Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giới trẻ có “quay lưng” với sách?: Bài 2: Mạng xã hội lên ngôi

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay giới trẻ chuộng lướt web hơn đọc sách

Internet phát triển với tốc độ chóng mặt kéo theo nhiều dịch vụ tiện ích trên mạng ra đời, nổi bật là sự bùng nổ của các trang xã hội như facebook, blog… Làn sóng này đang có xu hướng lấn lướt thị trường sách trong nước khi thu hút lượng lớn người tham gia. Tuy nhiên, liệu thông tin từ những trang mạng này có giá trị để chinh phục bộ phận độc giả chân chính hay chỉ góp phần làm cho họ rời xa việc đọc?
Văn học mạng… bùng nổ
Hiện nay, một phương tiện tiện ích như internet luôn được giới trẻ đặt lên hàng đầu và sách – nghiễm nhiên trở thành danh mục cuối cùng để họ chọn lựa. Chính vì vậy, theo nhà văn Trang Hạ: “Thực tế, người ta vẫn đọc hàng ngày, hàng triệu chữ mỗi tháng. Chỉ khác là chất liệu đọc. Nói nôm na là món ăn bằng chữ của người đọc giờ đây đã thay đổi khẩu vị. Bạn đọc có thể từ chối những thứ không hợp khẩu vị như một cuốn tiểu thuyết thường niên để chọn lấy thứ thú vị hơn là văn học mạng, tạp chí du lịch hay blog…”.
Đây cũng là lý do khiến cho nhiều tác giả, thay vì muốn thu hút bạn đọc tìm đến các tác phẩm của mình trên ấn phẩm sách in theo cách truyền thống, họ thành lập một trang web cá nhân để có thể tự do đăng tải, giới thiệu tất cả sáng tác của mình. Có thể kể đến các website như: lethieunhon. com, vanhocmang. net, vnthuquan.net, phong-diep.net… Việc lập nên các trang web kết nối bạn đọc ít nhiều tạo được hiệu ứng khi thực tế, nhiều tác giả trên mạng… bỗng dưng nổi tiếng. Điển hình là một số tác giả, tác phẩm đường hoàng bước ra từ mạng như Dị bản của Keng, Hà Linh với Chuyện tình New York, Chỉ lấy người như anh của Trần Thu Trang và mới đây nhất là tác phẩm đình đám Xin lỗi, em chỉ là con đĩ của Bảo Thê (Trung Quốc) do Trang Hạ dịch. Bàn về xu thế này, anh Huỳnh Minh Trí – chuyên gia bất động sản thuộc Công ty Bất động sản Litiland (37 Tôn Đức Thắng, quận 1) chia sẻ: “Bản thân tôi nói riêng và nhiều bạn trẻ nói chung đều thích sử dụng internet để đọc sách hay lướt qua các trang mạng xã hội hơn thích cầm một cuốn sách. Khi đọc một tác phẩm mạng, như văn học, chúng tôi có thể tự do trực tiếp trao đổi với tác giả và trao đổi lẫn nhau thông qua các diễn đàn để hiểu hơn về tác phẩm”.
Đến… ngao ngán!
Điểm qua hầu hết số tác phẩm bước ra từ mạng nói trên, dễ dàng nhận thấy đó đơn thuần là những dòng tự sự, tâm tình với nhau trên blog, facebook hoặc vài ba câu chuyện được hư cấu nhưng lại không trau chuốt kỹ càng. Các tác phẩm này nhanh chóng được giới mạng tung hô (thông qua diễn đàn và số lần cập nhật) trở nên nổi tiếng và sau đó, nghiễm nhiên được nhà xuất bản tìm mua nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận độc giả yêu thích. Nhất là khi vấn đề tình dục vốn gây tò mò cho giới trẻ đang được các tác giả triệt để khai thác, hướng đến như một thứ gia vị nhằm tăng sức hấp dẫn. Như Dị bản chính là 13 truyện ngắn được tổng hợp từ blog của Keng. Tác phẩm này phơi bày một cuộc sống và những cách nghĩ khá thoáng của người trẻ về tình yêu, tình dục. Bản thân tác giả khi xuất bản tập truyện này còn đưa ra khuyến cáo được in trên bìa sách “Chỉ đọc khi tuổi đã 18” khiến tác phẩm càng “sốt” hơn!
Không ngoài mục đích lợi nhuận, nhiều nhà xuất bản sau đó đã “ăn theo” cơn sốt “văn học mạng” thông qua việc chuyên tâm khai thác dòng sách dễ tính này. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít người đọc chân chính… quay lưng với sách. Bạn Đoàn Phan Kim Ngân, sinh viên năm nhất Khoa Kinh tế – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM khẳng định: “Mạng là một thế giới mở mà ở đó, ai cũng có thể “xuất bản” những sáng tác dù không được kín kẽ và có chọn lọc kỹ càng. Do đó, hầu hết chúng em tìm đến mạng hay các trang văn học chỉ để giải trí hơn là mong muốn tìm kiếm một cái gì đó nhân văn, rung cảm. Còn những quyển sách bước ra từ mạng, chính xác là từ những dòng tự sự trên blog thì bản thân em lại không thể chạy theo đám đông để ăn một món ăn mà mình không ăn được bởi chúng gần như chẳng có giá trị gì ẩn giấu đằng sau những con chữ!”.
Bài, ảnh: Tuyết Dân

TS. Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM khẳng định: “Trong “biển” thông tin ngày nay, để tìm kiếm các giá trị tri thức thực thụ, có ích không phải là việc dễ đối với nhiều bạn trẻ”. Đây phải chăng là một trong những nguyên nhân ngày càng khiến cho thị trường sách trở nên bát nháo, bão hòa và góp phần làm cho bạn đọc quay lưng với sách nhiều hơn!

 

Bình luận (0)