Chứng kiến tình trạng khô hạn ngày một tồi tệ trên toàn thế giới, các nhà đầu tư đang gia tăng sức ép lên những công ty lãng phí nước và rót tiền vào doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.
Phân tích của hai tổ chức CDP và Planet Tracker (đều ở Anh) hồi tháng 5 cho thấy các công ty niêm yết có thể chịu thiệt hại ít nhất 225 tỉ USD từ những rủi ro liên quan đến nguồn nước. Ông Dexter Galvin, chuyên gia của CDP, cho biết: "Đây không còn là những vấn đề xa vời, mà đang diễn ra ngay lúc này".
Một vụ việc cho thấy điều này là một nhà máy của hãng sản xuất ôtô Toyota (Nhật Bản) ở tỉnh Tứ Xuyên – Trung Quốc buộc phải ngưng hoạt động vào tuần rồi trong bối cảnh thiếu điện do hạn hán. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 2,3 tỉ người đang sống ở các quốc gia gặp vấn đề về nguồn nước.
Hồ Folsom ở bang California – Mỹ cạn nước trong đợt nắng nóng kỷ lục hôm 15-8. Ảnh: Reuters
Ngày càng có nhiều nhà quản lý tài sản thành lập quỹ đầu tư nhằm giúp tìm ra giải pháp cho tình hình cấp bách nói trên. Theo hãng tin Reuters, dữ liệu của nền tảng phân tích đầu tư Morningstar Direct cho thấy 23 quỹ được thành lập trong 5 năm qua để tập trung vào giải pháp ứng phó khủng hoảng nước, với tổng tài sản lên đến 8 tỉ USD tính đến cuối tháng 7.
Theo nhà phân tích Bobby Blue của Morningstar Direct, các quỹ đầu tư về nước không trực tiếp sở hữu các quyền về nước. Thay vào đó, họ đầu tư vào các công ty có hoạt động kinh doanh liên quan đến nước. Ông Simon Gottelier, đồng quản lý Quỹ Thematic, ước tính hiện có khoảng 25-30 công ty cấp nước có thể đầu tư trên toàn cầu, bên cạnh một số doanh nghiệp công nghệ nước.
Trong khi đó, ông Albert Cho, Phó Chủ tịch cấp cao của Công ty Cung cấp công nghệ nước Xylem (Mỹ), dự báo doanh thu công ty sẽ tăng khoảng 5% mỗi năm từ nay cho đến năm 2025, một phần nhờ nhiều khách hàng muốn cải thiện hiệu quả sử dụng nước. Theo ông Cho, đó không phải là tốc độ tăng trưởng cao đối với một công ty công nghệ nhưng lại là con số đáng kể đối với lĩnh vực nước.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)