Không quá nhiều ngôn từ, cũng chẳng cần “lên gân cốt”, chỉ bằng những điệu nhạc không lời nhưng tiết học văn lạ lùng ấy lại “nói hộ” tâm tư đang chất chứa trong lòng của rất nhiều cô cậu học trò tuổi mới lớn.
Các em học sinh đang viết thư cho ba mẹ |
Với đề bài “Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến ba, mẹ của mình, nói những điều mình muốn nói, nói gì cũng được”, cô Trần Thị Quỳnh Anh (giáo viên văn Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM) đã giúp mở ra “cả bầu trời thương nhớ” cho hơn 40 học sinh lớp 10A13 của trường.
Được lời như cởi tấm lòng
Tiết học bắt đầu bằng những lời… la ó của học sinh khi cô Quỳnh Anh cho hay sẽ có một bài kiểm tra đặc biệt chút xíu so với mọi lần. Thông thường, cô Quỳnh Anh luôn có một nguyên tắc là không bao giờ kiểm tra mà không báo trước. Nhưng giờ học này là ngoại lệ.
Đề bài được đưa ra, nhạc không lời được bật lên, du dương, trầm lặng cùng giao ước rất… người lớn: “Cô hứa sẽ không nói với ba mẹ các con. Điểm cô sẽ chấm cho những cảm xúc thật nhất của các con. Bạn nào không biết viết gì thì chỉ cần ngồi nghe nhạc và nghĩ về ba mẹ”.
Những xôn xao dần dịu xuống. Nửa lớp bắt đầu cặm cụi viết, số còn lại… gác bút, chống cằm và nghe nhạc. 10 phút trôi qua, cả lớp im lặng hoàn toàn, chỉ có tiếng nhạc đều đều. 30 phút sau, trong nền nhạc của bài hát “Ba ngọn nến lung linh”, đâu đó tiếng khóc đã không thành tiếng. Một lúc sau, những rấm rức cùng vang lên. Nhiều bạn nam cố kìm để không khóc nhưng mắt đã đỏ hoe, các bạn nữ nước mắt nhạt nhòa, bện cả vào tóc.
Trong khoảng 40 phút của tiết học, những lá thư đã được hoàn thành. Suốt thời gian ấy, cô Quỳnh Anh chỉ im lặng để nghe tiếng lòng học trò mình thổn thức. Học trò của cô, mới 14-15 tuổi mà tâm tư cứ để mãi trong lòng, sao đành đặng?
Nói ra đi con, có cô ở đây!
Giờ viết thư này thuộc bài dạy kỹ năng về làm văn tự sự. Mọi năm, khi dạy tiết này, cô Quỳnh Anh thường cho học sinh kể chuyện theo những chủ đề, hình ảnh cụ thể. Nhưng năm nay, với lớp 10A13, cô không chỉ làm giáo viên dạy văn mà còn giữ vai trò chủ nhiệm. Ngay từ đầu năm học, khi xem hồ sơ của từng học sinh, cô đã thấy nghẹn lòng. Rất nhiều bộ hồ sơ khuyết ba, khuyết mẹ, thậm chí có hồ sơ chỉ để tên chị gái. “Có lẽ các con sẽ có rất nhiều điều muốn nói. Cho các con nói ra chắc sẽ nhẹ nhàng hơn”, cô Quỳnh Anh nói.
Và tiết học… lạ lùng ấy ra đời. “Khi đọc thư học sinh, chính tôi cũng không kìm được nước mắt. Tôi tự hỏi, học trò mình, các con đang phải gánh gồng vậy sao. Không nghĩ rằng, các con lại nhạy cảm và có những suy nghĩ trưởng thành đến vậy”, cô Quỳnh Anh chia sẻ.
Những nét chữ run rẩy nhòe nhoẹt nước tưởng như đang nghẹn lại giữa tiếng nấc lòng. 44 lá thư là 44 bức tâm thư tình cảm mà lần đầu tiên các em được tỏ bày. Đó là bức thư đầy ám ảnh của cậu bé gửi cho mẹ… ở trên trời: “Con vẫn chưa nói con yêu mẹ. Đây là điều hối tiếc nhất trong cuộc đời của con. Nếu có kiếp sau, con vẫn mong làm con của mẹ”. Có bức thư ra dáng người lớn tựa như trách móc: “Nếu mẹ thật sự còn thương ba thì tại sao không trải lòng cho ba biết. Sao mẹ không nói rằng mẹ đang không ổn chút nào. Cứ giả vờ như thế mẹ không cảm thấy mệt mỏi sao?”. Ở đó còn có bức thư của người em gái gửi cho chị Hai trước những lần “đi khuya về sớm” thay ba mẹ toan lo cho em: “Em vào lớp 10 rồi, lớn rồi ấy nhỉ. Nếu có chuyện gì, em cũng tự giải quyết được, Hai không cần phải lo…”. Hay chỉ giản dị bé xinh từ cô bé hạt tiêu nhất lớp chỉ cao trên 1,4m: “Con xin lỗi mẹ vì con không thể trở thành siêu nhân, làm mẹ khóc nhiều”…
Những nhắn nhủ của ba mẹ được treo ở cuối lớp học |
Tiếng khóc đầu tiên trong lớp là từ… lớp trưởng. Tưởng như mạnh mẽ nhưng lại thật sự yếu mềm. Ba đi làm xa, vài tháng mới về nhà một lần. Trong lá thư gửi cho mẹ, con trai biết rằng mẹ rất vui khi thấy con làm lớp trưởng, cậu nhắn mẹ rằng “con trai mẹ đã trưởng thành”.
Lá thư nào cũng đong đầy tình cảm. Nhưng lá thư khiến cô Quỳnh Anh khóc nhiều nhất là lá thư của cô bé hay cười, lúc nào cũng chọc cười cho cả lớp nhưng trong lòng luôn chất chứa: “Năm con học lớp 9, ba mẹ tan vỡ, tan vỡ luôn cả giấc mơ của con. Ba mẹ chia tay nhau nhưng lại vẫn cố gắng sống cùng nhau vì con… Thật ra, ba mẹ biết không, một đứa trẻ hạnh phúc nếu ba mẹ luôn hạnh phúc, dù là không cùng nhau”.
Cánh thư nối dài thêm những mơ ước
“Qua những cánh thư, không chỉ giúp tôi hiểu hơn về hoàn cảnh của từng học sinh mà còn khiến tôi thay đổi cách nhìn với học sinh. Các con thật sự có những suy nghĩ rất trưởng thành. Không còn ích kỷ, trẻ con, không còn mè nheo, nhõng nhẽo nữa”, cô Quỳnh Anh bộc bạch.
Theo cô Quỳnh Anh, qua những cánh thư của học sinh sẽ giúp cô đưa ra phương pháp giáo dục đúng đắn, phù hợp. “Khi tôi đã coi học sinh như những người trưởng thành thì sẽ có cách để nói chuyện giữa những người trưởng thành với nhau, để không vô tình mà làm dày thêm những tổn thương cho các con. Nếu một học sinh đã thiệt thòi không có mẹ mà cô giáo còn bắt làm kiểm điểm thì không chỉ làm đau học sinh mà còn làm đau chính người cha”, cô Quỳnh Anh nói.
“Giáo dục không chỉ đơn thuần là dạy chữ mà còn là nuôi dưỡng cho học sinh cảm xúc để các em trở thành những người sống tử tế, biết yêu thương và có trái tim ấm nóng”, cô Trần Thị Quỳnh Anh nói. |
Và trên hết, cô Quỳnh Anh cho rằng qua những cánh thư là dạy học sinh cách đối diện với sự thật, đứng lên trên những mất mát. Đồng thời, để các em làm quen với cảm xúc của mình thay vì quen với cách làm văn mẫu. Dù lời hứa “không nói cho ba mẹ biết” nhưng bởi những tâm sự quá “người lớn”, cô Quỳnh Anh quyết định che đi những xúc cảm riêng tư nhất của các em và chuyển những cánh thư ấy đến cho ba mẹ trong buổi họp phụ huynh.
“Phụ huynh khóc rất nhiều. Các phụ huynh cũng không nghĩ rằng con mình đã lớn thật rồi. Con hiểu tất cả, chỉ có điều con không nói ra. Và ba mẹ cũng gửi lại những lời nhắn nhủ cho các con. Đó là con chỉ cần học tốt, cả thế giới đã có ba mẹ lo”, cô Quỳnh Anh kể lại.
Những dòng tâm sự ấy được cô Quỳnh Anh gắn vào tấm bảng và trân trọng đặt ở cuối lớp như một thông điệp mà cô muốn nhắn nhủ đến học sinh của mình: “Ba mẹ, dù có như thế nào, lúc nào cũng đứng ở sau lưng các con. Trước mặt các con có cô, sau lưng các con có ba mẹ, bên cạnh các con có bạn bè. Lúc nào xung quanh các con cũng có vô vàn những người yêu thương. Vì thế các con không hề đơn độc. Nên đừng bao giờ các con rơi lệ”.
Yến Hoa
Bình luận (0)