Đoạn thơ miêu tả chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du dành bốn dòng đầu giới thiệu chung, bốn dòng tiếp tả Thúy Vân, Thúy Kiều.
Giới thiệu chung hai chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du viết: Đầu lòng hai ả tố nga/ Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân/ Mai cốt cách, tuyết tinh thần/ Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười.
Điều thứ nhất: Ông bà Vương “đầu lòng” sinh hai cô gái xinh đẹp (tố nga: Tố Nữ, Hằng Nga). Nhưng “đầu lòng” là thế nào? Có phải Thúy Kiều và Thúy Vân là hai chị em “sinh đôi”? Hay Nguyễn Du xếp hai cô gái vào hệ thống riêng, hệ thống nữ giới để đối lập với chàng trai Vương Quan là chữ nối dòng nho gia? Chưa tìm được ý kiến thống nhất điều này. Hình như Nguyễn Du không muốn chúng ta lí giải cặn kẽ. Chỉ cần có cảm giác: Về mặt tuổi tác, tâm sinh lý, hai chị em ấy gần nhau lắm. Đọc câu thơ: Thúy Kiều là chị/ Em là Thúy Vân, tên chị, tên em đứng ở đầu và cuối câu thơ. Vừa là ẩn ý hai số phận cách xa nhau, vừa ở thế cân bằng, ngang nhau. Bởi thế khi thấy chàng trai Kim Trọng: Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa (chữ kiều không viết hoa, “hai kiều” tức hai cô gái xinh đẹp). Còn Kim Trọng thấy hai chị em nọ: Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao. Và, khi Kim Trọng chia tay: Khách đà lên ngựa/ Người còn nghé theo thì chữ “người” ở đây không hẳn là Thúy Kiều. Nói cách khác, Nguyễn Du muốn nói đến hai chị em ấy tâm sinh lý gần nhau lắm. Điều đó tạo điều kiện để buổi trao duyên thuận tiện. Vì nếu như trong buổi ấy, Thúy Vân còn nhỏ dại, Thúy Vân nói: Chị sao kỳ quá, chị nói gì em chẳng hiểu, cuộc “trao duyên” đó sẽ ra sao. Và, đấy cũng là chuẩn bị cho việc Kim Trọng nghe lời Kiều chấp nhận tình nghĩa vợ chồng với Thúy Vân.
Điều thứ hai: Mai cốt cách, tuyết tinh thần, ông Trương Vĩnh Ký cho rằng: “Mai cốt cách”(dáng vóc thanh nhã như cành mai) là chỉ vào Thúy Kiều; “tuyết tinh thần” (tinh thần trong trắng như tuyết) ý dành riêng cho Thúy Vân. Thử tìm hiểu lí giải này. Có thể Thúy Vân không có vóc dáng thanh nhã như mai nhưng nói rằng Thúy Kiều không có được tinh thần trong trắng e không hiểu ý cụ Nguyễn. Ở đời có hai kiểu trong trắng: Sinh ra như vậy và suốt đời như vậy là một dạng thức. Có dạng thức thứ hai: Sống trong bùn nhơ mà vẫn giữ lòng trong trắng. Chúng ta yêu quý Kiều vì nàng ở dạng thức thứ hai này. Hãy xem ở cuối truyện, dưới mắt của chàng Kim (hay của Nguyễn Du?), Thúy Kiều tuy mười lăm năm đau đớn ê chề, “sớm đưa tối tìm” chàng trai nọ, gã đa tình kia nhưng Thúy Kiều vẫn trong trắng: Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Giác Duyên cũng nhận xét đời Kiều: Mắc điều tình ái/ Khỏi điều tà dâm…
Trong nhiều câu thơ, Nguyễn Du dành riêng cảm nhận, phán đoán cho người đọc. Phải chăng hai ý còn tranh luận trên đây là một ví dụ.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)