Sự kiện giáo dụcTin tức

Giờ học tín chỉ chỉ là giờ… ngủ?

Tạp Chí Giáo Dục

Hình thức đào tạo bằng tín chỉ nhằm tạo tính chủ động cho người học. Giảng viên chỉ là người hướng dẫn, tổng kết sau mỗi buổi học. Thế nhưng thực tế tại nhiều giảng đường cho thấy, đã có không ít sinh viên coi những giờ học tín chỉ là giờ… ngủ. 

Nhiều lý do để bao biện
Nhìn qua một số buổi học tại các giảng đường nhiều trường ĐH hiện nay cho thấy, có không ít sinh viên vẫn xem giảng đường như là sân chơi hay chỗ ngủ lý tưởng.
Đỗ Văn Hùng sinh viên năm thứ 3 Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN chia sẻ: Nhiều hôm lên giảng đường buồn ngủ quá thì tranh thủ chợp mắt một tí. Hùng cho biết, không giống như học niên chế, lớp đông, lại học theo phương thức tín chỉ, sinh viên tự học và trao đổi nhóm nên việc người này ngủ hay người kia làm việc riêng cũng chẳng ai để ý.
Nhiều sinh viên cho biết, trong các giờ học tín chỉ, bạn nào say mê và có hứng thú thì học, còn không thì chơi, đọc truyện, tán gẫu, thậm chí… ngủ nếu muốn.
Hiện nay, hầu hết các giảng đường đều đã được đầu tư hiện đại, từ phòng học tới thiết bị chiếu sáng, làm mát nên không gian rất thoáng đãng, sạch sẽ. Đúng ra với môi trường này, sinh viên phải có hứng thú học tập tốt hơn thì lại có một bộ phận sinh viên coi đây là lý do khiến họ… buồn ngủ. Nhiều sinh viên lười học coi đây là nơi nghỉ ngơi sau những đêm thức trắng đánh bài, chơi game hay xem đá bóng. Với họ đi học dường như chỉ để điểm danh mà thôi.
Nguyễn Văn Nam, sinh viên một trường ĐH cho biết, nhiều hôm lên giảng đường quạt quay se se, giảng đường thoáng mát nên không thể kiềm chế được cơn buồn ngủ.
Không thể đổ lỗi cho tín chỉ
Một số sinh viên khác lại cho rằng, do áp lực của tín chỉ khiến họ bị stress và không tập trung được trong giờ học.
Đào tạo tín chỉ với mục đích tạo ra tính chủ động trong quá trình học. Do đó sinh viên là người lựa chọn lịch học, còn nhà trường chỉ đưa ra khung chương trình cho từng môn học, ngành học. Chính vì thế, có nhiều thí sinh muốn tốt nghiệp nhanh đã đăng ký nhiều tín chỉ trong một học kỳ để học. Theo quy định, mỗi sinh viên không học quá 25 tín chỉ trong một kỳ, thế nhưng có những sinh viên đăng ký đến 20 – 22 tín chỉ/học kỳ. Chính vì việc học tập quá tải nên sinh viên luôn cảm thấy mệt mỏi mỗi khi lên lớp.
Thầy Nguyễn Văn Hưng, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN cho biết, cần phải xử lý nghiêm những sinh viên coi giảng đường như sân chơi hay chỗ ngủ. Cùng với thái độ kiên quyết xử lý của giảng viên, bản thân người học cũng phải xác định rằng, học là học cho mình chứ không phải cho bố mẹ hay người khác, vì thế đừng đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan tạo nên bệnh lười của mình. Bên cạnh đó, để ngăn chặn tình trạng này, Phòng đào tạo các trường cũng nên bố trí lịch học tín chỉ một cách hợp lý.
Theo Tuấn Đức
(LaoDong)

Bình luận (0)