SV ký cam kết ủng hộ chương trình “Tôi học thật” do CLB Youthbox Channel khởi xướng tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM ngày 14-3
|
Với nhiều bạn trẻ, việc đăng lại ảnh hoặc câu status “độc” của người khác trên Facebook của mình chỉ để cho vui hoặc gây sự chú ý nên “quên” hẳn chuyện dẫn nguồn. Thực tế, đó lại là… đạo văn.
Dù không cố tình sao chép thì đạo văn vẫn bị xem là một lỗi nghiêm trọng ở bậc ĐH.
“Đồ giả, chả bền”
Tại buổi giao lưu chủ đề “Facebook and face a book” diễn ra tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM do CLB Youthbox Channel phối hợp với CLB FACE (thuộc Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM) tổ chức (ngày 14-3), ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đơn cử chính trường hợp của mình. Có nhiều người từng “copy” câu nói, ảnh của anh từ Facebook mà “quên” trích nguồn. Theo ThS. Hiếu, dù bộ ảnh, câu nói đó của anh gây được sự chú ý tuy nhiên anh vẫn cảm thấy “tổn thương”. Anh cho rằng, nếu được dẫn tên tác giả thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn.
Mở rộng ra đối với học tập, ThS. Hiếu đề cập đến thực trạng nhiều sinh viên (SV) để đạt được điểm số tròn trịa trong luận văn, thi cử đã vô tư sao chép tài liệu của người khác trên mạng. Khi tốt nghiệp, họ cũng đòi hỏi một công việc và mức lương “trên trời” nhưng vào thực tế không đáp ứng được.
TS. Phạm Quốc Lộc (Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học Trường ĐH Hoa Sen) cũng dẫn chứng thêm, có nhiều SV vì sao chép nên báo cáo thực tập viết giống nhau. Trong khi đó, theo TS. Lộc, viết báo cáo đúng cách giúp SV đáp ứng các kỹ năng viết, phân tích, phản biện. Đặc biệt, kỹ năng phân tích thể hiện qua việc đọc thông tin, tiếp thu và “tái sản xuất” chúng dưới lăng kính riêng của cá nhân. Nếu SV chỉ sao chép y nguyên thì kỹ năng này bị thui chột. Và nếu việc này diễn ra thường xuyên suốt 4 năm ĐH thì khi tốt nghiệp, SV vẫn có tấm bằng thật nhưng kỹ năng là giả.
ThS. Hiếu cũng đồng quan điểm trên: “Làm thật sẽ có năng lực thật. Đồ giả thì không thể nào mà bền được”.
Giỏi bằng đôi chân “chính chủ”
Trên thực tế, đạo văn diễn ra phổ biến ở các trường ĐH, CĐ tại Việt Nam. TS. Lộc thừa nhận, không chỉ riêng SV, có tình trạng nhiều giảng viên bê nguyên kiến thức sách giáo khoa truyền cho người học. Trong khi đó ở các nước, giảng viên luôn trích dẫn nguồn chi tiết cụ thể đối với những kiến thức không phải của họ.
Tài liệu “Phòng tránh đạo văn và cách lập danh mục tham khảo” do CLB FACE thực hiện cũng chỉ ra thực trạng đáng buồn, việc sao chép hiện nay trong các trường ĐH đang ở mức tồi tệ và khó kiểm soát. Tình trạng đạo văn xuất hiện trong hàng loạt tiểu luận, luận văn, luận án. Thậm chí, “chợ” luận văn tồn tại ngay sát cổng trường ĐH, cung cấp cho những SV có nhu cầu.
Có nhiều lý do khi giới trẻ đề cập đến chuyện đạo văn, từ việc lười sáng tạo đến muốn đáp ứng kỳ vọng quá cao. Ở góc độ tâm lý, ThS. Hiếu cho rằng, sức ỳ về tâm lý gây cản trở sự sáng tạo. Và “giải tỏa” trở lực này cũng là “cởi trói” cho sự sáng tạo, đẩy lùi chuyện đạo văn.
Còn TS. Lộc cho rằng, kiên quyết xóa bỏ đạo văn thì SV phải biết đòi hỏi sự minh bạch ở người khác, kể cả đối với giảng viên. “Nếu chúng ta làm bài bằng tất cả sức lực đạt 8 điểm trong khi đó một người lấy một bài ở “chợ” cũng được chừng đó điểm thì chúng ta sẽ tự thấy mình đang là một nạn nhân của nạn đạo văn” – TS. Lộc dẫn chứng.
TS. Lộc còn so sánh, các ĐH ở nước ngoài có chính sách rất rõ ràng về vấn đề liêm chính học thuật, đa số đều xem đó là nền tảng của một nền giáo dục chất lượng tốt. Trong khi vấn đề này ở Việt Nam chưa thực sự được quan tâm nhiều. “Trường ĐH để nạn đạo văn tràn lan là đang tự giết mình. Chừng nào chúng ta chưa nói nhiều, nói đủ, đến tận cùng vấn đề này thì giáo dục nước nhà khó mà hội nhập, cất cánh” – TS. Lộc nhận định.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Những hành động đạo văn vô tình thường thấy ở SV như dẫn giải cẩu thả, ghi nguồn không đầy đủ, trích dẫn không chính xác… Còn hành vi cố tình là chép bài của bạn, nhờ bạn làm bài giùm; mua/chép luận văn; cắt dán tài liệu điện tử/internet mà không ghi nguồn; nộp bài làm của mình cho nhiều lớp học khác nhau. (Tài liệu Phòng tránh đạo văn và cách lập danh mục tham khảo do CLB FACE thực hiện). |
Bình luận (0)