Ở nước ta, học sinh giỏi nhiều nhưng khoa học không phát triển, ít có người tài. Đó là một vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) “sắm vai” giáo viên trong ngày hội “Một ngày làm giáo viên” – các em đĩnh đạc bước lên bục giảng truyền kiến thức đến các bạn cùng lớp. Ảnh: C.Chính |
Có thể nói, những năm gần đây, thành tích của học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic là điều mà chúng ta rất vui mừng và tự hào. Tuy nhiên, sau thành tích ấy còn có những điều cần bàn, cần có hướng đi thế nào để góp phần giúp khoa học nước nhà phát triển, kinh tế nước nhà đi lên xứng tầm với kết quả các kỳ thi ấy.
Đổi mới trong việc dạy và học là một điều quan trọng không chỉ để có những người tài trong các kỳ thi quốc tế mà điều quan trọng hơn nữa, đào tạo học sinh không chỉ giỏi kiến thức sách vở mà còn phải biết áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, tránh thừa thầy (đào tạo tràn lan, cử nhân thất nghiệp nhiều) thiếu thợ (thợ giỏi chuyên môn, vững tay nghề) như hiện nay.
Là một giáo viên dạy ở bậc THPT, tôi mong muốn nền giáo dục nước nhà cần phải thay đổi cách dạy và học để đào tạo thế hệ trẻ giỏi thực sự chứ không phải giỏi ở những con điểm 9, 10. Những năm gần đây, xét về điểm số được đánh giá trong học bạ ở các bậc học từ tiểu học đến THPT thì điểm rất cao, rất đẹp, thế nhưng đó chưa phải là năng lực thực sự của học sinh. Việc có điểm số cao, đạt nhiều giải thưởng là điều đáng mừng, đáng tự hào nếu đó là giá trị thực. Thế nhưng, điều đáng buồn là để đạt được điều đó, học sinh suốt ngày gồng mình vào sách vở. Học sáng, học chiều, học tối, học khuya, học ngay ngoài đường khi ngồi sau xe phụ huynh đến trường. Học đến mụ cả người. Học chỉ biết học mà chẳng biết làm những việc nhỏ nhặt ngay trong gia đình như: lau nhà, rửa chén, nấu ăn…, để rồi chúng ta phải thốt lên “Tuổi 18 mà vẫn chưa… chịu lớn” (chưa biết làm những việc nhỏ nhặt vì từ nhỏ đến lớn chỉ biết học và học).
Vì thành tích này, giải thưởng nọ mà gia đình và nhà trường đều dạy học sinh đua nhau về điểm số. Các em chỉ giỏi kiến thức sách vở, nhưng thiếu kiến thức, vốn sống thực tế. Chẳng hạn, có rất nhiều học sinh điểm trung bình môn tiếng Anh trên 8, trên 10 năm học tiếng Anh thế nhưng gặp người nước ngoài không dám giao tiếp vì… sợ. Có những học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền nhưng khi khách đến nhà chẳng biết mời khách một ly nước… Bởi vậy, hai cái nôi quan trọng nhất để ươm mầm non thực sự khỏe mạnh, vững chắc, đó là gia đình và nhà trường cần xóa bỏ bệnh thành tích, dạy trẻ thực sự “học đi đôi với hành” chứ đừng lý thuyết suông.
Phụ huynh và nhà trường hãy dạy cho con, học sinh cứng cáp bằng đôi chân của mình ngay từ nhỏ và bằng những bài học không chỉ ở kiến thức sách vở. Có như vậy mới ươm mầm non khỏe thể chất, đẹp tâm hồn. Đặc biệt cần dạy trẻ tính độc lập. Thiếu tính độc lập đồng nghĩa với sự thiếu tự tin, bản lĩnh ở bản thân. Một khi thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh thì trẻ sẽ “mất nhiều hơn được”, vậy nên phụ huynh đừng o bế con quá kỹ, đừng vì điểm số. Việc dạy trẻ tính độc lập sẽ đem đến nhiều lợi ích như tự tin hơn khi giao tiếp, trong công việc và dám đương đầu với những thử thách cam go trong cuộc sống. Và khi đứng trước những khó khăn, thử thách, khi đã được rèn tính độc lập từ nhỏ, trẻ sẽ dễ dàng vượt qua.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” (Thân Nhân Trung). Đất nước có đi lên, có thực sự giàu mạnh để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không thì có công rất lớn ở thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, ở nhà, việc gì cũng đến tay cha mẹ, trẻ không hề đụng tới thì làm sao khôn lớn nổi. Ở trường, học sinh chỉ biết mỗi việc học thì lớn làm sao? Không phải cứ chăm chăm vào việc học là tốt. Học mà chỉ biết mỗi việc học thì e rằng đất nước sẽ tụt hậu. Học phải đi đôi với làm, học để hiểu, để mở rộng kiến thức, tầm hiểu biết và vận dụng trong đời sống hằng ngày.
Gia đình và nhà trường cần thay đổi cách quan tâm, dạy dỗ trẻ bằng những việc làm đúng mực, thiết thực. Câu hỏi hôm nay: “Học sinh giỏi nhiều, sao khoa học không phát triển?” và “Có học sinh giỏi, nhưng chưa có người tài” sẽ sớm có lời giải đáp. Đó là niềm tự hào trọn vẹn!
Hoàng Thái Hùng
Bình luận (0)