Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giới làm phim đau đầu chuyện vốn

Tạp Chí Giáo Dục

Phim ảnh là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro. Phim còn là một sản phẩm vô hình nên khó vay vốn. Bài toán này phải giải từ đâu?

Tự lực cánh sinh

Tìm vốn để làm phim là vấn đề nan giải không chỉ với điện ảnh Việt mà cả ở nhiều nước khác. 2 tọa đàm bàn về Phát triển điện ảnh TPHCM, Tương lai điện ảnh Đông Nam Á diễn ra ngày 7/4 và 8/4 trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần thứ I đều đề cập đến cái khó này. Báo cáo tổng quan về ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam của Công ty BHD cho biết: “Hiện tại có khoảng dưới 50 doanh nghiệp (DN) Việt Nam thực sự sản xuất phim, trong đó chỉ có khoảng dưới 50% DN đã sản xuất từ 2 phim trở lên. Các DN sản xuất sẽ tìm 1 đơn vị phát hành phim để phát hành trên cơ sở phân chia doanh thu từ bán vé. Tỉ lệ phân chia khoảng 50% cho bên sản xuất/phát hành phim và giảm theo tuần. Kinh phí sản xuất 1 bộ phim hiện nay khoảng từ 5 tỉ đồng đến khoảng 55 tỉ đồng”.

Phim Đất rừng phương Nam tiêu tốn gần 55 tỉ đồng - con số đắt đỏ ở thị trường phim Việt

Phim Đất rừng phương Nam tiêu tốn gần 55 tỉ đồng – con số đắt đỏ ở thị trường phim Việt

Với tỉ lệ ăn chia như trên, mỗi phim thu gấp đôi vẫn chưa thể huề vốn, vì còn phải cộng thêm vài tỉ đồng chi phí phát hành, quảng bá. Trong khi đó, doanh thu phim Việt ngày càng gặp khó, số phim thắng khi đưa ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở nhiều nước khác, các nhà làm phim thường nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ của chính phủ. Ở Việt Nam, tiền làm phim từ 3 nguồn: Nhà nước, tư nhân và quỹ của nước ngoài. Trong đó, việc xin kinh phí Nhà nước để làm phim theo mô hình Nhà nước – tư nhân có quy trình không đơn giản. Việc gọi vốn từ quỹ nước ngoài chủ yếu dành cho các nhà làm phim trẻ. Vì vậy, nguồn chính vẫn là từ các nhà đầu tư tư nhân.

Nhà sản xuất Will Vũ – nhà sáng lập kiêm CEO của Muse Films và VMF Capital, từng sản xuất phim Thưa mẹ con đi, Chị chị em em 1 và 2 – chia sẻ: “Tùy theo mỗi dự án nhưng thông thường là 45% vốn chủ sở hữu, 15% từ công ty đầu tư VMF Capital của tôi điều hành, 10% từ nhà rạp, còn lại 30% từ các đối tác bên ngoài, các đơn vị đồng hành”. Bà Ngô Bích Hạnh – Tổng giám đốc BHD – cho biết: “Điện ảnh tuy đang là ngành đầu tư phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng tương đối rủi ro. Vốn sản xuất phim chủ yếu là của công ty, một số ít từ quỹ đầu tư và một số từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác. Khó khăn nằm ở chỗ rất khó vay vốn sản xuất phim vì phim là tài sản vô hình”.

Đã có nhiều hướng mở

Bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM – cho biết: “Chúng ta có nhiều chính sách để điện ảnh cả nước và riêng TPHCM phát triển. Giờ là lúc thực hiện bằng hành động thực tế. Ngành điện ảnh tốn tiền, nhưng đừng sợ, tốn nhưng sẽ đem lại nguồn thu lớn hơn. Nguồn tiền nhà nước và tư nhân có nhưng chưa phối hợp được 2 bên”. Bà Lizza Dino – Giám đốc điều hành Ủy ban Điện ảnh TP Quezon kiêm Giám đốc điều hành chợ dự án Qcinema (Philippines) – nhận định: “Tìm vốn, quan trọng phải có hỗ trợ từ chính phủ, để nhà sản xuất tự tin, không còn phải lo lắng về thành công thương mại”. Việc tổ chức liên hoan phim, theo các chuyên gia, cũng là cách gián tiếp để Nhà nước hỗ trợ các nhà làm phim tìm vốn, vì đó là nơi quy tụ các nhà sản xuất, nhà đầu tư phim ảnh.

Chi phí thuê mặt bằng và tiền điện, nước của rạp phim đang là nỗi lo lớn của các đơn vị kinh doanh phim ảnh

Chi phí thuê mặt bằng và tiền điện, nước của rạp phim đang là nỗi lo lớn của các đơn vị kinh doanh phim ảnh

Bà Hồ Thị Quyên – Phó tổng giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) – đem đến tin vui: “Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM đã có kế hoạch phối hợp với Trung tâm cũng như các sở, ngành khác, trong tháng Tư tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư về công nghiệp văn hóa. Tại hội nghị, các nhà làm phim sẽ có cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực điện ảnh. Vai trò của ITPC là kết nối, là đầu mối tiếp nhận thông tin từ các DN, các nhà sản xuất phim và sẽ có các mối quan hệ để tiếp cận các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”.

Hướng đi hợp tác đồng sản xuất giữa các nước cũng là một gợi ý cho các nhà làm phim Việt nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Các nhà lãnh đạo điện ảnh, những người trong giới làm phim có mặt tại tọa đàm đều nhất trí: việc hợp tác sẽ giúp dự án phim tăng quy mô, tăng cơ hội phát hành ở thị trường khác, từ đó giảm thiểu rủi ro tài chính. Tuy nhiên, việc này cũng cần có sự cân nhắc, vì theo bà Lizza Dino: “Có những phim không nên đồng hợp tác như những phim có tính bản địa cao hoặc được “đo ni đóng giày” cho thị trường đó. Lúc này có thể đồng sản xuất, hợp tác trong 1 quốc gia, ví dụ kết hợp làm phim với Nhà nước”.

Về nỗi lo của các đơn vị kinh doanh cụm rạp quanh chuyện tiền nong, ông Nguyễn Quang Thanh – Phó giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HIFC) – cho biết: “Trong danh mục thành phố hỗ trợ có mục xây cụm rạp chiếu phim có quy mô từ 1.000 chỗ trở lên, sẽ hỗ trợ vay tối đa 200 tỉ đồng trong thời gian 7 năm không lãi suất”.

Theo Hương Nhu/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)