Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giới trẻ có “quay lưng” với sách?: Bài 1: Chơi vơi trong “biển” sách

Tạp Chí Giáo Dục

Sách văn học, giải trí luôn chiếm vị trí áp đảo trong các nhà sách

Thừa sách văn học và sách giải trí nhưng lại khan hiếm sách khoa học hàn lâm trên thị trường sách hiện nay khiến cho giới trẻ cảm thấy khó khăn hơn trong việc tìm kiếm tri thức. Nhất là công nghệ quảng bá sách quyển nào cũng hay, cũng có giá trị dẫn đến sự hoài nghi của bạn đọc khi thực tế, tìm được một quyển sách phù hợp lại quá nhiêu khê!
Giá trị ngoài sách
Những năm qua, việc xuất bản một cuốn sách đã trở nên dễ dàng hơn kéo theo thị trường sách cũng trở nên đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại. Chính điều đó đã tạo áp lực cho không ít tác giả, nhà xuất bản trong việc làm thế nào để tác phẩm của mình đến tay bạn đọc nhanh chóng nhất và sớm có được một chỗ đứng nhất định trên thị trường so với nhiều ấn phẩm khác. Xu hướng quảng bá bằng mọi giá, mọi cách phải làm cho độc giả mua sách không những không lôi kéo được một bộ phận độc giả chân chính, yêu thích sách mà còn mang đến sự hoài nghi về giá trị và chất lượng “vàng, thau” của sách trong lòng bạn đọc. Chiêu thức sử dụng những giá trị ngoài sách để câu khách mua sách mới đây nhất có thể kể là sự kiện nữ văn sĩ Tr.T.H.H tự quảng bá cuốn tiểu thuyết Th. S của mình bằng cách đưa ra khuyến mãi: Đọc Th. S, bạn sẽ nhận được một giải nhất là 2 ngày 1 đêm nghỉ dưỡng ở resort cao cấp trị giá 8 triệu đồng, 1 giải nhì phiếu chăm sóc tóc trị giá 1 triệu đồng, 1 giải ba 1 voucher dùng bữa tại nhà hàng Thái trị giá 500 ngàn đồng và một giải khuyến khích đọc báo P miễn phí một năm nếu trả lời đúng câu hỏi kèm theo sách. Nhưng, để trả lời câu hỏi này, bắt buộc bạn phải đọc Th. S?!?
Giải thích việc làm này, nhà văn H.H cho rằng: “Tôi chỉ cố gắng làm thế nào đó để đưa sách của mình đến với nhiều người đọc hơn trong thời buổi mỗi ngày có hàng chục cuốn sách ra đời, phải cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với hàng chục bộ phim, chương trình ca nhạc, trò chơi trực tuyến…”. Tương tự, Nhà xuất bản Trẻ cũng sử dụng chiêu thức “Mua sách trúng vàng, trong sách có vàng” để “kích cầu” bạn đọc. Theo đó, người mua sách của nhà xuất bản này có những đơn giá trên 300 ngàn đồng sẽ dự rút thăm trúng thưởng từ 500 ngàn đồng đến một chỉ vàng SJC…
Việc đưa ra những ý tưởng quảng bá sách không vì các giá trị vốn có của sách mà đánh vào sự thực dụng phù phiếm nơi người mua nói trên dường như chỉ thu hút được một nhóm nhỏ bạn đọc tìm đến với sách vì sự “hậu mãi” đi kèm hơn là nhắm đến sự truy cầu hiểu biết, lòng ham học hỏi.
Khan hiếm sách hàn lâm
Hiện nay, việc tìm kiếm những quyển sách có giá trị hàn lâm đích thực trở nên khó khăn trước một “biển” sách mà ở đó thể loại văn học có tính giải trí cao chiếm tỷ lệ áp đảo. Trong khi chúng ta nghe nhiều đến các tác giả văn chương trẻ như Dương Thụy, Vũ Đình Giang, Cấn Vân Khánh… thì những cái tên thuộc lĩnh vực khác lại không “bói” đâu ra. Nhà văn Lý Lan cho rằng, cần lắm phải tổ chức các cuộc thi ở mọi lĩnh vực sẽ vừa có tính sàng lọc tác phẩm vừa kích thích sáng tạo nhằm mang đến cho bạn đọc nhiều sách bổ ích như y tế, giáo dục, văn hóa… Còn thạc sĩ Lê Thị Linh Trang, giảng viên tâm lý Trường Cán bộ TP.HCM thử làm một phép so sánh và cho thấy, những cuốn sách mang đến cho giới trẻ lý tưởng sống như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi 20, Tự truyện Trần Văn Khê -Những câu chuyện từ trái tim lại không nhiều và những cuốn sách có giá trị như vậy vẫn không có sức lan tỏa bằng các cuốn tự truyện mang tính giải trí, đánh bóng tên tuổi của giới nghệ sĩ nói chung!
Thực trạng vừa thừa vừa thiếu nói trên khiến giới trẻ không thể định hướng khi tìm mua một cuốn sách. Do đó họ cảm thấy chơi vơi trước một thị trường sách ngổn ngang là tất yếu. Và vì vậy, xu thế giới trẻ đọc sách theo đám đông, mua sách vì “nghe nói” chưa hẳn đã đáng trách. Bạn Lê Thị Phương Ng., sinh viên năm hai Khoa Ngân hàng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM lý giải việc mình ít đọc sách là do không biết… mua sách gì. Ng. cho biết: “Mỗi lần đi hiệu sách, điều khó nhất với tôi là chọn được một cuốn sách hay, có giá trị. Thường việc làm ấy rất tốn thời gian vì tôi phải đọc lướt vài cuốn, nắm bắt nội dung mới có thể mua được. Nếu không sẽ nhầm vì thực tế nhiều quyển… rất tệ!”.
Bài, ảnh: Tuyết Dân

Như vậy, trước khi lo lắng giới trẻ không còn muốn đọc sách, các “người trong cuộc” nên quan tâm đến việc định hướng và tạo ra những ấn phẩm hay, có giá trị hàn lâm thay vì xuất bản hàng trăm đầu sách chỉ dừng lại ở tính giải trí và hướng đến thị hiếu của một số người.

 

Bình luận (0)