Bản kiểm điểm viết bằng mực tím
Quyết định phục kích nhà Hoàng mà không báo trước, kết quả là chúng tớ phải đợi dài cả cổ. 11h30, sau cuộc họp giao ban tại cơ quan, bác Trần Công Thanh – bố của Hoàng mới về tới nhà. Thứ mà bác mang khoe với chúng tớ không phải là những bằng khen hay bảng thành tích đáng nể của cậu con trai mà lại là bản kiểm điểm từ hồi còn học lớp 4, lớp 5 của cậu ấy.
Cười sảng khoái, bác Thanh “khoe” về sự tích bản kiểm điểm “con xin hứa từ nay không làm mất khăn đỏ nữa” của Hoàng. “Nó hay làm mất khăn đỏ lắm. Mấy tháng học mà mất ba cái khăn. Lần đó, bác bực lắm rồi, muốn cho nó ăn roi nhưng vẫn cố nén vì không muốn đánh con”.
Bác ấy đã chạy đi mua chiếc khăn mới rồi giấu xuống dưới đáy thùng cactông. “Thằng này nhà bác bừa bộn lắm, hay vứt đồ lung tung. Nếu không rèn cẩn thận, thành tính cẩu thả, luộm thuộm thì sẽ chẳng làm gì nên hồn”. Tìm đến cái thùng cuối cùng, nhìn thấy chiếc khăn rơi ra mà “trông mắt nó sáng lên rồi hét vang: A! Đây rồi bố ơi”.
Sau lần “dàn dựng” tạo điều kiện cho Hoàng tránh “sưng mông” đó, bác Thanh đã giúp cậu ấy trở nên gọn gàng ngăn nắp hơn. “Quan trọng là nó biết tật xấu để sửa, rèn luyện từ tu duy logic, trí nhớ tốt và cả tính cẩn thận nữa”.
Bố mẹ là bạn thân
Bác Thanh có giọng nói sang sảng, hay cười và cực kỳ vui tính. Như những đứa học trò ngoan bên cạnh người quản gia chăm lo cả nghìn sinh viên (bác Thanh là Trưởng ban Quản lý KTX trường ĐHSP Hà Nội), nhóm phóng viên chúng tớ lắng nghe thấm thía từng lời bác nói: “Việc xây dựng mối quan hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái bằng các kênh khác nhau là việc tối quan trọng. Muốn giáo dục con kiểu gì mà bố mẹ, con cái không hiểu nhau thì không làm gì tốt được”.
Hai bác coi Hoàng như một người bạn. Nhiều lúc cậu ấy còn gối đầu vào bụng bố xem bóng đá và còn “tám” tít mù chuyện trường lớp, bạn bè với cả bố mẹ. “Quan điểm của bác về giáo dục rất rõ ràng. Không đào tạo theo kiểu nhà nòi mà phát triển theo hướng toàn diện. Con thích học cái gì, có thế mạnh về cái gì thì cho nó đi theo cái đó. Bác tôn trọng nguyện vọng cá nhân của con”.
Cô Tú – mẹ Hoàng đang giảng dạy bộ môn Văn học nước ngoài ở Học viện Báo chí Tuyên truyền giản dị và hồn hậu kể: “Có lần cô và Hoàng cùng đứng về một “chiến tuyến” phản đối bác Thanh. Hoàng thì kiên quyết không tham gia kỳ thi HSG Quốc gia năm nay… và cô cũng tán thành với ý của nó”.
Cuối cùng, sau rất nhiều cố gắng động viên của thầy Hoàng (chủ nhiệm đội Tin Khối THPT chuyên ĐHSP Hà Nội) và của bố, Hoàng đã thay đổi quyết định. Kết quả tuyệt đối 20/20, cậu ấy lần nữa vượt qua chính mình, tiếp tục chinh phục đỉnh cao ở môn Tin học
Trong con mắt bạn bè thì “cậu ấy lạ lắm…”
Tham gia buổi nói chuyện còn một cao thủ tin học khác, sát cánh với Hoàng trong mọi cuộc thi, đó là Quang. Cậu bạn 2 lần đạt giải nhì Quốc gia tếu táo “chỉ điểm” bạn thân: “Năm ngoái các bạn nữ phê vào sổ của cậu ấy là: thường hay tạo tiếng động lạ trong lớp. Tiếng động lạ như thế nào thì nói chung là không diễn tả được. Chỉ biết là rất lạ…”.
Đầu óc lúc nào cũng chỉ “số với chữ” nhưng mà Hoàng lại có một trái tim rất “nghệ sĩ” nhé. Cậu ấy đàn ghita rất cừ mặc dù có đoạn phải thanh minh “Tớ mới cắt móng tay nên các ấy thông cảm”. Thi thoảng chỗ nào bị Quang hay nhóm phóng viên trêu nhiều quá, Hoàng lại cười ngặt nghẽo. Thật đúng như lời cô giáo chủ nhiệm: “Cô thích nhất Hoàng ở tính vô tư. Khoái chí điều gì là cậu này cười lăn lội xuống cả dưới đất. Vẫn còn tồ lắm, chưa biết làm duyên với các bạn gái đâu”.
Lớn đùng nhưng trong mắt bố mẹ, thầy cô, Hoàng thật giống một cậu bé to xác. Hồn nhiên, dí dỏm, cậu ấy vẫn đang lớn lên từ những lần bố bắt làm kiểm điểm, và từ lời căn dặn của mẹ “thiên tài cũng chỉ có 1% là thông minh, 99% còn lại cho sự cần cù, chăm chỉ”.
Khánh Yên (Chuyên san Thế giới Học đường)
Bình luận (0)