Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Gió sẽ mang chúng ta đi

Tạp Chí Giáo Dục

Những diễn ngôn chính trị hay tôn giáo gần đây về Iran thường làm chúng ta e ngại rằng bom hạt nhân, luật lệ hà khắc sẽ tách biệt con người nơi đây khỏi thế giới, thậm chí là mối đe dọa thường xuyên đối với sự sống vốn rất cần bình yên của nhân loại ngày nay.

Cảnh trong phim Gió sẽ mang chúng ta đi – Ảnh: watuzee.com

Thế nhưng còn có một Iran khác, một Iran “hiểu mình hơn, tiến gần cuộc sống ước mơ hơn” như hình dung và cách làm của đạo diễn Abbas Kiarostami – người trải qua sâu sắc những biến động chính trị trên đất nước này và nhận ra cội nguồn văn hóa mới là cái bền vững, tiên quyết chứ không phải “Đông hoặc là Tây” như khẩu hiệu cứng rắn của nhà lãnh đạo.

Bởi thế, những điều trông thấy ở hiện thực xung quanh không trở thành cái đáng phê phán mà đóng vai trò gợi ý để đặt vấn đề và chiêm nghiệm nó trong tinh thần chia sẻ.

Gió sẽ mang chúng ta đi (The wind will carry us*) là một phim như thế của Kiarostami.

Chuyện phim bắt đầu khi kỹ sư Behzard đến ngôi làng người Kurd – nơi phong cảnh và tập tục sinh hoạt vùng miền thiểu số buộc anh chàng thành thị phải đi từ ngỡ ngàng này sang thắc mắc khác. Cậu bé Fazard liên tục giải đáp cho anh bằng một niềm tin rằng mọi thứ ở làng đều do ông bà tổ tiên đặt ra và nó chẳng thể hiểu hay giải thích thêm được.

Behzard dần nhập cuộc dù lúng túng và đôi khi, thật hài hước và không kém mỉa mai, để liên lạc với thế giới văn minh của mình, anh lao lên chạy xuống ngọn đồi “tìm” sóng điện thoại. Những “va chạm văn hóa” nảy sinh một cách tự nhiên trong những lần đối thoại với người già nơi đây, khải thị cho Behzard về đời sống, về lẽ công bằng hay định mệnh…

Nét dí dỏm, thông thái trong những đối thoại ấy xứng đáng là những châm ngôn nhiều suy tưởng, liên tưởng. Ngôi làng Kurd đã loại bỏ tính “hiếu kỳ du lịch” của Behzard và thay vào đó là những rung cảm yêu mến xứ sở thật lòng. Behzard trở về thành phố khi những cánh đồng lúa mì vàng rực trải dài bát ngát và đầy gió, như sự mênh mông bất diệt của cõi sống trên mặt đất này.

Không khó nhận ra ở bộ phim những ngụ ý về khoảng cách giữa truyền thống và hiện đại, giữa thành thị và nông thôn, giữa cái gọi là tri thức sách vở và trí tuệ dân gian. Chúng là những thực thể luôn có mặt ở bất cứ đâu. Nhưng Kiarostami không hề lập thuyết, phức tạp hóa về nó. Mà như một người quan sát tinh tế và đầy thấu hiểu, ông gợi mở, dẫn dắt những rắc rối về với lẽ tự nhiên, giản dị và minh triết.

Chúng ta chưa bao giờ mất đi quá khứ cũng như thật khó lòng để triệt tiêu cái già nua, bởi thế hiện tại hay hiện đại phải là một tinh thần sống bao dung, mở rộng và đối thoại. Điều đó trở nên thật giá trị vì nó bảo vệ con người, bảo vệ những lẽ phải của tâm hồn mà không có thứ quyền lực nào chia cắt được.

Một chủ đề khác – sống và chết, như trong bộ phim này, đúng là sự chuyển hóa, đan xen, đồng hiện và bước qua ranh giới giữa chúng, cũng là với thái độ bình tâm, nhẹ nhàng. Sau A taste of cherry (Hương vị anh đào, 1997), một lần nữa ở Gió sẽ mang chúng ta đi, Kiarostami lại làm khán giả thán phục bởi chiều sâu triết học nhân sinh khi nhìn về vấn đề muôn thuở là sinh – tử.

Gió sẽ mang chúng ta đi là một tuyệt tác mà phẩm tính thi ca đã bắt đầu từ nhan đề. Những góc máy diễn tả không gian rộng, màu sắc tràn căng, giọng điệu trữ tình trong lời thoại… càng tô đậm thứ ngôn ngữ điện ảnh riêng biệt của Kiarostami – một thứ ngôn ngữ trong lành, tưới tắm hương vị tin yêu, lãng mạn – cho khung cảnh khô hạn, cho trần tục lắm hận nhiều thù. Kiarostami chỉ có thể tạo ảnh hưởng chứ không để ai trùng lặp. Bởi đơn giản ông là thi sĩ – điện ảnh gia của chính ông.

NAM PHÚ (Theo TTO)

Bình luận (0)