Cứ vào ngày 26 tháng chạp mỗi năm, dù bận rộn cách mấy tôi cũng cố thu xếp để về quê ăn tết. Thấy tôi được sếp ưu tiên cho nghỉ sớm, cả cơ quan trêu tôi: “Mày có phước lắm mới được cái lão sếp khó tính ấy duyệt”. Thật ra những cái tết trước tôi nói khô nước bọt để xin sếp cho nghỉ tết sớm nhưng sếp không màng. Tôi mặc kệ viết lá đơn nghỉ phép, nhờ đồng nghiệp gửi giùm sếp rồi lặng lẽ chuồn êm. Sau này sếp biết được tôi về quê giỗ mẹ nên mới cảm thông.
Cả năm trời tôi chỉ trông sao cho đến ngày này để sum họp gia đình, đi tảo mộ và làm giỗ mẹ. Ngồi trên xe mà trái tim tôi cứ nhảy múa, trông sao về cho nhanh. Khi xe vừa dừng trước cổng nhà, tôi chỉ kịp vào nhà chào bà nội và ba rồi nhanh chân ra thăm mộ mẹ.
Khi lên 6 tuổi, tôi vào lớp 1. Những bài tập đọc về mẹ trong lớp đã mang theo nhiều thắc mắc của tôi về tận nhà. Tôi hỏi ba tại sao mẹ mất. Lúc đó, ba nghĩ tôi chưa đủ khôn lớn nên chỉ bảo: “Mẹ con bệnh nên qua đời”.
Đến khi tôi vào lớp 3, ba mới kể. Ba bảo, lúc mẹ mang thai tôi, ai cũng bảo tôi khôn đáo để khi biết chọn ngày chào đời vào dịp Tết Nguyên đán, nghĩa là niềm vui nhân đôi. Thế nhưng, khi tôi khóc tiếng khóc chào đời cũng là lúc mẹ tôi ra đi vĩnh viễn vì sinh khó. Ba và bà nội tôi chưa hết mừng vì sự ra đời của cậu quý tử thì lại rơi nước mắt đau thương.
Những ngày đầu không có mẹ, ba rất vất vả chăm sóc tôi. Không có sữa mẹ, bà phải cho tôi mớm vú da để tôi bớt khóc, và thay vào đó là uống sữa hộp. Cũng cái tết đó, trong khi cả xóm đón tết trong niềm hân hoan thì gia đình tôi lại mặt ủ mày chau vì có tang trong nhà. Ba tôi chẳng màng đi đốt nhang ông bà trong xóm, tuyệt giao với bạn bè. Bà thì không màng đến việc gói bánh chưng vào đêm giao thừa.
Trải qua 26 năm “gà trống nuôi con”, ba chẳng hề than phiền một tiếng. Bà thường giục ba đi bước nữa để có người tâm sự, cho tôi có mẹ, có người lo việc bếp núc phụ bà. Ba nói với bà: “Vợ hy sinh để ban cho con một vật “gia bảo” thì con không thể phụ lòng cô ấy được”. Cứ thế lời nói ấy được bố thực hiện năm này qua năm khác. Ba hay khuyên tôi: “Mẹ đã hy sinh mạng sống để cho con có được niềm vui trên cuộc đời này, hãy sống sao cho xứng đáng, nghen con!”. Lời ba dạy là hành trang đáng quý mang trong tim tôi suốt 26 năm qua. Tuy chưa được một lần trò chuyện cùng mẹ, nhưng trong trí tưởng tượng phong phú của tôi, mẹ hiền hậu và bao dung như cô Tấm. Nhiều lúc ngồi một mình trong căn phòng trọ ọp ẹp nhớ đến mẹ, tôi bật khóc…
Cuối năm về quê giỗ mẹ, đó cũng là chút lòng hiếu thảo của tôi với đấng sinh thành đã khuất.
Đặng Trung Thành
Bình luận (0)