Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giới trẻ có “quay lưng” với sách?: Bài cuối: Phép giải cho văn hóa đọc

Tạp Chí Giáo Dục

Eran Katz – tác giả của cuốn Trí tuệ Do Thái giao lưu với độc giả Việt Nam tại Hội sách TP.HCM lần VI

Thực trạng giới trẻ “quay lưng” với sách khiến cho văn hóa đọc đang được các nhà xuất bản, nhà khoa học và cả ngành giáo dục quan tâm rất nhiều. Vậy, làm thế nào để khơi gợi lại niềm đam mê đọc sách trong lòng giới trẻ?
Từ… gốc rễ
Giá trị của một cuốn sách được cụ thể hóa qua vốn kiến thức mà người đọc tiếp nhận được. Tuy nhiên, theo dịch giả Nguyễn Lệ Chi: “Không phải cứ in ra nhiều sách là nâng cao văn hóa đọc”. Đọc sách hiệu quả còn phụ thuộc vào khả năng biết chọn lựa bởi thị trường sách ngày càng đa dạng và trùng lắp, không phải tác phẩm nào cũng phù hợp và mang một giá trị tri thức nhất định. Dịch giả Phạm Viêm Phương cũng cho hay: “Ngay như những tác phẩm nổi tiếng của Franz Kafka – một trong những nhà văn lớn của thế kỷ 20 – khi được dịch tại Việt Nam cũng khác nhau về chất lượng. Nếu không cẩn thận xem xét sẽ khiến chúng ta mất tiền mua một quyển sách tồi!”. Qua đó cho thấy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà xuất bản ở việc thực hiện những ấn phẩm hay, có chất lượng vì thực tế vẫn còn một bộ phận bạn trẻ yêu thích, đến với sách bằng niềm say mê học hỏi và cả sự truy cầu hiểu biết.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc thì gia đình, nhà trường chính là hai yếu tố không thể thiếu trong việc định hướng và làm chiếc cầu nối đưa con em đến với thói quen đọc sách. Từ câu chuyện tại Phần Lan, khi một đứa bé ra đời, món quà đầu tiên mà người thân, bạn bè của gia đình mang đến tặng không phải là bánh trái hay quần áo mà là một cái lẵng đựng đầy sách. Chúng ta hoàn toàn có thể “bắt chước” và du nhập phong tục đẹp đẽ này, khi đó đọc sách tự khắc sẽ trở thành nhu cầu không thể thiếu và lúc này chúng ta mới có thể tạo nên một văn hóa đọc. Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Thiều – Hội viên Hội Vật lý Việt Nam cũng khẳng định: “Muốn cho văn hóa đọc chấn hưng thì khâu đột phá phải bắt đầu từ trẻ em. Cả một kho tàng sách nổi tiếng trong và ngoài nước cần phải được gia đình, nhà trường, thầy cô giáo giới thiệu một cách có hệ thống đi kèm với các hoạt động ngoại khóa khác”.
… Đến những cầu nối tri thức
Hầu hết các công ty sách và nhà xuất bản khi “ra” một cuốn sách thường sử dụng hình thức quảng bá tổ chức các buổi giới thiệu hay tọa đàm giao lưu tác giả nhưng chỉ gói gọn trong phạm vi không gian nhỏ hẹp là những quán cà phê, họp báo… Hình thức này thường không mang lại hiệu quả cao bởi người đọc tiếp nhận được rất ít thông tin tác phẩm. Thay vào đó, những năm qua, việc tổ chức ngày hội sách hay chương trình sách giảm giá lại thu hút đông đảo độc giả tìm mua sách nhiều hơn. Bạn Nguyễn Thị Minh Nguyện, sinh viên năm ba Khoa Du Lịch, Trường Đại học Văn Hiến cho biết: “Vì sách không bao giờ “cũ” nên em thường đợi đến ngày diễn ra hội sách hoặc biết các nhà sách có tổ chức khuyến mãi giảm giá mới tìm mua. Mỗi lần vậy em mua rất nhiều cuốn và… để dành đọc”. Minh Nguyện khoe, ở Hội sách TP.HCM lần VI diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám vừa qua, bạn “bấm bụng” mua đến hơn 2 triệu đồng tiền sách. Trong đó có những cuốn nổi tiếng như Trí tuệ Do Thái (Eran Katz), Tay không gây dựng cơ đồ của tỷ phú Thái Lan Vikrom Kronadit hay Thế giới xô lệch của Bích Ngân và Dương Thụy với Nhắm mắt thấy Paris cùng nhiều cuốn giúp ích cho ngành học… Không riêng Minh Nguyện, đa phần các bạn trẻ đều cho rằng sở dĩ nhiều quyển sách trở thành bestseller là do không chỉ nhà xuất bản mà cả tác giả đều rất tâm huyết với tác phẩm của mình. Eran Katz, Vikrom Kronadit đều đích thân làm chiếc cầu nối giữa độc giả và tác phẩm của họ bằng việc tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm ngay tại Việt Nam và những quốc gia khác.
Bài, ảnh: Tuyết Dân

Trong khi chúng ta còn đang từng bước dò dẫm tìm kênh tiếp thị cho sách thì các buổi giao lưu, làm “gần” hơn mối quan hệ giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc nói trên sẽ là những bài học cần được tiếp thu mới mong thay đổi được sinh khí thị trường sách cũng như nâng tầm văn hóa đọc!

 

Bình luận (0)