Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giới thiệu bộ sách “Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”

Tạp Chí Giáo Dục

Mở đầu cho chuỗi các sự kiện chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc lần 2 năm 2023, sáng 19-4, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng NXB Tổng hợp TP đã tổ chức buổi giới thiệu bộ sách “Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.


Ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) trao biểu trưng đại sứ văn hóa đọc cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư năm nay 103 tuổi nhưng với niềm say mê sử học và tâm huyết có một công trình nghiên cứu bao quát, toàn diện về Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM suốt chiều dài lịch sử 322 năm (1698-2020) nên tác giả đã tập trung thời gian, sức lực hoàn thành bộ sách.

Bộ sách gồm 2 tập rất công phu, dày với hơn 1.500 trang. Nếu bắt đầu tính từ ngày nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư viết bản đề cương đầu tiên đến khi ra mắt sách hoàn chỉnh là 25 năm.

PGS.TS Trần Thị Mai (giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) bày tỏ: “Ở công trình này, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều kiến thức, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây cũng là nguồn tư liệu phong phú trên nhiều lĩnh vực. Bộ sách mang tính công cụ nên sẽ giúp ích cho rất nhiều người nghiên cứu sử, tra cứu lịch sử.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ về bộ sách

Qua công trình, có thể thấy nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã tiếp cận với khoa học lịch sử qua cách kể chuyện để giúp người đọc dễ dàng tiếp cận lịch sử của TP, của đất nước”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, TP.HCM là TP lớn nhưng lâu nay chưa có cuốn sách nào tổng hợp. Những người muốn đến tìm hiểu về TP chưa có tài liệu tổng quát nên với tình yêu, tâm huyết của mình, ông đã cố gắng hoàn thành cuốn sách này. Ông muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử từ năm 1698 đến năm 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao… của từng thời kỳ. “Tóm lại, tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong TP nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến TP chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa”, tác giả 103 tuổi bày tỏ.


Bộ sách quý “Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã xử lý một khối tư liệu rất dồi dào, không kể sách nguyên bản tiếng Pháp, tiếng Hán Nôm dịch sang chữ Quốc ngữ thì còn có đến 214 tập sách tiếng Việt tham khảo. Tác giả không chỉ nhọc công sắp xếp các đề mục, chủ đề có hệ thống, khoa học mà vẫn đưa vào bộ sách nhiều thông tin xác đáng, mới mẻ – điều mà bạn đọc rất mong chờ ở các tác phẩm.

Ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) nhận xét: “Đây là công trình có giá trị đối với tác giả không chỉ nhọc công sắp xếp các đề mục, chủ đề có hệ thống, khoa học mà vẫn đưa vào bộ sách nhiều thông tin xác đáng, mới mẻ – điều mà bạn đọc rất mong chờ ở các tác phẩm. Tinh thần lao động của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là một tấm gương rất sáng cho người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và thanh thiếu niên TP”.

Hồ Trinh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)