Nhiều cuộc thi viết ứng dụng, game cho điện thoại di động liên tục được tung ra, vừa tạo điều kiện cho các nhà phát triển phần mềm thể hiện khả năng của mình vừa giúp họ có những thành công về mặt tài chính.
Cuộc thi phát triển ứng dụng "Samsung Bada – Developer challenge" nhân sự kiện ra mắt hệ điều hành Samsung Bada tại Việt Nam từ đầu tháng 7, đã thu hút khá nhiều sự chú ý của những người viết ứng dụng điện thoại đi động. Ngoài việc Bada là một hệ điều hành mới giúp giới lập trình có thể khám phá nhiều ứng dụng độc đáo thì sự chú ý đổ dồn vào phần giải thưởng. Bởi tổng trị giá giải lên đến gần 2,5 tỷ đồng.
Trước đó vào tháng 6, cuộc thi "Viết ứng dụng, game trên di động" do Viettel tổ chức cũng đã kết thúc với nhiều ứng dụng được đánh giá cao như game Thành phố diệu kỳ – Avatar, Đọc báo trên di động, Mạng thương mại điện tử, iMobile, Nam Quốc Sơn Hà, Thuốc và sức khỏe…
Ngoài ra các thành viên đoạt giải còn được hưởng lợi nhuận khi ứng dụng của họ được Viettel đưa vào thương mại hóa, cụ thể lập trình viên sẽ được 60% và Viettel được 40% từ doanh thu của các sản phẩm đoạt giải mang lại.
Các bạn trẻ tham gia cuộc thi "Ngày hội Phát triển Ứng dụng Di động Sài Gòn" tại TP HCM. |
Gần đây nhất, "Ngày hội Phát triển Ứng dụng Di động Sài Gòn" được hãng Orange France Telecom, Công ty tư vấn và phát triển phần mềm Propulsion Labs cùng Công ty phát triển sáng tạo faberNovel tổ chức cho các nhà phát triển di động trẻ. Mục đích để chia sẻ, học hỏi và cùng nhau sáng tạo những ứng dụng di động mới.
Cuộc thi thu hút hơn 100 người tham gia trên các nền tảng iPhone, Android, WebOS… Đội chiến thắng với ứng dụng TransChat trên nền Android cho phép dịch thuật trong thời gian thực, đã nhận được hỗ trợ kéo dài 2 tháng do các chuyên gia của Orange France Telecom thực hiện để giúp đưa ứng dụng này ra thị trường. Dự kiến "hàng" sẽ xuất hiện tại các cửa hàng ứng dụng Orange.
Anh Đinh Hữu Thành, quản trị diễn đàn Tinhte.com, cho biết việc lập trình các ứng dụng trên điện thoại di động không khó hơn so với việc lập trình trên máy tính. Tuy nhiên, vì có rất nhiều nền tảng hệ điều hành điện thoại nên người lập trình phải biết lựa chọn những ứng dụng nào phù hợp với các hệ điều hành được nhiều người dùng chấp nhận.
Anh Thành cũng từng đoạt giải cuộc thi viết phần mềm của Nokia với ứng dụng 1tudien.com, với hơn 1.000 lượt tải về mỗi ngày. "Phải chủ động tận dụng các kênh truyền thông như diễn đàn, chợ ứng dụng, website hãng đi động… để giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng.", anh Thành phân tích.
Điện thoại thông minh đang phát triển tại thị trường Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng di động, đem đến nhiều hướng phát triển mới như các ứng dụng từ Google và công nghệ điện toán đám mây.
Thị trường ứng dụng điện thoại di động phát triển rất nhanh chóng với sự tham gia và cạnh tranh quyết liệt của các công ty lớn như Microsoft, Google, Apple… Chỉ trong vài năm qua, sự xuất hiện chiếc điện thoại iPhone của hãng Apple là cú hích thay đổi cục diện thị trường.
Hệ điều hành Android của Google dù ra sau nhưng cũng phát triển với tốc độ chóng mặt và được người dùng hoan nghênh. Sắp tới người dùng sẽ thấy các hệ điều hành mới như HP với hệ điều hành WebOS mua lại từ Palm và Microsoft với hệ điều hành Windows Phone 7.
Hiện nay iPhones App Store có hơn 200.000 ứng dụng, trong khi Androids Market Place có hơn 100.000 ứng dụng và tiếp tục tăng cao. Các nền tảng như iOS của Apple hay Android của Google, cho phép người viết ứng dụng dễ dàng tiếp cận với hàng trăm triệu người dùng điện thoại thông minh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chính vì vậy người lập trình gặp một khó khăn khác là làm thế nào để người tiêu dùng biết đến ứng dụng của mình trong một "biển" các ứng dụng khác.
Về mặt kỹ thuật, các ngôn ngữ lập trình khá phổ biến tại Việt Nam. Ví dụ khi viết ứng dụng iPhone cần phải biết Objective-C, một ngôn ngữ lập trình khá giống với C++, trong khi đó để viết Android thì Java là cần thiết. Với trình độ tin học của các bạn trẻ hiện nay thì viết phần mềm cho điện thoại không phải là điều khó khăn.
Những smartphone như iPhone hay Android làm được điều mà các dòng điện thoại thông minh trước đây không làm được, là tạo ra một cầu nối giữa người lập trình và người tiêu dùng. Điều này giúp người viết ứng dụng dễ dàng thu được lợi nhuận từ sản phẩm của mình và người tiêu dùng cũng có thêm nhiều lựa chọn.
Anh Trần Trung Hiếu, đại diện nhóm viết phần mềm Manga Rock (ứng dụng đọc truyện tranh trên iPhone và iPod touch) được người dùng đánh giá cao trên Apple Store, cho biết để phần mềm cho điện thoại di động được nhiều người đón nhận và thành công trên thương trường thì không chỉ đơn thuần tốt về mặt công nghệ.
"Để có được lợi nhuận, không chỉ giỏi viết code mà lập trình viên còn phải am hiểu về thị trường và người tiêu dùng, biết họ thích gì và muốn gì như bao công việc kinh doanh khác", Trung Hiếu chia sẻ.
Hà Mai (Theo VNE)
Bình luận (0)