chỉ phát trên kênh VTV2 được chuyển sang “giờ vàng” của kênh VTV1, hẳn công dụng lớn hơn nhiều…
Từ những cách “vun nền” mang tính “phủ sóng” ấy, sẽ chuyên sâu “Thi kể chuyện lịch sử” không chỉ dành cho học sinh, sẽ phát động sáng tác văn học-nghệ thuật về một triều đại, một giai đoạn… trong hành trình dựng và giữ nước, sẽ nâng cấp và tạo thêm các cơ sở lưu giữ hiện vật lịch sử như bảo tàng, nhà truyền thống, địa chỉ lưu niệm… mà tỉnh, thành phố và ngành nào cũng đang có.
Nguyễn Quang Vinh (Nhà 86, tổ 36 thị trấn Đông Anh – huyện Đông Anh – Hà Nội)
Trước hết là phương pháp dạy
Là một nhà giáo có hơn 30 năm đứng trên bục giảng, tôi thấy có một số nguyên nhân dẫn đến chất lượng dạy và học sử thấp kém, trong đó có cả về thầy và trò, về chương trình sách giáo khoa và về cơ sở vật chất đầu tư cho môn học.
Từ thực trạng trên, tôi đề nghị cần "cứu nguy" cho bộ môn này một cách đồng bộ. Trước hết cần tăng cường hơn nữa sự bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên. Việc này cần phải làm thường xuyên, trong đó vai trò của tổ chuyên môn là rất quan trọng. Về phía thầy cô, cần nỗ lực tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư cho bài giảng để lôi cuốn học sinh. Nhà trường cần tạo điều kiện cho giáo viên dạy bộ môn xã hội trong đó có giáo viên lịch sử thâm nhập thực tế để nâng cao vốn sống làm phong phú bài giảng, đồng thời bảo đảm lương cho giáo viên đủ sống, nhất là tình hình hiện nay.
Về chương trình và SGK, cần tăng cường hơn nữa kênh hình. Kiến thức các cấp là đồng tâm, vì vậy khi lên THPT, chỉ cần cho học sinh học thật sâu những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc và thế giới. Nhưng cần rèn tư duy phân tích, so sánh, hệ thống hóa để các em rút ra những bài học lịch sử quan trọng. Câu hỏi kiểm tra và thi cần theo hướng này. Có như thế, học sinh mới không sợ vì phải học khối lượng kiến thức khổng lồ, mới rèn cho các em tư duy sáng tạo.
Về cơ sở vật chất, cần đầu tư tài liệu, phương tiện, đồ dùng dạy học phong phú và hiện đại (ví dụ như những đĩa về những đoạn phim tài liệu về lịch sử, về các nhân vật lịch sử hay về hình ảnh các địa danh lịch sử…) giúp bài giảng sinh động, hấp dẫn.
TRỊNH THỊ THUẬN (1C/33 – đường Thư Trung, phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng)

Theo QĐND

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)